Hấp Dẫn Gà Tiến Vua
“Gà “tiến vua”có đôi chân rất to, sần sùi, da đỏ hồng, dáng vẻ oai vệ, khi trưởng thành gà trống có thể nặng đến 4,5kg. Đây là giống gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) thường được dùng để “tiến vua” ngày xưa” - ông Nguyễn Văn Bộ (ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết.
Quê ở Nam Định, vào An Giang lập nghiệp từ những năm 1980, trong một lần về thăm lại quê hương, ông Bộ nhận thấy gà Đông Tảo vừa lạ, vừa hiếm lại thích hợp với thời tiết ở địa phương. Năm 2011, ông Bộ đã mạnh dạn đầu tư chuồng, trại mua 25 cặp gà giống với giá 300.000 đồng/con (300 gram) từ Hưng Yên về nuôi. Đến nay, ông đã có bầy gà “tiến vua” hàng trăm con cung cấp gà giống và gà thịt trong và ngoài tỉnh.
Ông Bộ chia sẻ: “Đặc điểm nhận dạng riêng biệt của gà Đông Tảo chính là đôi chân có dạng vảy thịt, chứ không phải vảy xương như gà thường. Khi còn bé, chân gà phát triển bình thường, càng lớn đôi chân càng phình to. Đến khi ngừng phát triển, đôi chân trở nên sần sùi và rất to”.
Gà mới nở có lông trắng đục, gà mái trưởng thành có lông màu vàng nhạt, nặng từ 2,8 - 2,9 kg. Gà trống có màu đen, nặng khoảng 4,5 kg, chỉ riêng đôi chân có thể nặng 500 gram là gà đẹp nhất. “Đối với gà “tiến vua” này, để nhận biết gà đẹp không chỉ dựa trên cân nặng, màu lông mà quan trọng nhất là dựa vào đôi chân to, chắc, vảy đều như “vảy rồng”.
Trong một bầy gà, chỉ có 1 - 2 con gà đẹp, nhiều nhất cũng chỉ có 5 con nhưng rất hiếm. Những con gà như thế thường không bán mà chỉ để làm giống, nếu có bán thì giá cũng rất cao, có thể 5 - 7 triệu đồng/con hoặc cao hơn nữa” – ông Bộ chia sẻ.
Gà “tiến vua” nuôi theo phương thức nhốt trong chuồng, dễ quản lý, màu sắc gà đẹp, lông mướt, nuôi nhanh lớn, phát triển đều nên dễ thu lợi nhuận. Đặc biệt, giống gà này ít bị cúm và khả năng kháng các loại bệnh tốt, nhưng lại có điểm yếu là dễ mắc bệnh về hô hấp khi thời tiết giao mùa xuân – hè. Chuồng trại nuôi gà cần đảm bảo vệ sinh và theo nguyên tắc ban ngày thông thoáng, ban đêm kín gió. Thức ăn nuôi gà “tiến vua” cũng như các loại gà khác, chủ yếu là lúa, gạo, rau muống và thức ăn công nghiệp…
Theo ông Bộ, gà “tiến vua” nuôi từ 8 - 10 tháng là bắt đầu đẻ trứng, mỗi đợt đẻ khoảng 16 trứng, sau đó ngưng đến 10 - 15 ngày mới đẻ tiếp. Do thời tiết ở đây ấm hơn Hưng Yên, nên gà có thể đẻ tự nhiên quanh năm mà không phải để đèn kích thích. Với số lượng 20 - 30 con gà mái đẻ, để tiết kiệm chi phí và giúp gà mái không bị mất sức trong việc ấp trứng, ông Bộ sử dụng máy ấp trứng để ấp được nhiều trứng một lần.
"Thường sau khi đẻ đủ số trứng, gà sẽ tự ấp, nhưng vì số trứng quá nhiều và tránh gà mẹ kiệt sức ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng trứng đợt tiếp theo nên sử dụng máy để ấp được nhiều trứng trong một lần, không tốn nhiều chi phí, mà tỉ lệ nở cao" - ông Bộ giải thích.
Theo tiết lộ của ông Bộ, gà giống đa phần được nhiều nơi đến đặt mua. Còn với gà thịt, nhu cầu của khách có quanh năm, nhất là các ngày lễ lớn và dịp cuối năm. Người mua làm thịt, nhưng cũng có khách mua làm cảnh. Với loại gà thịt được bán từ 300.000 - 400.000 đồng/kg, còn gà giống 300.000 đồng/con (500 gram). Giống gà này không chỉ "đẹp mã" nhờ lông mượt, to, oai vệ mà thịt cũng ngon vượt trội, thớ thịt chắc, dày, đỏ au, đặc biệt phần da dày nhưng rất ít mỡ và rất giòn.
Một con gà “tiến vua” to thường chế biến 7 - 10 món, món nào cũng độc đáo, như: Luộc, xào măng, nướng, hấp, lòng gà xào mướp… Thịt gà “tiến vua” nấu nước cốt chanh ăn có tác dụng giải cảm, trị chứng mệt mỏi.
Nhưng có lẽ, thơm ngon, độc đáo nhất là món ngon từ cặp chân to mà người sành ăn ví von là món “vòi rồng hầm thuốc bắc”. Phải đôi ba người ăn mới hết bởi cặp chân gà rất to, cắn một miếng đã thấy thơm mùi thịt, mùi da, dai dai giòn giòn của gân… và ngày xưa từng là món ăn ưa thích của vua.
Có thể bạn quan tâm
Vài năm gần đây, nhiều nông dân xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột - Dak Lak) chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng thanh long. Bước đầu cho thấy, trồng thanh long cho thu nhập khá cao, lãi thuần từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với sản xuất cà phê của nông dân hiện nay (với mức thu nhập cà phê từ 40 - 50 triệu/ha/năm).
Việc canh tác theo tiêu chuẩn GAP là xu hướng tất yếu của nông nghiệp Việt Nam. Chỉ có như thế nông sản Việt Nam mới có thể tiến xa ra thị trường thế giới, tăng thêm giá trị và lợi nhuận cho nông dân, doanh nghiệp. Từ đó, những năm qua, tỉnh Tiền Giang nỗ lực xây dựng, phát triển hầu hết các nông sản chủ lực theo tiêu chuẩn GAP.
Những ngày này, ở khu vực trung tâm huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) chủ yếu ở thị trấn, xã Tả Chải, Na Hối, Bản Phố, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch đào Pháp, ai nấy đều rạng ngời niềm vui vì vụ thu hoạch đào Pháp năm nay được mùa, được giá.
Chiều 19-4, Sở NN-PTNT Long An cho biết, thời gian gần đây trong khi nhiều loại trái cây rớt giá khiến nhà vườn thua lỗ, thì thanh long và chanh vẫn duy trì mức giá cao, đảm bảo lợi nhuận cho nhà vườn.
Cây thanh long đang được huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) chọn là một trong 5 loại nông sản hàng hoá chủ lực. Trong đó, Nam Sơn là xã có diện tích và tiềm năng lớn nhất để đưa thanh long phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.