Làm Giàu Từ Đất Bạc Màu
Lấy vợ, lập nghiệp với 2 sào đất vườn bạc màu, 6 sào ruộng lúa, vợ chồng ông Trần Đăng Khoa, xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu, Nam Định đã làm giàu từ chính mảnh đất bạc màu ấy.
Ông Khoa tâm sự: “Năm 1990 tôi cưới vợ. Rồi hai đứa con ra đời, cơm ăn không đủ no. Mình động viên vợ cố gắng làm ăn lo cho các con học hành đến nơi đến chốn. Loay hoay mãi mà vẫn nghèo, giữa năm 2009, tôi bàn với vợ vay 15 triệu đồng vượt 6 sào ruộng lúa cạnh nhà thành vườn trồng đinh lăng, xẻ rãnh nước tiện tưới tiêu kết hợp thả cá, giữa các rãnh nước tôi còn đóng thêm các trụ bê tông để làm giàn trồng bí xanh”.
Khi đinh lăng còn nhỏ ông trồng xen ngô. Mỗi năm ông thu 3 vụ ngô được 3-4 triệu đồng/vụ; 2 vụ bí xanh, mỗi vụ thu 4 triệu đồng. Sau 4 tháng thả cá, vụ cá đầu tiên ông thu gần 8 triệu đồng.
Ông Khoa cho hay: “6 sào ruộng nếu trồng lúa chỉ thu được hơn chục triệu đồng/năm, trong khi riêng ngô, bí xanh và cá năm đầu tiên tôi thu 40 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn hơn 20 triệu đồng. Còn đinh lăng trồng 3-5 năm bắt đầu thu hoạch cả thân và rễ, còn lá đinh lăng mỗi năm cắt 2 đợt, mỗi đợt bán được 2-3 triệu đồng”. Sau 3 năm ông thu lứa đinh lăng đầu tiên bán được 170 triệu đồng.
Diện tích mặt nước, cùng với nuôi cá, ông còn nuôi vịt siêu thịt. Mỗi năm bán vịt ông bỏ túi trên 15 triệu đồng. Không chỉ vậy, vợ chồng ông còn nuôi lợn nái và lợn thịt tận dụng nguồn lương thực ngô có sẵn và chất thải của lợn bón cho cây trồng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa sản xuất vừa đầu tư, đến nay vợ chồng ông đã có trang trại tổng hợp với 1.800m2 trồng đinh lăng kết hợp thả cá, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng; trong chuồng thường xuyên có trên 40 con lợn thịt và 7 con lợn nái.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Khoa rất tích cực tham gia các hoạt động của địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ những hộ khó khăn kinh nghiệm làm ăn.
Bà con muốn tham khảo kinh nghiệm làm ăn của ông Khoa, liên hệ với số điện thoại: 0169.9185.559.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh tập trung gây hại trên mía đẻ nhánh, vươn lóng. Bệnh trắng lá mía chưa có thuốc đặc trị, biện pháp hiệu quả nhất là phòng bệnh. Do vậy, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo nông dân: Đối với diện tích mía thời kỳ cây con, bị nhiễm bệnh nhẹ cần nhổ tiêu hủy và rắc vôi vào hốc cây bị bệnh để hạn chế lây lan.
Không ít nông sản đạt chứng nhận VietGAP nhưng vẫn bán với giá cả như sản xuất thường là một thực tế diễn ra tại rất nhiều hợp tác xã hiện nay. Nhưng đằng sau câu chuyện đầu ra, nhiều chuyên gia nhận định “cái được trước mắt là qua những buổi tập huấn làm theo quy trình, ít nhiều nông dân nhận thức được thế nào là sản xuất an toàn”.
Những năm qua, nông dân Sóc Trăng đã sử dụng giống lúa thơm dòng ST, đặc biệt là lúa ST5 đưa vào sản xuất với diện tích cao, trong đó có nhiều cánh đồng lớn sử dụng giống này. Do dễ trồng, cho năng suất và giá trị cao nên nhiều hộ nông dân khá lên nhờ trồng giống lúa được công nhận cấp Quốc gia này. Tuy nhiên, thời gian qua giá bán đã giảm nhiều, thậm chí nông dân còn không bán được lúa nên đã có nhiều nông dân bỏ sản xuất giống cấp Quốc gia.
Bí xanh giống Thiên Thanh 5 được cho là ít sâu bệnh, nếu trồng đúng kỹ thuật sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả/sào. Với giá bán trên thị trường hiện nay từ 10 – 13 nghìn đồng/kg, người trồng bí sẽ thu hơn 10 triệu đồng/sào.
Do không có thương lái đến thu mua nên sau khi thu hoạch xong đa phần bà con tự vận chuyển ra nhà máy để bán. Mía cân chỉ đạt từ 8 - 9 chữ đường, với giá 650 - 700 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân trồng mía lỗ 700.000 - 800.000 đồng/công.