Làm Giàu Từ Mô Hình Kinh Tế Gia Trại
Về thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy (Cam Lộ - Quảng Trị), nhắc đến gia đình vợ chồng anh Nguyễn Văn Triển thì hầu như người dân nào cũng trầm trồ khen ngợi.
Từ một hộ nông dân khó khăn, quanh năm lam lũ nhưng vẫn túng thiếu, nay trên diện tích gần 2.000m2 của gia đình anh là một mô hình kinh tế tổng hợp, đủ các loại cây, con như: lợn rừng, bồ câu Pháp, bồ câu Mỹ, ếch, thanh long ruột đỏ, các loại cây cảnh...
Trước đây anh Triển vốn làm nghề mộc, tuy nhiên sau một thời gian làm nghề, vì lý do sức khỏe nên anh không thể duy trì được. Là một người siêng năng, chịu khó nên anh luôn khao khát làm giàu trên chính mảnh đất bán sơn địa của mình.
Thông qua sách báo và các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, anh nghĩ đến cách làm giàu theo hướng chăn nuôi gia trại đa cây đa con, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật để quản lý được dịch bệnh và mang lại thu nhập cao.
Anh Triển cho biết, khi mới bắt tay vào làm anh cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn, nhưng được sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng kết hợp với nguồn vốn gia đình dành dụm được, anh bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng lai. Đây là giống lợn ít bệnh tật, có sức đề kháng cao, thức ăn đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp.
Hiện nay, gia trại của anh luôn có bình quân 5 – 6 con lợn nái sinh sản. Hàng năm, mỗi lợn nái sinh sản được 2 lứa lợn con. Chỉ riêng bán giống và nuôi thịt lợn rừng hàng năm đã mang lại cho anh lợi nhuận từ 50 – 60 triệu đồng.
Tận dụng chuồng nuôi sẵn có, anh đưa vào nuôi thử nghiệm 10 con dê Bách Thảo, tuy mới đẻ được 2 lứa nhưng đã mang lại cho anh thu nhập gần 15 triệu đồng. Theo anh Triển, đây là giống dê có kích thước lớn, dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn lại giống với thức ăn của lợn rừng lai nên anh rất dễ kiếm.
Bên cạnh đó, qua tìm hiểu từ sách báo, nhận thấy tiềm năng kinh tế của bồ câu Pháp nên anh mạnh dạn thả nuôi gần 400 cặp bồ câu Pháp và nuôi thử nghiệm 30 cặp bồ câu Mỹ theo hình thức nuôi nhốt. Anh Triển cho biết, để có thu nhập cao từ nuôi bồ câu Pháp thì cần phải nuôi với số lượng lớn vì bồ câu Pháp dễ nuôi, đẻ nhiều, trung bình mỗi năm 1 cặp bồ câu Pháp, nếu nuôi tốt thì sẽ cho từ 8 - 10 cặp bồ câu con.
Ngoài ra, do thả nuôi theo hình thức nuôi nhốt nên dễ quản lý dịch bệnh hơn bồ câu nhà, trọng lượng lại lớn, với bồ câu Pháp bình quân từ 0,7 – 0,8 kg/con, với bồ câu Mỹ cá biệt có con đạt từ 1 – 1,2 kg. Với giá bán hiện nay từ 100 – 120.000 đồng/cặp bồ câu con và 280.000 đồng/cặp bồ câu giống thì sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi ngày đàn bồ câu mang lại cho gia đình anh lợi nhuận từ 400 – 500 ngàn đồng.
Đầu năm 2013, để có thêm thu nhập, tận dụng bể nuôi cá lóc sẵn có anh đã thả nuôi 3.000 con ếch giống. Ếch có tỷ lệ sống cao, ít bệnh tật, thời gian nuôi ngắn hơn so với nuôi cá lóc.
Do thời tiết ở Quảng Trị mùa đông rất lạnh, ếch chậm phát triển nên mỗi năm anh chỉ thả nuôi 3 lứa ếch, mỗi lứa từ 2 – 3 tháng, nối nhau từ tháng 1 đến tháng 9 âm lịch hàng năm. Kích cỡ thu hoạch từ 4 – 5 con/kg, với giá bán bình quân 52 - 55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa ếch mang lại cho anh lợi nhuận từ 12 – 15 triệu đồng.
Theo anh Triển, để nuôi ếch thành công thì cần phải vệ sinh bể nuôi hàng ngày, loại bỏ hết thức ăn dư thừa, thay nước mới 1 lần/ngày vì nước càng trong sạch ếch sử dụng thức ăn càng nhiều, nhanh lớn, góp phần rút ngắn thời gian nuôi. Trong thời gian nuôi cần quan sát đàn ếch để kịp thời tách những con lớn ra nuôi riêng, tránh hiện tượng ăn thịt lẫn nhau.
Sử dụng thức ăn có độ đạm cao để đảm bảo cho ếch phát triển, tốt nhất là sử dụng thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho ếch của các công ty có uy tín trên thị trường. Ếch giống được anh mua từ cơ sở sản xuất giống có uy tín để đảm bảo chất lượng.
Anh Triển chia sẻ, trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục xây thêm 3 bể nuôi để phát triển đàn ếch của gia đình, đồng thời thử nghiệm sản xuất ếch giống để chủ động nguồn ếch giống cho gia đình cũng như cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu nuôi ếch tại địa phương.
Với bản tính luôn tìm tòi những giống cây con mới, năm 2013, qua tìm hiểu từ internet, anh cất công ra tận Vân Trực (Vĩnh Phúc) mua 300 cành giống thanh long ruột đỏ về trồng thử nghiệm trong vườn nhà.
Chỉ tay vào 300 cành thanh long ruột đỏ đang được giâm trong vườn, anh Triển cho biết: Khi bắt tay vào trồng anh dự kiến sau 1 năm sẽ cho thu hoạch từ 3 – 4 lứa/năm, tuy nhiên nhận thấy nhu cầu trồng thanh long ruột đỏ của người dân anh đã chuyển sang cung cấp giống thanh long ruột đỏ này cho người dân trong tỉnh với giá 10.000 đồng/cành.
Theo anh Đào Xuân Tiềm, cán bộ khuyến nông xã Cam Thủy, mô hình gia trại của anh Triển là một trong những mô hình điển hình tại địa phương. Đặc biệt là các loại cây con trong gia trại của anh Triển đều là những cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào nuôi trồng trên địa bàn xã.
Hiệu quả bước đầu của mô hình kinh tế này đã mở ra hướng mới trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng đất đai, giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Có thể nói, nhờ có hướng đi đúng đắn cùng với sự cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm, gia đình anh Triển đã xây dựng thành công mô hình gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao và có tính bền vững. Từ một hộ khó khăn, gia đình anh đã vươn lên thành hộ khá giả và từng bước làm giàu chính đáng.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù Ấn Độ và Ecuador vẫn trúng mùa, nhưng tôm nuôi của Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia đang bị thiệt hại nặng do hội chứng chết sớm (EMS) nên nguồn cung không còn dồi dào như ở thời điểm tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường vẫn không suy giảm, giúp giá tôm tăng trở lại trong tháng 6.
Sáng 12/6, tại UBND xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam), Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam phối hợp với Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ hỗ trợ vốn cho 150 hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc 15 tàu của huyện Núi Thành.
Để khắc phục tình trạng trên, An Giang thực hiện tái cơ cấu con cá tra với các giải pháp như: Quy hoạch gắn với thị trường, giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về tổ chức sản xuất... Trong đó liên kết trong khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được xem là một trong những yếu tố quan trọng để giựt dậy ngành cá tra hiện nay.
Lâm Thao (Phú Thọ) hiện có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản loại hình mặt nước nuôi chuyên là 520 ha, năng suất bình quân hàng năm đạt 4,8 tấn/ha...
Sau nhiều tháng sụt giảm mạnh, hiện nay, giá tôm thẻ chân trắng tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú… đã tăng trở lại. Cụ thể, tôm thẻ loại 60 con/kg giá 116.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 70 con/kg giá 112.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 90 con/kg giá 100.000 - 104.000 đồng/kg… bình quân tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg so đầu tháng 6/2014.