Làm Giàu Từ Ếch
Sau hơn hai năm đi vào họat động, câu lạc bộ (CLB) khuyến nông xã Hương Phong, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) giúp cho hàng chục hộ dân vươn lên thoát nghèo từ mô hình nuôi ếch.
Cùng nhau làm kinh tế
Về xã Hương Phong thời gian này mới thấy cuộc sống của người dân khấm khá. Nếu trước đây, nhiều người dân xã Hương Phong trông chờ vào cây lúa là nguồn kinh tế chủ đạo, thì giờ đây họ còn tranh thủ thời gian nông nhàn mùa vụ để nuôi ếch với hiệu quả kinh tế cao nhờ vai trò của CLB khuyến nông.
Nuôi ếch thử nghiệm vào năm 2011, sau thời gian thấy hiệu quả, một số hộ dân ở Hương Phong nghĩ ngay đến thành lập một CLB để bà con địa phương cùng nhau làm giàu. Nhờ tác động của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sự giúp đỡ của Trung tâm khuyến nông tỉnh, cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương, tháng 3-2012 CLB khuyến nông ra đời. Ban đầu gồm 16 người tham gia. Đến nay, CLB gồm 24 hộ chính thức và hàng chục đơn xin gia nhập mới.
Ông Nguyễn Văn Tranh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Phong cho biết: “Ở Hương Phong, lực lượng lao động đông nhưng có tới 75% sản xuất lúa, rất ít ngành nghề phụ. Trong khi đó, nhu cầu của bà con về thay đổi điều kiện sống, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình khiến chúng tôi quyết tâm thành lập một CLB như ngày nay”.
Theo nhiều hộ nuôi ếch ở Hương Phong, trước khi CLB thành lập, họ cũng từng thử nuôi ếch. Tuy nhiên thiếu một phương pháp hiệu quả và kinh nghiệm trong cách nuôi, nhiều người đã không thành công. Từ ngày thành lập CLB, các hộ dân có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ếch, được các cán bộ chuyên môn từ tỉnh đến thị xã về tập huấn đồng thời có cơ hội vay vốn, nhiều người trong số đó đã nhanh chóng mở rộng mô hình, làm ăn có hiệu quả.
Ban chủ nhiệm CLB cũng bố trí đội ngũ quản lý đồng đều ở các thôn nhằm thường xuyên thăm, kiểm tra tình hình nuôi ếch của bà con và xử lí các trường hợp dịch bệnh khi cần thiết.
Cũng theo ông Tranh, CLB sinh hoạt rất đều đặn. Nhiều cuộc họp, ban chủ nhiệm CLB thường mời các cán bộ khuyến nông tỉnh, thị xã, chi hội nuôi về lắng nghe báo cáo và góp ý tư vấn kỹ thuật, phương pháp nuôi, cách phòng trị bệnh cho ếch, do vậy rất nhiều hộ dân quan tâm đến việc sinh hoạt CLB.
CLB cũng tổ chức vay vốn cho các thành viên qua hình thức nợ giống, phục vụ nhu cầu mở rộng mô hình nuôi của bà con, đồng thời tạo điều kiện với cấp trên hỗ trợ vay vốn ngân hàng lên đến 280 triệu đồng, giải quyết khó khăn cho 14 hộ nuôi ếch.
Hiệu quả bất ngờ
Theo những hộ nuôi ếch ở Hương Phong, nuôi ếch thương phẩm và sinh sản nhân tính đều dễ làm, thu nhập cao, thị trường rộng rãi. Trung bình mỗi hộ dân ở Hương Phong nuôi từ 7.000 -15.000 con ếch mỗi lứa, chỉ trong vòng 45 ngày là thu hoạch, giá mỗi con 1.500 đồng, bình quân mỗi hộ cũng thu về khoảng 20 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, số tiền thu về lên tới 10 triệu đồng/lứa.
Với ếch thương phẩm thời gian nuôi kéo dài từ gần 3 tháng, tính giá bán khoảng 50.000 – 55.000 đồng/kg, mỗi lứa người dân cũng thu lãi khoảng 35 triệu đồng. “Nuôi ếch khó có chuyện lỗ, chỉ có lời ít hay nhiều thôi”, ông Tranh khẳng định.
Năm 2013, nhiều hộ dân có thu nhập lên đến 50 – 150 triệu đồng/năm, thậm chí lên đến 200 triệu đồng. Nhiều cái tên, như Hồ Năm (thôn An Lai), Trương Xuân Kiểm, Trương Dũng (thôn Vân Quất Thượng), Trần Đức Tín, Đặng Duy Minh (thôn Thuận Hòa B) trở thành những gương mặt điển hình trong làm ăn, phát triển kinh tế cao tại địa phương, nhờ đó nhiều hộ dân nơi đây có cơ hội sắm xe, nhà cửa khang trang.
Khó khăn hiện tại của nông dân trên địa bàn xã là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do hoạt động khai thác cát sạn gây nên. Nuôi ếch dễ nhưng ếch thường hay bệnh do môi trường như mù mắt, ghẻ lở, sình bụng, thần kinh. Trong khi dòng sông ngày càng ô nhiễm do lượng tàu thuyền khai thác từ khắp nơi làm dòng sông bẩn đục. Cũng theo nguyện vọng của bà con, Huế cần có một trại giống tập trung để bà con có giống sớm và đủ, không phải mua giống từ Sài Gòn như hiện nay nhằm mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Dọc theo con đường ven biển từ Đức Chánh đến Đức Phong - vùng nuôi tôm tập trung của huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), chúng tôi không còn thấy sự bận rộn, hồ hởi của người dân nơi đây khi các hồ tôm đã cạn nước, trơ đáy mặc dù đang vào vụ nuôi tôm chính trong năm...
Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định đã và đang có bước phát triển mạnh. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm tập trung có giá trị kinh tế và xuất khẩu.
Từ một loại cây trồng xen, “núp bóng” dừa để tăng thu nhập, thì nay ca cao đã dần khẳng định chỗ đứng khi giá dừa còn quá bấp bênh.
Ở tuổi 27, anh Nguyễn Văn Nhã (sinh năm 1985, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã là chủ nhân của vườn xoài hơn 7 năm tuổi (diện tích 6 sào), mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Anh còn trồng thêm mía, mì; dự định mở rộng vườn tược thực hiện mô hình kinh tế trang trại.
Mấy năm gần đây, nhân dân huyện Hạ Lang đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương đầu tư phát triển đàn dê trở thành hàng hóa, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập.