Làm giàu từ cây chuối

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất còn nhiều khó khăn, nhưng anh Nghêu luôn tìm tòi học hỏi và từ chính những thử thách mà mình đã trải qua, anh thu nhận không ít kinh nghiệm sống để từ đó xoay xở làm giàu.
Anh Nghêu bắt đầu tìm ra hướng đi riêng cho bản thân vào năm 25 tuổi. Sau nhiều lần ra chợ xã, thấy cảnh thương lái tấp nập về đây thu mua chuối, anh tập tành làm theo.
Thế là từ đó, cùng chiếc xe đạp cũ, anh Nghêu đi khắp nơi thu mua chuối rồi chở xuống chợ Quảng Ngãi bỏ mối. Tiền lãi có được từ công việc này anh mua cá, mua mắm cải thiện bữa ăn gia đình.
Cái đói nhờ thế không còn đeo bám.
Buôn chuối được 4 năm thì anh Nghêu chuyển nghề. Bởi thấy anh Nghêu lanh lẹ, chịu khó học hỏi, UBND xã Sơn Trung khi có xuất học lái xe ô tô miễn phí, đã tạo điều kiện cho anh Nghêu theo học.
Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, anh Nghêu sớm cầm trên tay tấm bằng rồi dùng “chiếc cần câu” đó rong ruổi trên mọi nẻo đường làm anh tài xế xe tải.
“Tôi lái xe vào tận Quy Nhơn, Phú Yên rồi An Khê. Đi nhiều, hiểu biết thêm nhiều. Đến mỗi nơi tôi lại để ý ở đó người ta làm giàu như thế nào. Thấy có gì hay tôi lại xem mà học hỏi”, anh Nghêu chia sẻ.
Chẳng thế mà với 10 năm gắn bó với công việc lái xe tải, anh Nghêu đã tìm ra được một hướng đi mới nữa cho chính mình.
Nhiều lần được thuê chở hàng lên An Khê (Gia Lai), anh Nghêu thấy ở đây người ta trồng chuối tập trung trên diện rộng.
Chuối được chở đi bán khắp nơi, thậm chí được chở đi tiêu thụ tận Quảng Ngãi.
Ngẫm lại, anh thấy địa thế, địa hình ở đây cũng giống như ở thôn làng mình. Mình lại có kinh nghiệm mấy năm buôn bán chuối. “Vậy thì tại sao mình không tận dụng điều này”, anh Nghêu nghĩ.
Với 4ha keo của gia đình, sau khi thu hoạch, anh Nghêu dành 1ha để trồng chuối. Giống chuối hiện nay anh đang trồng là chuối Đồng Nai và chuối mật, đều là những loại chuối được thương lái thu mua với giá cao.
Anh Nghêu cho biết, chuối Đồng Nai trái to, mùi thơm hơn chuối mật, thường được dùng để làm kem, làm bánh mứt nên rất được ưa chuộng, có bao nhiêu đầu mối cũng thu mua hết.
Hiện tại giá chuối Đồng Nai bỏ sỉ trung bình 12 ngàn đồng/nhánh, còn chuối mật khoảng 8 ngàn đồng/nhánh.
Mỗi tháng, anh Nghêu chỉ thu hoạch hai lần vào đúng dịp rằm và mồng một. Với hơn bốn trăm gốc chuối, mỗi tháng đem về cho gia đình anh mức thu nhập hơn 5 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng chuối, anh Nghêu cho biết: Anh đào hố có đường kính khoảng 80cm, sâu 80cm để tránh trôi rửa phân, dưỡng chất của cây trên địa hình dốc.
Mỗi gốc chỉ để hai thân để cây phát triển tốt. Bên cạnh đó anh Nghêu còn xây hai bể chứa dẫn nước từ thác về tưới cho cây.
Nhờ dày công chăm sóc mà vườn chuối của gia đình anh Nghêu ngày càng xanh tốt.
“Mỗi tháng có được nguồn thu ổn định lại không phải “nay đây mai đó”, mình lại có nhiều thời gian làm thêm những công việc khác.
Chiếc máy cắt lúa này mua để đến mùa gặt ai kêu thì cắt thuê, còn chiếc xe cọc cạnh thì để chở hàng.
Mình còn có thời gian lo ba đứa con học hành đàng hoàng. Đứa lớn nay đã học lớp 12 rồi. Sang năm, mình sẽ cho con thi đại học”, anh Nghêu phấn khởi nói.
Có thể bạn quan tâm

Là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Việt Nam, nhưng với tốc độ đầu tư triển khai trồng đại trà với quy mô lớn, Trung Quốc có thể trở thành nước cạnh tranh về diện tích lẫn sản lượng với thanh long VN.

Ngày 12- 11, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản phối hợp Công ty Cổ phần TCSH Vĩnh Thịnh tổ chức tập huấn kỹ thuật “Nuôi tôm bền vững và tiếp cận mô hình VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng” cho 55 học viên là nông dân thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).

Hiện nay phong trào nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đang phát triển rất mạnh ở Cần Thơ, tập trung ở các huyện như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn. Ông Nguyễn Hữu Huynh, ở P. Thới Hòa, Q. Ô Môn cho biết, với 2 ha mặt nước ruộng chuyên nuôi tôm luân canh trên nền đất lúa, mỗi vụ cho thu hoạch bình quân 1,6 tấn, lợi nhuận 90 - 100 triệu đồng. Lợi nhuận nuôi tôm càng xanh gấp đôi trồng lúa. Ngoài ra, mô hình luân canh này bền vững, giúp giảm lượng phân bón sử dụng cho lúa, tăng năng suất lúa, đồng thời giảm được lượng mùn bã hữu cơ và góp phần ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi.

Từ giữa tháng 8/2013, Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương (TW), đến đầu tháng 10, kết quả kiểm tra cho thấy tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản quan trọng, đặc biệt là tôm nuôi nước lợ tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2012, nhưng vẫn còn xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại ở nhiều địa phương.

Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi nằm trên lưu vực sông La Ngà thuộc sông Đồng Nai là sự kết nối giữa 2 nhà máy Hàm Thuận và Đa Mi cách nhau khoảng 10km, trên địa bàn 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận với diện tích mặt thoáng khoảng 25,2 km2. Nhà máy thủy điện Hàm Thuận gồm 2 tổ máy với công suất 300MW. Nhà máy thủy điện Đa Mi gồm 2 tổ máy với công suất là 175MW.