Ưu thế của nghề lưới rê hỗn hợp
Sản xuất ổn định
Dù đang đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản nhưng ngư dân Trần Đậu (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) vẫn liên tục vươn khơi.
Anh Đậu là chủ phương tiện QNa-92933 có công suất 380CV hành nghề lưới rê hỗn hợp.
“Điểm mạnh nhất của nghề lưới rê hỗn hợp là tính ổn định trong sản xuất, các chuyến biển gần đây tôi và các bạn biển chưa bao giờ thất thu” - anh Đậu nói.
Theo anh Đậu, nghề này có thể đánh bắt hải sản ở vùng lộng lẫn vùng khơi nên dễ xoay xở khi ngư trường quen thuộc không cho sản lượng lớn.
Mỗi mẻ lưới của nghề này chỉ diễn ra trong vòng 4 tiếng đồng hồ nên ít tốn thời gian hơn so với các nghề khác, vì thế mà sản xuất chủ động hơn.
Điều quan trọng nhất nằm ở chỗ sản phẩm chủ yếu của nghề này là cá thu, bán được giá hơn hẳn các loại cá khác như cá nục, cá ngừ.
“Khai thác hải sản bằng nghề lưới rê hỗn hợp thì công lao động nhẹ hơn, thời gian ít hơn, chi phí nhiên liệu cũng giảm.
Mặt khác, so với lưới thường thì độ bền của ngư cụ này tốt hơn rất nhiều, thời gian sử dụng trung bình là hơn 10 năm so với lưới cản, lưới quét là 2 năm rưỡi” - anh Đậu nói.
Trong năm 2014, tàu cá QNa-92933 bám biển tổng cộng 24 chuyến.
Trung bình mỗi chuyến bán được 120 triệu đồng sản phẩm, sau khi trừ chi phí, chủ tàu thu được 30 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia 7 triệu đồng.
Gần đây nghề lưới rê hỗn hợp được nhân rộng trên các địa bàn Duy Xuyên, Thăng Bình.
Cách đây khoảng 1 năm, nghề này thử nghiệm lần đầu ở Núi Thành và chỉ có 1 phương tiện tham gia.
Theo các ngư dân, tính vượt trội của nghề này so với các nghề truyền thống là có thể khai thác vào mọi thời điểm, ngay cả trong điều kiện gió lớn đến cấp 6, vì lưới không bị xoắn.
Theo phân tích của cơ quan chức năng, lưới rê hỗn hợp đã bước đầu mở ra triển vọng trong khai thác hải sản của tỉnh, giúp ngư dân dần chuyển đổi ngư trường thay vì quẩn quanh đánh bắt hải sản gần bờ.
Sẽ phát triển mạnh hơn
Mới đây, tại xã Bình Minh, UBND huyện Thăng Bình đã tổ chức tập huấn nghề lưới rê hỗn hợp cho hơn 100 ngư dân trên địa bàn.
Các học viên đã được nghe báo cáo về việc triển khai nghề lưới rê hỗn hợp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này, các tính năng vượt trội, hiệu quả thu được từ thực tế sản xuất.
Từ đó, ngư dân đã được giới thiệu một số đối tượng hải sản đánh bắt chính, ngư trường khai thác, tàu thuyền và trang bị phục vụ của nghề lưới rê hỗn hợp.
“Từ thực tế sản xuất của các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng như nghiên cứu của Đại học Nha Trang, chúng tôi rất kỳ vọng nghề lưới rê hỗn hợp sẽ tiếp tục mở ra triển vọng trong khai thác hải sản ở địa phương.
Các ngư dân được hy vọng sẽ thay đổi cách thức sản xuất trên biển, góp vốn cùng nhau để sắm phương tiện công suất lớn, chuyển ngư trường để sản xuất bằng nghề này.
Có vậy, mục tiêu vươn ra khai thác xa bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ an ninh biển đảo của Tổ quốc được thực hiện tốt hơn” - ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh nói.
Định hướng khai thác hải sản Quảng Nam đến năm 2020 là giữ ổn định sản lượng ở mức 75.000 - 80.000 tấn mỗi năm, trong đó sản lượng cá nổi lớn (nục, ngừ, thu...) chiếm 35%, cá nổi nhỏ 25%, cá đáy 12%, mực 25%, các loài thủy sản khác 3%.
Chủ trương của tỉnh là giảm tỷ trọng sản lượng khai thác ven bờ từ 70% (49.000 tấn vào thời điểm hiện nay) xuống còn 40% (32.000 tấn vào năm 2020), tăng sản lượng khai thác xa bờ từ 30% là 21.000 tấn hiện nay lên 60% vào năm 2020.
Để định hướng đó có thể thành hiện thực trong nay mai, Quảng Nam tập trung phát triển tàu cá có công suất từ 90 mã lực trở lên, thực hiện cơ cấu tàu thuyền theo hướng giảm tàu cá ven bờ, tăng nhanh tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa.
Cơ cấu nghề đang được tỉnh dốc sức chuyển đổi.
Cụ thể, tăng lưới vây (lộng, khơi) từ 4% hiện nay lên 8% vào năm 2020.
Các nghề câu, đặc biệt là lưới rê hỗn hợp được khuyến khích tăng mạnh và yêu cầu chiếm tỷ trọng 70% trong sản lượng khai thác chung.
Cái khó của ngư dân khi chuyển sang khai thác hải sản bằng nghề lưới rê hỗn hợp là chọn lựa các thông số kỹ thuật về kích thước mắt lưới, tầng nước khai thác, đối tượng khai thác chủ lực.
Tuy nhiên, ngư dân Quảng Nam có tập quán sản xuất ở các ngư trường có độ sâu lớn, lưới rất cao và dài nên có nhiều kinh nghiệm và ưu thế để chuyển đổi, nhân rộng nghề này.
Trong chiến lược dịch chuyển ra ngư trường khơi để bảo vệ nguồn lợi gần bờ thì việc nhân rộng nghề lưới rê hỗn hợp được xem là hướng đi hợp lý của nghề cá Quảng Nam.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 3 tháng trở lại đây, mô hình kết bè nuôi ốc cháy (một đối tượng nhuyễn thể 2 mảnh vỏ) phát triển khá mạnh ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).
Hiện toàn tỉnh Cà Mau có 876 cơ sở sản xuất giống và 223 cơ sở kinh doanh giống thuỷ sản phục vụ nhu cầu giống cho người nuôi, trong đó có 4 hợp tác xã (HTX) và 25 doanh nghiệp. Hằng năm, các cơ sở này đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, còn lại phải nhập tỉnh khoảng 60%. Theo đó, có trên 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống nhập vào Cà Mau.
Ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cho biết, triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP, đối với lĩnh vực cá tra, NHNN đã phê duyệt cho 02 doanh nghiệp là Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An thực hiện 02 dự án liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra được tham gia chương trình. Việc thí điểm cho vay theo mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và xuất khẩu cá tra đã mang lại những kết quả ban đầu đáng khích lệ.
Nhằm mục tiêu cải thiện công tác quản lý nghề cá ven bờ theo hướng bền vững tại các tỉnh duyên hải được lựa chọn của Việt Nam, tăng cường năng lực thể chế cho ngành thủy sản trong việc quản lý bền vững các nguồn lợi, thúc đẩy các biện pháp thực hành tốt trong NTTS bền vững; và thực hiện các quy trình thực hành tốt vì sự bền vững của ngành khai thác thủy sản ven bờ. Mô hình trình diễn đa dạng hóa của Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD), nhằm đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản để người nuôi có thể chọn lựa sản xuất phù hợp với điều kiện của vùng và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tận dụng lợi thế mặt nước lợ dưới chân cầu Thạnh Đức (Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi), nhiều người dân ở vùng ven biển này đã thả nuôi nhiều loại thủy hải sản trong lồng bè, đem lại hiệu quả kinh tế cao.