Bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm
Cho đến nay, bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm.
Nội dung này vừa được đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo dự án “Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi do nông nghiệp thông qua liên kết công-tư ở Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha tổ chức sáng nay (25/11), tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, bảo hiểm nông nghiệp được xem là một công cụ tài chính để quản trị rủi ro trong nông nghiệp mà nhiều nước đã áp dụng.
Tuy nhiên, sau chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ được lồng ghép vào các quyết định, đề án, chương trình khác chứ chưa có chính sách cụ thể.
Tại Việt Nam, bảo hiểm nông nghiệp đã được một số công ty bảo hiểm thử nghiệm cung cấp từ những năm 1980 nhưng thất bại.
Giai đoạn 2011-2013, Việt Nam đã tiến hành chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp áp dụng cơ chế liên kết công – tư và đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi và đảm bảo thành công, Việt Nam vẫn cần học hỏi rất nhiều từ các mô hình trên thế giới.
Theo ông Thắng, yếu tố đóng góp lớn cho thành công của bảo hiểm nông nghiệp là sự tham gia tự nguyện, bình đẳng của các bên liên quan.
Nông dân, chính quyền địa phương, công ty bảo hiểm, công ty tái bảo hiểm, các cơ quan nhà nước các cấp đều tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, phát triển sản phẩm với trách nhiệm đóng góp khác nhau nhưng đồng thuận về nguyên tắc.
“Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam đã có sự liên kết công-tư.
Đây là tiền đề quan trọng để thiết lập hệ thống bảo hiểm nông nghiệp khả thi và vững bền.
Tuy nhiên, các tổ chức tham gia đều thiếu nhân lực do chương trình chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và chưa có chính sách chính thức,” ông Thắng nhấn mạnh.
Đề xuất một số giải pháp, các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, trước mắt cần cam kết chính trị của nhà nước trong việc giúp nông dân phòng chống rủi ro bằng việc dành tỉ lệ ngân sách thích đáng cho việc đầu tư từng bước từ thấp đến cao để xây dựng hệ thống bảo hiểm nông nghiệp một cách bài bản thay vì chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm như hiện nay.
Về lâu dài, trên cơ sở các văn bản pháp lý hệ thống, Việt Nam cần tiến đến dự thảo luật bảo hiểm nông nghiệp.
Ngoài ra, tùy theo sự phát triển của năng lực chuyên môn, đội ngũ cán bộ và ngân sách cho phép, thì tổ chức quản lý sẽ xây dựng một lộ trình hợp lý để triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo từng bước từ sản phẩm đơn giản đến phức tạp, từ những rủi ro dễ đo lường và dễ xác định thiệt hại đến các rủi ro tổng hợp.
Cụ thể, bắt đầu từ bảo hiểm cây trồng đến vật nuôi, từ bảo hiểm một loại rủi ro, dịch bệnh đến nhiều loại rủi ro, dịch bệnh, từ bảo hiểm chỉ số đối với thiên tai đến bảo hiểm năng suất và cuối cùng là bảo hiểm tổng hợp mọi loại rủi ro (MPCI), từ địa bàn dễ triển khai đến phạm vi toàn quốc.
Có thể bạn quan tâm
Diễn ra đồng thời ở 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh từ ngày 25/9- 4/10, Tuần nhận diện hàng Việt Nam là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) thông tin, giới thiệu, quảng bá, bán các sản phẩm hàng hóa có chất lượng sản xuất tại Việt Nam.
Từ “cánh đồng mẫu lớn” của Công ty CP vật tư nông nghiệp An Giang (AGPPS) năm 2007 chỉ 200ha, đến năm 2015, “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” đã phát triển mạnh ra nhiều tỉnh, thành với khoảng 290.000ha.
Những năm gần đây, nhiều mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được triển khai ở khắp các địa phương trong tỉnh, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, tăng năng suất, sản lượng cây trồng và thu nhập cho người dân.
Ảnh hưởng của cơn bão số 3 kèm mưa to, gió mạnh vừa qua đã khiến nhiều diện tích rau trong tỉnh bị dập nát, hư hỏng. Người trồng rau vì thế cũng phập phồng, lo lắng khi quyết định xuống giống rau vụ đông, bởi mùa mưa bão đã bắt đầu...
Tuy không thuộc diện xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đến năm 2015, nhưng nhờ có lợi thế về điều kiện kinh tế-xã hội, nhất là sự đồng thuận của nhân dân, nên huyện Tây Sơn và tỉnh đồng ý bổ sung xã Tây Xuân vào lộ trình hoàn thành XDNTM vào năm 2015.