Làm Giàu Từ Ca Cao Xen Điều

Mấy năm gần đây, diện tích trồng điều ở Bình Phước bị thu hẹp do một bộ phận nông dân chặt bỏ để trồng cây công nghiệp hoặc cây ăn trái có giá trị hơn. Tuy nhiên, không ít hộ vẫn giữ vườn điều và thu nhập cao bằng cách trồng xen ca cao, cây ăn trái. Hộ chị Nguyễn Thị Thanh Thủy ở thôn 12, xã Long Hà (Bù Gia Mập) đã giàu lên nhờ trồng xen ca cao vào vườn điều.
LỢI KÉP...
“Trước đây, 5 ha điều của gia đình tôi thu khoảng hơn 200 triệu đồng/năm. Nhưng có năm được, năm mất do phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường. Qua theo dõi chương trình Nhà nông làm giàu, năm 2009, tôi đến xã Đức Liễu (Bù Đăng) học kỹ thuật chăm sóc cây ca cao xen điều và đặt mua cây giống loại TD3, TD6, TD5 ở thành phố Hồ Chí Minh về trồng” - chị Thủy nói về cơ duyên xen canh cây ca cao của mình.
Đến nay, gia đình chị Thủy đã trồng 3.500 cây ca cao trong vườn điều. Năm 2013, ngoài nguồn thu từ 15 tấn điều được trên 300 triệu đồng, chị Thủy còn thu 120 triệu đồng từ 2 tấn ca cao. Không những có 2 nguồn thu trên một diện tích mà điều quan trọng là khi tưới nước và bón phân cho cây ca cao thì cây điều cũng hưởng lợi nên xanh tốt, đậu trái nhiều hơn. Nhờ vậy, năng suất cây điều đạt gần 3 tấn/ha, tăng gần 1 tấn/ha so với khi chưa trồng xen ca cao.
Cây ca cao ưa bóng râm, phù hợp với việc trồng dưới tán điều nên phát triển tốt, cho thu hoạch quanh năm. Chị Thủy cho hay: “Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều điểm thu mua quả, hạt ca cao, trong đó có các đại lý của Công ty Cargill. Công ty này thường xuyên thông tin với nông dân về giá thu mua, tình hình tiêu thụ của thị trường kịp thời nên hạn chế tình trạng tư thương ép giá. Nhờ vậy, những hộ trồng ca cao yên tâm về đầu ra cho sản phẩm”.
....VÀ GIỮ ĐƯỢC VƯỜN ĐIỀU
Trong các năm qua, tỉnh Bình Phước đã tập trung phát triển và mở rộng diện tích cây ca cao. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã xây dựng thành công nhiều mô hình trồng ca cao dưới tán điều mang lại hiệu quả cao ở Bù Đốp, Bù Đăng.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 135 ngàn ha điều, trong đó hơn 60 ngàn ha có đủ nước tưới và đã khép tán. Đây là điều kiện để người trồng điều phát triển cây ca cao trồng xen.
Theo thống kê năm 2014, toàn tỉnh có 1.325 ha ca cao trồng xen trong vườn điều, trong đó diện tích trồng mới là 150 ha. Năng suất bình quân của cây ca cao đạt 1,5 tấn/ha. Sản lượng ca cao của Bình Phước trong năm 2014 là 1.156 tấn. Hiện Bù Gia Mập có diện tích ca cao lớn nhất tỉnh với khoảng 449 ha, kế đến là Bù Đăng 409 ha, Đồng Phú 303 ha...
Thời gian qua, Bình Phước đã tăng cường hợp tác để phát triển ca cao thông qua các dự án hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài như: “Phát triển ca cao cho các nông hộ ở Việt Nam giai đoạn 2005-2007” do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, đã hỗ trợ giống và kỹ thuật cho nông dân, nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông; dự án “Phát triển nông nghiệp bền vững” do tổ chức ROP (tổ chức Roots of Peace) hỗ trợ năm 2010 về tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển ca cao tại địa phương.
Nhờ vậy, Bình Phước hiện đã xây dựng được bộ quy trình kỹ thuật trồng xen ca cao trong vườn điều, khảo nghiệm các giống ca cao nhập nội như: TD1, TD3, TD5, TD6... Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cũng đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn, hướng dẫn cách sơ chế ca cao sau thu hoạch, kỹ thuật sản xuất giống ca cao ghép...
Hiện hạt ca cao khô có giá ổn định 55-60 ngàn đồng/kg nên người dân yên tâm phát triển ca cao trong vườn điều. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2015 diện tích trồng ca cao ở Bình Phước dự kiến đạt 5.000 ha và năm 2020 sẽ là 20.000 ha. Với tiềm năng của cây ca cao và lợi thế đất đai hiện có, nông dân Bình Phước đã có thêm cơ hội làm giàu.
Nguồn bài viết: http://baobinhphuoc.com.vn/Content/lam-giau-tu-ca-cao-xen-dieu-35007
Có thể bạn quan tâm

Nước tưới có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây cà phê, song vai trò trọng yếu này đang bị đe dọa khi người trồng cà phê phải đối mặt với nhiều thách thức do diện tích cà phê tăng nhanh, nhưng nguồn nước tưới chưa được quan tâm đầu tư.

Để hạn chế những thiệt hại do hạn hán có thể xảy ra đối với cây trồng vụ đông xuân 2013 - 2014, ngành chức năng và bà con nông dân huyện Krông Nô đã, đang chủ động triển khai xây dựng, nạo vét kênh mương thủy lợi, khơi thông dòng chảy... để đảm bảo nước tưới cho toàn bộ mùa vụ.

Trong những năm qua, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất trên địa bàn huyện Đắk Glong đã đạt được nhiều kết quả.

Cũng như các tỉnh Tây Nguyên, nền sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông phát triển đa dạng và tương đối toàn diện với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Theo đó, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp tạo thế và lực cho ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nhằm mở ra hướng đi mới.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước cho cây trồng trong mùa khô, mấy năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã thự hiện luân canh lúa – khoai; giúp tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác, lợi nhuận cao gấp 2 lần trồng lúa thuần.