Làm Giàu Từ Chăn Nuôi Tổng Hợp

Anh Phan Văn Mãi ở thôn 7 Nam, xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ, Bình Định) được nhiều người biết đến là một nông dân làm kinh tế giỏi từ chăn nuôi tổng hợp: cá lóc, cá trê, bò, heo, vịt. Trang trại tổng hợp của anh đạt hiệu quả cao và được người dân địa phương học hỏi, áp dụng.
Năm 2006, với 20 triệu đồng vốn, anh Mãi đào hồ thả nuôi cá lóc. Do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá nên vụ nuôi đầu tiên anh thua lỗ. Từng bước rút kinh nghiệm, những vụ sau anh thu được kết quả khả quan. Từ năm 2010 đến nay, anh nuôi 4 ao cá lóc, mỗi năm xuất bán 3 lần, sau khi trừ chi phí, còn lãi 120 triệu đồng.
Anh Mãi chia sẻ: “Nuôi cá lóc phải nắm vững kỹ thuật và chủ động được nguồn nước thì mới có hiệu quả. Hồ nuôi phải làm thật kỹ, thường xuyên xử lý nước, nếu nước bẩn thì cá rất ít ăn, dẫn đến lãng phí mồi và mức tăng trọng của cá không cao. Thức ăn của cá chủ yếu là các loài cá mồi tươi, với khẩu phần phù hợp, không nên cho ăn quá nhiều, dễ gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, cần phát hiện và xử lý nhanh các triệu chứng dịch bệnh thường xảy ra ở cá nuôi, như lở loét, bạc da, cong mình”.
Anh Mãi còn tận dụng thức ăn thừa từ các hồ cá lóc, mở thêm 2 ao nuôi cá trê. Anh còn nuôi 24 con heo thịt, mỗi năm xuất bán 3 đợt. Ngoài ra, với 150 con vịt đẻ hơn 100 trứng/ngày cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đầu tháng 7.2013, anh đã đầu tư gần 100 triệu đồng mua 4 con bò lai về nuôi.
Ông Trần Văn Phá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thắng, cho biết: “Anh Phan Văn Mãi là một điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Ngoài làm giàu cho gia đình, anh còn giúp đỡ vốn và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho một số hộ dân trong thôn. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân phát triển những mô hình như trang trại của anh Mãi để giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”.
Có thể bạn quan tâm

Sản xuất nông nghiệp vốn luôn ở trạng thái bấp bênh, lại trên vùng đất cát bạc màu rất kén cây trồng nên càng khó, nhưng với ông Phan Chinh - một nông dân ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thì “cái khó ló cái khôn”, ông đã thành công trên vùng đất gian khó.
Do thời tiết bất thường nên nhiều loại cây trồng tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) giảm năng suất. Trong đó, sầu riêng có sản lượng giảm đến 70 - 80%. Vì thế nên mặc dù được giá hơn mọi năm nhưng hầu hết nông hộ vẫn bị giảm thu nhập.

Theo UBND huyện Cái Bè (Tiền Giang), hiện toàn huyện có 14.436/16.800 ha vườn đang trồng các loại trái cây đặc sản của địa phương như xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, cam sành… với thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/ha/năm.

Cây ổi lai lê có xuất xứ từ Đài Loan, nhưng lại đang ngày càng gần gũi với bà con nông dân huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh), trở thành thương hiệu nông sản của địa phương. Đây là một trong 5 sản phẩm mà Hoành Bồ đã đăng ký tham gia Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh từ năm 2014...

Tỉnh ủy Quảng Ninh có ý kiến chỉ đạo tiến hành hỗ trợ giống vật nuôi cho nhân dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của đợt mưa lũ lớn nhất trong vòng 40 năm trên địa bàn, nhằm sớm ổn định cuộc sống, khôi phục SX.