Làm Giàu Trên Vùng Sỏi Đá

Nhìn cơ ngơi làm ăn bề thế của anh nông dân trẻ Phạm Văn Tiến ít ai ngờ nơi đây nguyên là vùng sỏi đá. Bằng ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh biến đồi hoang thành những vườn nho bốn mùa cho trái ngọt và những thửa ruộng vàng thơm sắc lúa. Anh Tiến là điển hình tiêu biểu của lớp nông dân trẻ sinh trưởng sau mùa xuân 1975 năng động có kiến thức vươn lên làm giàu bền vững ở xã Nhị Hà.
Trao đổi với Phạm Văn Tiến bên vườn nho dại chuẩn bị ghép gốc NH 01-48, chúng tôi được biết quê gốc của anh ở phường Bảo An, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm. Năm 1976, ba mẹ anh lên Nhị Hà lập nghiệp sinh trưởng công dân Phạm Văn Tiến. Gia đình đông con, kinh tế khó khăn, anh học hết lớp bảy rồi xếp bút nghiên ở nhà phụ giúp ba mẹ làm thuê kiếm sống. Năm 22 tuổi, anh lập gia đình với cô thôn nữ Nguyễn Thị Ngọc Hồng. Thôn Nhị Hà 1 không còn đất thổ cư, anh đưa vợ ra gộp đá đầu làng che lên căn nhà chòi vách đất ở tạm.
Vợ chồng hôm sớm chăm lo làm ăn với ý chí vươn lên làm giàu, anh đã biến vùng sỏi đá tục danh Xóm Chùa thành những thửa đất xanh biếc vườn nho, ruộng lúa. Phạm Văn Tiến được bầu chọn nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở địa phương. Anh là tuyên truyền viên khuyến nông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con thôn xóm vươn lên làm ăn chung tay xây dựng nông thôn mới.
Buổi đầu khởi nghiệp không có “cục đất chọi chim”, Phạm Văn Tiến đã lần hồi khai hoang san ủi những gộp đá quanh nhà. Làm ăn tích lũy vốn liếng, anh thuê máy đào đá, chở đất san lấp cải tạo thành đất sản xuất. Sau 15 năm kiên trì quyết chí “khai hoang” gộp đá, anh là ông chủ của trên 1 ha đất chuyên trồng cây nho xanh và các loại hoa màu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh đào 5 sào ao chứa nước và hệ thống kênh mương chủ động bơm tưới cho đất canh tác. Khi mới vào nghề trồng nho, anh tìm gặp cán bộ khuyến nông học hỏi kỹ thuật tiên tiến và lặn lội đến những chủ vườn tìm hiểu kinh nghiệm chăm sóc phòng trừ bệnh hại theo hướng sinh học. Từ 3 sào đất trồng nho đầu tiên năm 2003, anh tiếp tục mở rộng diện tích lên 7 sào. Cây nho sau 6-7 năm tuổi là già cỗi, anh đào gốc trồng mới nho tơ ít sâu bệnh hại đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh canh tác cây nho theo hướng sinh học đạt năng suất 1,5- 2 tấn/vụ/sào. Trừ hết chi phí đầu tư sản xuất, anh còn lãi ròng mỗi năm trên 200 triệu đồng. Anh vừa xây dựng nhà ở mới khang trang có diện tích sử dụng 120 mét vuông trị giá 240 triệu đồng nhưng anh vẫn giữ căn chòi vách đất thuở khởi nghiệp để làm…kỷ niệm.
Phạm Văn Tiến đưa chúng tôi ra đồng “tận mục sở thị” hệ thống thủy lợi do anh tự bỏ vốn đầu tư chủ động bơm tưới cho những vườn nho, ruộng lúa. “Em tiếp tục thuê xe đào san bằng gộp đá này tốn khoảng 50 triệu đồng. Đất khai hoang từ sỏi đá rất thông thoáng cây nho sinh trưởng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Làm theo lời Bác Hồ dạy thanh niên không có việc gì khó nên em quyết tâm vươn lên làm giàu trên vùng sỏi đá xã Nhị Hà”, chỉ tay vào gộp đá rộng khoảng 300 mét vuông bên ruộng lúa vụ đông xuân xanh biếc, Phạm Văn Tiến bộc bạch niềm vui.
Có thể bạn quan tâm

Sáng ngày 24-7-2014, ông Võ Thành Hạo - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Bình Đại để nắm tình hình nhằm qua đó hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Đồng Tâm bị vỡ do tình trạng trộm nghêu diễn ra từ đầu tháng 7-2014.

Bất chấp lời khuyến cáo của các cơ quan chức năng về việc hạn chế nuôi tôm thẻ chân trắng, nông dân vùng Đồng Tháp, An Giang đã đầu tư, chuyển diện tích trồng lúa, nuôi cá tra, tôm càng xanh... sang nuôi loại thủy sản này vì lợi nhuận cao.

Nhận được tin báo, lúc 10g 20 phút ngày 24/7/2014, đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra cơ sở làm tôm của ông Đinh Hữu Điền (ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức- Long Hồ - Vĩnh Long) phát hiện hơn 30 nhân viên đang trực tiếp bơm tạp chất (gồm thạch rau câu và một bịch bột màu trắng không nhãn mác) vào tôm để tăng trọng lượng.

Hơn 2 năm mày mò tự nghiên cứu, anh Vũ Quốc Đạt, thôn Nho Quan, xã Tam Đa (Sơn Dương - Tuyên Quang) đã sáng chế thành công máy ấp trứng nhiệt sinh học sử dụng nguồn nhiệt từ hầm biogas, tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ.

Hiện nay chăn nuôi gia súc nhai lại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phát triển rất nhanh, đặc biệt là đàn bò sữa chiếm khoảng 4.700 con, do đó nhu cầu thức ăn xanh cung cấp cho chăn nuôi là rất lớn. Đặc biệt khi dự án phát triển đàn bò sữa toàn tỉnh lên 17.000 con năm 2020 và sản lượng sữa đạt 23.000 tấn thì nhu cầu cỏ cho chăn nuôi càng bức thiết hơn.