Làm giàu từ nghề nuôi gà và nuôi heo gia công

Từ không có gì, đến nay ông đã có trong tay một trang trại với 60.000 con gà và 2.000 con heo thịt. Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, ông Nam còn tạo việc làm thường xuyên cho 21 lao động và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương.
Gần 30 năm trước (1986), ông Nam đưa gia đình từ tỉnh Phú Thọ đến xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) lập nghiệp. Lúc đầu, ông làm công nhân thuỷ nông thuộc Xí nghiệp 301.
Đến năm 1994, ông được nghỉ việc theo chế độ. Vào thời điểm đó, xã Phước Minh còn là một vùng đất hoang sơ, bạc màu, người dân nơi đây lại không biết trồng loại cây gì, hoặc chăn nuôi con gì để phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy mà giá trị đất còn rất thấp so với nhiều địa phương khác.
Nhìn thấy tiềm năng vùng đất này, ông Nam quyết định đầu tư hết số tiền dành dụm được để mua đất và đầu tư 8 ha đất trồng cao su. Bên cạnh đó, ông còn thực hiện mô hình chăn nuôi heo thịt để phát triển kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, việc chăn nuôi heo không đạt hiệu quả, nên đến năm 2010 ông Nam chuyển sang mô hình trang trại chăn nuôi gà lạnh khép kín. Trước khi đầu tư thực hiện mô hình này, ông Nam được Công ty CP Thái Lan tạo điều kiện đến tham quan các mô hình chăn nuôi khép kín của công ty; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Để thực hiện mô hình chăn nuôi gà lạnh khép kín, ông Nam đầu tư xây dựng chuồng chăn nuôi với chi phí khoảng 2 tỷ đồng. Gia đình ông đã gom vốn liếng tích luỹ được từ nhiều năm qua để xây dựng chuồng trại.
Ngoài ra, ông còn được Hội Nông dân xã Phước Minh giới thiệu vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu để đầu tư nuôi thử nghiệm 15.000 con gà. Lứa gà nuôi đầu tiên, ông Nam gặp không ít khó khăn, nhưng ông kiên trì học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi nên đàn gà của ông lớn nhanh, ít bị mắc bệnh.
Lứa đầu tiên, sau 45 ngày nuôi, ông Nam đã xuất chuồng, thu về hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ toàn bộ chi phí, ông còn lãi được 40 triệu đồng. Bình quân mỗi năm, ông Nam xuất chuồng được 5 lứa gà, thu về khoảng 200 triệu đồng tiền lãi ròng.
Đến năm 2012, ông Nam chuyển sang nuôi gia công và đầu tư thêm 2 chuồng nữa, nâng tổng số gà nuôi mỗi lứa là 60.000 con. Từ đó đến nay, mỗi lứa gà nuôi gia công ông Nam được hưởng tiền gia công khoảng 150 triệu đồng. Tính ra bình quân mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ chăn nuôi gà khoảng 750 triệu đồng.
Thấy nuôi gia công có hiệu quả, ông Nam tiếp tục xây dựng thêm 3 chuồng khép kín để nhận chăn nuôi gia công 2.000 con heo, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa heo thịt, ông được hưởng tiền gia công là 50 triệu đồng/lứa. Như vậy, tổng thu nhập từ các mô hình chăn nuôi gà và heo gia công của ông Nam là khoảng 850 triệu đồng/năm.
Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, ông Nam còn thường xuyên phổ biến những kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con nông dân tại địa phương và tích cực ủng hộ, tài trợ cho rất nhiều phong trào ở địa phương, cũng như giúp đỡ nhiều hộ gia đình nghèo có điều kiện vươn lên.
Với những gì đã làm được, trong năm 2014, ông Nam đã được Hội Nông dân tỉnh công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Ông Nam cho biết: “Sắp tới tôi sẽ xây dựng thêm 4 chuồng khép kín để tăng đàn heo lên 4.000 con, sẽ tạo thêm việc làm thường xuyên cho 12 lao động, nâng số lao động địa phương làm việc thường xuyên tại trang trại lên hơn 30 người”.
Có thể bạn quan tâm

Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời luôn xác định mục tiêu vụ xuân là tiền đề, tạo động lực cho các vụ tiếp theo, UBND xã đã chỉ đạo các thành viên ban chỉ đạo sản xuất; HTX dịch vụ nông nghiệp và các trưởng khu dân cư khuyến cáo, tuyên truyền bà con thực hiện đúng khung lịch thời vụ của tỉnh, huyện giao.

Giai đoạn từ những năm 1990 về trước trên đồi Phú Thọ bát ngát đâu đâu cũng là sắn, sắn là nguồn lương thực chủ yếu không chỉ cho người mà còn chăn nuôi, có năm diện tích lên tới đến 55-60 ngàn ha, sản lượng lên tới hàng chục vạn tấn củ tươi.

Trước tình hình đó, để đảm bảo vụ xuân đạt kết quả cao, huyện Thanh Sơn đã khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo sản xuất, phân công cán bộ bám sát, chỉ đạo đến từng xã để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc đề xuất những giải pháp giải quyết, huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn, phòng chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương làm dầm với diện tích đất trũng và cày ải đối với diện tích không trồng cây vụ đông.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết vụ Chiêm xuân năm 2014 - 2015, đặc biệt theo dự báo là vụ đông xuân ấm, nếu không chỉ đạo quyết liệt về thời vụ để xảy ra tình trạng gieo cấy các giống lúa ngắn ngày trà xuân muộn trước khung lịch thời vụ dẫn đến lúa trỗ sớm, gặp rét muộn sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Trong ngôi nhà mới xây, anh Thắng không giấu nổi niềm vui xen lẫn niềm tự hào bộc bạch: “Thực tế cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng mình bàn nhau nhận thầu toàn bộ đập Đồng Màu gần 30ha để nuôi thả cá kiếm thêm thu nhập. Ban đầu đồng nước hoang vu toàn lau sậy, nhiều người cũng nói vào nói ra nhưng được chính quyền địa phương, khu dân cư ủng hộ mình quyết tâm làm đến cùng”.