Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Bồ Câu Pháp

Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, nhưng chị Lò Thị Tiên, đội 6, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) vẫn rạng rỡ, phấn khởi. Chị Tiên bộc bạch: “Đã mấy năm rồi, suốt ngày quanh quẩn với đàn chim bồ câu Pháp.
Nhìn thấy chúng phát triển từng ngày, từ khi mới nở đến lúc thành những chú chim bồ câu trắng muốt, thật vất vả nhưng cũng thật vui”. Từ sự dám nghĩ dám làm, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của chị Tiên trừ chi phí, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng.
Còn nhớ, cách đây 10 năm, gia đình chị Tiên loay hoay với nghề thổ cẩm. Dệt cả ngày, cả đêm mà mỗi tháng trừ chi phí chị Tiên cũng chỉ thu về 1 triệu đồng. Lúc nông nhàn, lấy công làm lãi, số tiền ấy cũng góp phần trang trải chi tiêu cho gia đình. Chị cũng chăn nuôi thêm đàn lợn nái, gà, vịt, nhưng vừa ít kinh nghiệm trong sản xuất, lại không có nhiều vốn nên qua vài đợt dịch tụ huyết trùng, cúm gia cầm... là cụt vốn.
Theo thời gian, nghề thổ cẩm mai một bởi sự thưa vắng của khách hàng. Trăn trở mãi, cách đây 6 năm chị biết có người bạn cũng nhờ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp trở nên khá giả, thế là chị Tiên học cách làm theo. Lúc đầu chị chỉ nuôi 10 đôi chim, rồi nhân rộng dần. Tới nay, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình chị phát triển lên đến 700 đôi chim giống, mỗi tháng bình quân bán trên 200 đôi; trừ chi phí tiền thức ăn (cám công nghiệp, thóc); tiền thuê nhân công chăm sóc, thu về gần 20 triệu đồng.
Khi được hỏi kinh nghiệm phát triển đàn bồ câu như hiện nay, chị Tiên cho rằng: Khâu quan trọng là vệ sinh chuồng trại, cứ định kỳ 2 - 3 tháng/lần gia đình tiến hành phun hóa chất khử khuẩn quanh khu vực chuồng trại. Bên cạnh đó, vệ sinh sạch sẽ chuồng hàng ngày; thay các khay đựng thức ăn và nước uống cho chim. Vệ sinh sạch sẽ còn tránh được dịch bệnh. Bên cạnh đó, chim sẽ phát triển tốt, tránh việc phải tiêm phòng, ảnh hưởng đến quá trình sinh sản. Sau đó, tiến hành nuôi nhốt chim theo từng cặp, để tiện theo dõi việc sinh nở cũng như chăm sóc chim non.
Hiện nay, chim thịt cung cấp ra thị trường từ 23 - 25 ngày tuổi; có giá 150.000 đồng/đôi. Chim giống nuôi từ 1 - 2,5 tháng, giá dao động từ 200.000 đồng - 400.000 đồng/đôi. Chị Tiên cho rằng, nuôi chim không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật chăm sóc như các loại gia cầm khác, mà chỉ cần người nuôi giữ vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống đầy đủ. Thấy được hiệu quả từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình chị Tiên, nhiều hộ chăn nuôi từ TP. Điện Biên Phủ tìm đến mua chim giống. Chị Tiên đều ghi chép đầy đủ ngày bán chim, đồng thời giữ lại số điện thoại của khách hàng để tư vấn khi cần thiết.
Từ sự mạnh dạn trong phát triển kinh tế hộ, tìm hướng đi đúng đắn trong cơ chế thị trường, chị Lò Thị Tiên, là tấm gương phát triển kinh tế để nhiều chị em trên địa bàn học tập làm theo. Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế hộ, chị Tiên đã được vinh danh trong Hội nghị điển hình phát triển kinh tế huyện Điện Biên năm 2012.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, thấy nhím có giá nên nhiều người dân đã ồ ạt đầu tư nuôi nhím, có thời điểm giá nhím giống lên đến gần 10 triệu đồng/cặp và nhím thịt hơn 300 ngàn đồng/kg.

Đến nay, nông dân ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ và Châu Thành thuộc tỉnh Long An đã thu hoạch dứt điểm hơn 6.830 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng với sản lượng đạt hơn 16.000 tấn

Ngày 27-3, ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cùng đại diện các sở, ngành có liên quan của tỉnh và lãnh đạo Huyện ủy Gò Công Đông đã đến khảo sát vùng nuôi nghêu cồn Ông Mão, cồn Vạn Liễu thuộc khu vực nuôi 350 ha của Ban Quản lý cồn bãi của huyện.

Hàu có giá trị dinh dưỡng cao, có giá trị trong y học, góp phần lọc mùn bã hữu cơ trong nước, giúp làm sạch môi trường và ổn định hệ sinh thái. Nuôi hàu đang là mô hình có nhiều triển vọng cho nông dân vùng ven biển trong tỉnh Quảng Ngãi.

Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú (An Giang) vừa trình diễn thành công mô hình trồng nấm hồng chi. Qua đợt trồng nấm đầu tiên cho thấy, hiệu quả kinh tế khá cao nên đã tạo nhiều niềm tin cho người dân trồng nấm tại địa phương.