Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Gì Để Khai Thác Có Hiệu Quả Mỏ Vàng Trắng Đông Nam Bộ?

Làm Gì Để Khai Thác Có Hiệu Quả Mỏ Vàng Trắng Đông Nam Bộ?
Ngày đăng: 22/08/2014

Việc cấp bách là phải có giải pháp đồng bộ từ cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương, DN và người nông dân để cây cao su phát triển đúng hướng

Trước tình hình mủ cao su bị mất giá trầm trọng, hàng ngàn hộ dân trồng cao su tiểu điền ở khu vực Đông Nam bộ đang cầm cự, đắp đổi qua ngày để giữ lại vườn cao su - tài sản lớn nhất của họ. Nhiều hộ dân cũng đang băn khoăn, không biết sẽ trồng cây gì để thay thế cây cao su.

Việc cấp bách hiện nay là phải có những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân để cây cao su phát triển đúng hướng và mang lại giá trị cao, góp phần làm giàu cho đất nước.

Qua tìm hiểu thực tế ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh Đông Nam bộ, điều chúng tôi nhận thấy là người dân quá kỳ vọng vào việc làm giàu nhờ cây cao su. Đến khi cao su mất giá, cả người nông dân và chính quyền địa phương đều không biết trồng cây gì để thay thế cây cao su.

Thời điểm mủ cao su lên giá, người dân ở đây đã đổ xô trồng cây cao su, khiến diện tích loại cây này ở khu vực Đông Nam bộ vượt đến 135.000 ha so với quy hoạch của Chính phủ. Riêng tỉnh Bình Phước đã vượt quy hoạch đến 82.000 héc ta.

Ông Nghiêm Phú Tâm, Cán bộ Nông nghiệp xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh nói: “Nếu định hướng về những giải pháp lâu dài hay ổn định thì phải định hướng vĩ mô của Nhà nước chứ cấp xã như bản thân tôi và những người nông dân ở đây cũng khó lắm. Xã không thể hỗ trợ người dân”.

Còn ông Hoàng Nhật Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết: “Chúng tôi đã xác định không thể đặt hết trứng vào một giỏ mà phải có cơ cấu cây trồng phù hợp. Những diện tích đã trồng cao su rồi, không phải diện tích nào cũng có thể trồng tiêu được, vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.

Cao su xuống giá cũng là dịp để chúng ta cơ cấu lại cây trồng, làm sao cho các nhóm cây trồng phải phù hợp trên đất Lộc Ninh này,  để không bị phụ thuộc quá vào một loại cây trồng nào đó:.

Về phía Tập đoàn cao su Việt Nam và các doanh nghiệp cao su trong khu vực Đông Nam bộ, với nhiệm vụ làm “bà đỡ” cho sản phẩm cao su tiểu điền của bà con nông dân, cần phát huy vai trò của mình trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm cao su.

Trên thực tế, do sự quản lý lỏng lẻo và kiểu làm ăn manh mún, người nông dân trồng cao su thường không đảm bảo chất lượng mủ. Đó cũng là nguyên nhân sản phẩm cao su tiểu điền không xuất khẩu sang được thị trường châu Âu.

Chất lượng mủ cao su là yếu tố được hình thành từ khâu chọn giống, chăm sóc và quan trọng nhất ở khâu thu hoạch và bảo quản.

Vì chất lượng mủ thấp nên sản lượng cao su tiểu điền chỉ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc và một số thị trường không đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Hiện nay, lượng mủ cao su tiểu điền vẫn được các doanh nghiệp nhỏ và vừa thu mua với giá thấp hơn 15% so với giá bán của Tập đoàn. 70% trong số đó vẫn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Vì sản xuất nhỏ lẻ và phân tán, lại không có cơ quan nào kiểm soát, nên chất lượng cao su xuất khẩu đã trôi nổi trong suốt thời gian qua, ảnh hưởng đến thương hiệu của cao su Việt Nam. Để xảy ra tình trạng nói trên, có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời gian tới, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn trong khâu xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu vùng, thương hiệu quốc gia cho sản phẩm cao su Việt Nam.

Ông Lê Minh Châu, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam nói: “Điều quan trọng là giá thấp như mình vẫn tiêu thụ được.

Ngành cao su Việt Nam đang cố gắng tìm thị trường mới để xuất khẩu tốt hơn. Tuy nhiên, muốn tìm thị trường mới chúng ta phải đảm bảo về chất lượng. Dù giá cao hay giá thấp thì cũng phải giữ được chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình”.

Mặc dù Đông Nam bộ  là nơi có diện tích cây cao su chiếm đến 64% tổng diện tích cao su của cả nước. Sản lượng cao su của khu vực này đạt từ 2 tấn đến 2,5 tấn một héc ta, cao gấp rưỡi so với khu vực Tây Nguyên và cao gấp đôi so với khu vực Tây Bắc.

Đây cũng là nơi tập trung nhiều nhà máy chế biến có quy mô lớn, có máy móc hiện đại nhất cả nước. Tuy nhiên, những Nhà máy chế biến ở Đông Nam bộ cũng chỉ giải quyết được 10% sản lượng mủ cao su trong khu vực. Các công ty chế biến chủ yếu là sơ chế mủ trước khi xuất khẩu.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 250 doanh nghiệp chế biến cao su, tiêu thụ hơn 120.000 tấn cao su nguyên liệu mỗi năm, trong khi đó, tổng sản lượng cao su khai thác hàng năm là hơn 900 ngàn tấn.  Công nghiệp chế biến cao su của Việt Nam hiện nay kém 4-6 lần so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Tại Đông Nam bộ - vùng nguyên liệu cao su lớn nhất cả nước, các doanh nghiệp chế biến mủ cao su thành sản phẩm tiêu dùng chỉ tính trên đầu ngón tay như nệm Vạn Thành, nệm-gối Đồng Phú, săm lốp Casumina, găng tay Khải Hoàn.

Vì yếu kém trong khâu chế biến nên sản phẩm cao su của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài luôn có giá trị thấp hơn so với những nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Việc thu hút những doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại trong khâu chế biến mủ cao su đang được các tỉnh Đông Nam bộ thực hiện như một giải pháp hữu hiệu để giải quyết đầu ra cho sản phẩm cao su tiểu điền.

Ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết: “Bình Phước là nơi có lợi thế nhất cả nước về cây cao su. Phải nói rằng, nếu cao su của Bình Phước mà không còn hiệu quả nữa thì tôi tin là nơi khác cũng không có hiệu quả tốt hơn. Chúng tôi sẽ giúp người nông dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn cao su xuống giá này”.

Thực hiện tốt việc quy hoạch diện tích cây cao su, giữ vững thị trường truyền thống và tìm thị trường mới, nâng cao giá trị xuất khẩu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cao su vùng Đông nam bộ nói riêng, Việt Nam nói chung - đó là những nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi phải có một quá trình và sự nỗ lực từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người  nông dân.

Có như vậy, cây cao su mới  trở thành “vàng trắng”, mang lại cuộc sống ấm no cho người nông dân vùng Đông Nam bộ và góp phần làm giàu cho đất nước.


Có thể bạn quan tâm

Rau Ăn Lá Tăng Giá Mạnh Rau Ăn Lá Tăng Giá Mạnh

Gần 1 tuần nay, giá các loại rau ăn lá, ăn quả bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tục tăng thêm từ 3-5 ngàn đồng/kg. Ngày 17-6, rau ăn lá như: cải ngọt, cải xanh bán lẻ tại chợ là 10-12 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 3-4 ngàn đồng/kg; mùng tơi, rau dền, khổ qua, dưa leo có giá từ 9-10 ngàn đồng/kg, tăng 3 ngàn đồng/kg; bầu, bí xanh 14-16 ngàn đồng/kg, tăng 5 ngàn đồng/kg so với cách đây gần 1 tuần.

21/06/2014
Doanh Nghiệp An Giang Ngừng Mua Cá Tra, Nông Dân Điêu Đứng Doanh Nghiệp An Giang Ngừng Mua Cá Tra, Nông Dân Điêu Đứng

Gần 1 tháng qua, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn An Giang và các tỉnh lân cận đã ngưng mua cá nguyên liệu của nông dân, làm người nuôi điêu đứng. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, do thị trường thế giới hạn chế nhập hàng; giá xuất khẩu chỉ tăng 30 cent, nhưng giá nguyên liệu lại tăng 2.500 đồng/kg, nên doanh nghiệp hạn chế sản xuất.

27/05/2014
Nhiều Nông Dân Quay Lưng Với “Cây Quý Tộc” Nhiều Nông Dân Quay Lưng Với “Cây Quý Tộc”

Nhưng do người dân chạy theo thị trường, không theo quy hoạch dẫn tới cung vượt cầu và hệ quả là điệp khúc trồng - chặt - trồng liên tục diễn ra, người nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn. Hiện nhiều người dân đã quay lưng với cây cao su, loại cây một thời làm giàu cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh.

21/06/2014
Rau Màu Lãi Lớn Rau Màu Lãi Lớn

Nhiều nông dân ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã mạnh dạn phá bỏ thế độc canh cây lúa, chuyển sang trồng xen canh rau màu mang lại hiệu quả cao.

27/05/2014
Bón Phân Đón Đòng Bón Phân Đón Đòng

Phần lớn diện tích lúa hè thu ở Huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đang ở giai đoạn từ 40-45 ngày tuổi. Đây là giai đoạn lúa đang chuẩn bị làm đòng. Bón phân đón đòng cho lúa ở giai đoạn này có tác động rất lớn đến năng lúa của cả vụ.

21/06/2014