Làm Giàu Từ Mô Hình Chăn Nuôi Gia Công

Hơn 60 mùa xuân của cuộc đời, về hưu đã gần 4 năm nay, ông Nhâm Sỹ Tiến, nguyên Trưởng phòng Văn nghệ, Ðài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình đã không chịu yên phận, trở về quê hương xã Ðông Á (Ðông Hưng) làm giàu bằng mô hình chăn nuôi lợn gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Thái Lan, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Trang trại tổng hợp Ðông Hòa thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Ðông Á do ông Tiến làm giám đốc đã đi vào hoạt động được 3 năm. Trang trại thường xuyên nuôi 3.200 lợn nái, mỗi tháng xuất chuồng từ 4.500 - 5.000 lợn con với giá 200.000 đồng/con, doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Tiến còn tận dụng 6 ha đào 10 ao nuôi cá, 50 con đà điểu, thu về hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ tạo thu nhập cao cho gia đình, trang trại của ông còn thường xuyên tạo việc làm cho 100 lao động ở trong và ngoài xã với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Tiến, lợi thế của nuôi gia công là người nuôi không phải lo về thị trường tiêu thụ sản phẩm, con giống, giá thành ổn định, chỉ việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và lựa chọn lao động. Ngoài ra, người chăn nuôi còn được Công ty hỗ trợ khi có thiệt hại xảy ra, điển hình như năm 2012 cơn bão Sơn Tinh đã làm cho 9 dãy chuồng bị tốc mái, đổ sập gây thiệt hại 9 tỷ đồng. Công ty CP Thái Lan đã cho ông vay 2,5 tỷ đồng không tính lãi và trừ dần vào sản phẩm.
Ðặc biệt, càng lợi thế hơn khi người nuôi không phải lo nguồn thức ăn cho lợn. Với trang trại của ông Tiến, bình quân một ngày tiêu tốn 10 tấn cám với chi phí 150 triệu đồng, tương đương với 4,5 tỷ đồng/tháng. Ðó là số vốn quá lớn nếu không có nguồn đầu tư thì khó có trang trại nào có thể trụ vững được. Tuy nhiên để nuôi gia công đạt hiệu quả, khâu quan trọng hàng đầu là quản lý tốt công tác phòng chống dịch bệnh, coi đó là sự sống còn của trang trại.
Ngoài việc thực hiện quy trình kỹ thuật thông qua các kỹ sư, bác sĩ thú y, trang trại còn quản lý công nhân ở tất cả các khâu từ ngoài cổng vào khu vực sản xuất, tới khu chăn nuôi. Ưu tiên tuyển những người có trình độ về thú y với 30% lao động có chuyên môn qua đào tạo.
Ðiều thành công hơn cả đối với ông Tiến là đã đạt được ý nguyện làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Ông Tiến chia sẻ thêm: Với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, hai vợ chồng ông đã có cuộc sống an nhàn, đầy đủ, tuy nhiên cả hai không chịu dừng bước khi về hưu.
Theo ông để có được ngày hôm nay, vợ chồng ông phải mất bao mồ hôi, sức lực để gây dựng. Ông đã vay Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh Thái Bình 20 tỷ đồng và 40 tỷ từ nguồn vốn khác để đầu tư vào trang trại rộng 10 ha. Với quyết tâm “có công mài sắt, có ngày nên kim’’, sau 6 tháng xây dựng ông bắt tay vào chăn nuôi lứa đầu với hiệu quả đạt đúng như mong đợi. Trang trại nuôi lợn nái của ông Tiến được đánh giá có quy mô thuộc loại lớn nhất miền Bắc, đạt tổng doanh thu 10 - 12 tỷ đồng/năm.
Không chỉ tạo việc làm cho bà con trong xã, ông Tiến còn tích cực tham gia phong trào hoạt động nhân đạo từ thiện ở địa phương như ủng hộ các cháu thiếu niên nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu, khai giảng năm học mới, tặng quà các gia đình chính sách nhân Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, các ngày lễ hội và xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương... Nhiều năm qua ông Tiến luôn được chính quyền các cấp ghi nhận và khen thưởng.
Có thể bạn quan tâm

Nắng nóng kéo dài, lượng mưa quá ít khiến nhiều hồ chứa đang thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Nguy cơ khô hạn hoành hành trên diện rộng trong vụ sản xuất đông xuân sắp tới và cả vụ hè thu 2016 đang dần hiện rõ…

Tình trạng rớt giá của càphê robusta (càphê vối) đã khiến nông dân Việt Nam giảm mạnh lượng càphê bán ra thị trường trong niên vụ 2014-2015.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 của cả nước ước đạt 2,57 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu toàn ngành trong 11 tháng đạt 27,41 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Việc Việt Nam áp dụng ngay hình thức bảo hiểm tổng hợp mọi loại rủi ro (MPCI) cho một loạt hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản trên nhiều địa bàn khác nhau là một bước khởi đầu quá tham vọng so với năng lực và kinh nghiệm của toàn bộ hệ thống.

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN ngày 22/11 đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN (AEC) từ ngày 31/12/2015.