Cần kiểm soát chất lượng vật tư nuôi trồng thủy sản toàn diện hơn
Tuy nhiên, cho đến nay các loại sản phẩm này trên thị trường rất nhập nhằng chất lượng và khó kiểm soát nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc chọn sản phẩm sử dụng hiệu quả.
Để bảo vệ lợi ích của người nuôi trồng thủy sản thì chính bản thân nông dân phải là người tiêu dùng thông minh, quan trọng hơn cơ quan quản lý phải kiểm soát chất lượng vật tư nuôi trồng thủy sản toàn diện hơn.
Nhập nhằng chất lượng
Hiện nay, trên thị trường có hàng ngàn loại thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản nhưng chất lượng thì rất nhập nhằng, khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Tâm, nông dân nuôi cá bè hơn 10 năm kinh nghiệm ở xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, do thức ăn thủy sản chiếm đến 80% chi phí nuôi cá và yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của vụ nuôi nên người nuôi thủy sản thường chỉ chọn thức ăn của những công ty có thương hiệu trên thị trường để sử dụng.
Tuy nhiên, việc mua nhằm những lô thức ăn kém chất lượng vẫn thường xảy ra với những biểu hiện như cá chậm lớn, sức đề kháng với bệnh kém, và mỗi lần như vậy người nuôi cá phải chuyển sang sử dụng loại thức ăn khác.
Theo ông Tâm, đa phần những loại thức ăn được bán trên thị trường đều công bố hàm lượng đạm rất cao, theo tiêu chuẩn cho phép.
Người nuôi chỉ tin tưởng vào hệ số công bố ghi trên bao bì để mua, còn thực sự chất lượng bên trong người nuôi không thể tự kiểm tra được. Hiện nay trên thị trường có hai loại đạm là đạm thô và đạm chuyển hóa thường được các nhà sản xuất thức ăn thủy sản nhập nhằng để đánh lừa nhà quản lý và cả người nuôi.
Vì đạm thô là loại không chuyển hóa thành nguồn dinh dưỡng cho cá, tôm mà chỉ ăn vào rồi thải ra ngoài nên không làm tăng trọng.
Trong khi đó loại đạm này khi ngành chức năng kiểm tra qua máy móc đều đạt theo tiêu chuẩn cho phép.
Ông Lê Văn Hoàng, nông dân nuôi cá bè ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, hiện nay chi phí nuôi cá điêu hồng trên bè nằm ở mức 32.000 - 33.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với năm 2014.
Nguyên nhân chủ yếu do giá thức ăn thủy sản tăng cao nhưng chất lượng giảm khiến hệ số thức ăn (FCR) nuôi cá hiện nay lên tới 2,1 (cần 2,1kg thức ăn tạo ra 1kg cá), trong khi trước đây FCR chỉ 1,7 - 1,8.
Còn theo ông Lê Văn Hồng, nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), những năm gần đây tôm nuôi rất chậm lớn, một phần do chất lượng giống không tốt nhưng nguyên nhân quan trọng là do chất lượng thức ăn giảm.
Nếu như trước đây, hệ số thức ăn FCR nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ khoảng 1,1 thì nay đã tăng lên 1,3 - 1,5, còn FCR tôm sú cũng từ 1,7 - 1,8 tăng lên 2,0.
Ông Lê Văn Lân, nông dân nuôi tôm ở xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cho biết, hiện nay thị trường thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi tôm có rất nhiều loại sản phẩm có tên na ná nhau của hàng chục công ty.
Sản phẩm nào cũng có công dụng đa năng giống như “thuốc tiên” được quảng cáo rầm rộ với nhiều giá tiền khác nhau. Do đó, nông dân nuôi tôm không biết sản phẩm nào thật sản phẩm nào giả, chất lượng ra sao mà chọn lựa nên chỉ còn trồng chờ vào sự giới thiệu của đại lý.
Chỉ khi nào sản phẩm mua về sử dụng thấy không đạt hiệu quả mới biết là sản phẩm kém chất lượng và chỉ biết mua sản phẩm khác về sử dụng tiếp.
Một đại lý bán thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi tôm ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) tiết lộ:
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường chiết khấu cho đại lý hơn 35%, cộng thêm khuyến mãi mua 3 tặng 1 hay mua 5 tặng 2; tính ra có công ty chiết khấu cho đại lý gần 55% giá bán sản phẩm, chưa tính đến chi phí nguyên liệu, nhà xưởng, nhân viên, quảng cáo… thì chất lượng nằm ở đâu?!
Còn theo cơ quan thanh tra thủy sản, đối với các loại chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, hiện nay có khoảng trên 70% sản phẩm trên thị trường không đạt chất lượng, thậm chí có sản phẩm kiểm tra âm tính đối với một chỉ tiêu vi khuẩn có lợi được công bố trên bao bì sản phẩm.
Ngoài việc thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản được bán tràn lan tại các đại lý với chất lượng khó kiểm soát thì hiện nay còn có tình trạng thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi thủy sản không bán qua đại lý mà được những người tự xưng là nhân viên công ty xuống điều trị và bán thuốc trực tiếp cho ao nuôi cá tra của bà con nông.
Thử rà soát các sản phẩm này không khó nhận biết tất cả các sản phẩm này đều không nằm trong danh mục sản phẩm được phép lưu hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thậm chí có sản phẩm có nhãn hàng hóa nhưng “quên” ghi địa chỉ, hay có địa chỉ, số điện thoại nhưng không liên lạc được.
Cần quản lý toàn diện
Trước tình trạng nhập nhằng chất lượng thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản, công tác thanh kiểm tra đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản.
Cục Thú y quyết liệt chỉ đạo thực hiện và cơ quan chức năng địa phương cũng đã tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này. Tuy nhiên, công tác thanh kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn khi hầu hết các cơ sở đều “có chiêu” để đối phó với đoàn thanh kiểm tra.
Theo quy định đoàn thanh kiểm tra phải thông báo trước cho cơ sở khi tiến hành thanh kiểm tra nên những hành vi vi phạm được doanh nghiệp xử lý trước, hay dùng chiêu treo thông báo nghỉ bán, đóng cửa…
Ngoài ra, hiên nay mức xử phạt các trường hợp vi phạm chất lượng, hàng giả, sản phẩm không nằm trong danh mục còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh các sản phẩm này nên chưa đủ sức răn đe.
Trước thực trạng khó kiểm soát chất lượng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản như hiện nay, một chuyên gia ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang khuyến cáo:
Để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì chính bản thân người nuôi trồng thủy sản phải là người tiêu dùng thông minh, phải lựa chọn những thương hiệu có uy tín, lâu năm; sản phẩm có nhãn mác rõ ràng, không ham rẻ, tin lời “đường mật” của các đại lý hay dùng hàng trôi nổi.
Về gốc độ quản lý, để đảm bảo chất lượng vật tư nuôi trồng thủy sản, cơ quan chức năng ngoài việc tiến hành thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn có giao thông thuận lợi mà cần phải tăng cường kiểm soát ở các cơ sở kinh doanh vùng sâu vùng xa, ở các vùng nuôi, các hộ dân nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm kém chất lượng tìm cách tuồn hàng bán trực tiếp cho nông dân với giá rẻ.
Thực tế tình trạng này vẫn đang xảy ra và nông dân là đối tượng luôn bị thiệt thòi.
Về trách nhiệm quản lý chất lượng vật tư đầu vào nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cũng đã thừa nhận:
Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT tích cực triển khai công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào nuôi thủy sản. Kết quả triển khai đã làm thay đổi nhận thức của người nuôi, cơ sở sản xuất kinh doanh và tạo được sự đồng tình của dư luận xã hội.
Tuy nhiên tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư thủy sản trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt là các tỉnh nuôi trọng điểm miền Nam.
Để xảy ra tình trạng trên một phần là do công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành chưa được chú trọng, công tác xử lý vi phạm hành chính chưa kịp thời, chưa truy xuất đến cùng nguồn gốc sản phẩm vi phạm và xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đủ điều kiện.
Để đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản vừa có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương tập trung triển khai kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2015 đã được phê duyệt;
Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý cải tạo môi trường.
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về chất lượng vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản, trong đó chú trọng truy xuất nguồn gốc, xử lý tận gốc các lô hàng, sản phẩm không đảm bảo chất lượng, vi phạm các lỗi như ghi nhãn sai thành phần và công dụng so với danh mục được phép lưu hành;
Kiến nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền thu hồi giấy phép lưu hành, đăng ký kinh doanh của các tổ chức tái phạm…
Theo Tổng cục Thủy sản, trên thị trường hiện có khoảng 5.000 sản phẩm thức ăn hỗn hợp, 3.000 sản phẩm thức ăn bổ sung và khoảng 3.000 chế phẩm xử lý môi trường đang lưu hành.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa có Quyết định số 61 ban hành Quy chế quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo (giã cào) trên vùng biển Bình Thuận.
Chín tháng đầu năm 2015, NK tôm vào Mỹ đạt 416.311 tấn, trị giá 3,9 tỷ USD, tăng 2% về khối lượng nhưng giảm 18% về giá trị.
Hội thi – Triển lãm bò sữa thành phố Hồ Chí Minh lần V năm 2015 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. hồ Chí Minh tổ chức sẽ diễn ra trong 03 ngày từ ngày 04 đến 06/12/2015 tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
Theo Trạm Thú y huyện Bình Tân (Vĩnh Long), tính đến ngày 16/10/2015, đã có 9 hộ chăn nuôi tại ấp Mỹ Thạnh A, Kinh Mới của xã Mỹ Thuận có gia cầm bị tiêu hủy do cúm A/H5N1, với tổng số 5.320 con. Trong đó, có 4.988 con vịt lớn, 326 con vịt nhỏ và 6 con gà nhỏ.
Hàng trăm hộ dân ở hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B vừa có đơn gửi Báo SGGP, phản ánh nỗi khốn khổ do trên địa bàn hai xã này đang có gần 50 trại nuôi heo lớn nhỏ, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nước và không khí, ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của cư dân.