Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Gì Để Khai Thác Có Hiệu Quả Mỏ Vàng Trắng Đông Nam Bộ?

Làm Gì Để Khai Thác Có Hiệu Quả Mỏ Vàng Trắng Đông Nam Bộ?
Publish date: Friday. August 22nd, 2014

Việc cấp bách là phải có giải pháp đồng bộ từ cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương, DN và người nông dân để cây cao su phát triển đúng hướng

Trước tình hình mủ cao su bị mất giá trầm trọng, hàng ngàn hộ dân trồng cao su tiểu điền ở khu vực Đông Nam bộ đang cầm cự, đắp đổi qua ngày để giữ lại vườn cao su - tài sản lớn nhất của họ. Nhiều hộ dân cũng đang băn khoăn, không biết sẽ trồng cây gì để thay thế cây cao su.

Việc cấp bách hiện nay là phải có những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân để cây cao su phát triển đúng hướng và mang lại giá trị cao, góp phần làm giàu cho đất nước.

Qua tìm hiểu thực tế ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh Đông Nam bộ, điều chúng tôi nhận thấy là người dân quá kỳ vọng vào việc làm giàu nhờ cây cao su. Đến khi cao su mất giá, cả người nông dân và chính quyền địa phương đều không biết trồng cây gì để thay thế cây cao su.

Thời điểm mủ cao su lên giá, người dân ở đây đã đổ xô trồng cây cao su, khiến diện tích loại cây này ở khu vực Đông Nam bộ vượt đến 135.000 ha so với quy hoạch của Chính phủ. Riêng tỉnh Bình Phước đã vượt quy hoạch đến 82.000 héc ta.

Ông Nghiêm Phú Tâm, Cán bộ Nông nghiệp xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh nói: “Nếu định hướng về những giải pháp lâu dài hay ổn định thì phải định hướng vĩ mô của Nhà nước chứ cấp xã như bản thân tôi và những người nông dân ở đây cũng khó lắm. Xã không thể hỗ trợ người dân”.

Còn ông Hoàng Nhật Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết: “Chúng tôi đã xác định không thể đặt hết trứng vào một giỏ mà phải có cơ cấu cây trồng phù hợp. Những diện tích đã trồng cao su rồi, không phải diện tích nào cũng có thể trồng tiêu được, vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.

Cao su xuống giá cũng là dịp để chúng ta cơ cấu lại cây trồng, làm sao cho các nhóm cây trồng phải phù hợp trên đất Lộc Ninh này,  để không bị phụ thuộc quá vào một loại cây trồng nào đó:.

Về phía Tập đoàn cao su Việt Nam và các doanh nghiệp cao su trong khu vực Đông Nam bộ, với nhiệm vụ làm “bà đỡ” cho sản phẩm cao su tiểu điền của bà con nông dân, cần phát huy vai trò của mình trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm cao su.

Trên thực tế, do sự quản lý lỏng lẻo và kiểu làm ăn manh mún, người nông dân trồng cao su thường không đảm bảo chất lượng mủ. Đó cũng là nguyên nhân sản phẩm cao su tiểu điền không xuất khẩu sang được thị trường châu Âu.

Chất lượng mủ cao su là yếu tố được hình thành từ khâu chọn giống, chăm sóc và quan trọng nhất ở khâu thu hoạch và bảo quản.

Vì chất lượng mủ thấp nên sản lượng cao su tiểu điền chỉ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc và một số thị trường không đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Hiện nay, lượng mủ cao su tiểu điền vẫn được các doanh nghiệp nhỏ và vừa thu mua với giá thấp hơn 15% so với giá bán của Tập đoàn. 70% trong số đó vẫn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Vì sản xuất nhỏ lẻ và phân tán, lại không có cơ quan nào kiểm soát, nên chất lượng cao su xuất khẩu đã trôi nổi trong suốt thời gian qua, ảnh hưởng đến thương hiệu của cao su Việt Nam. Để xảy ra tình trạng nói trên, có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời gian tới, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn trong khâu xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu vùng, thương hiệu quốc gia cho sản phẩm cao su Việt Nam.

Ông Lê Minh Châu, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam nói: “Điều quan trọng là giá thấp như mình vẫn tiêu thụ được.

Ngành cao su Việt Nam đang cố gắng tìm thị trường mới để xuất khẩu tốt hơn. Tuy nhiên, muốn tìm thị trường mới chúng ta phải đảm bảo về chất lượng. Dù giá cao hay giá thấp thì cũng phải giữ được chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình”.

Mặc dù Đông Nam bộ  là nơi có diện tích cây cao su chiếm đến 64% tổng diện tích cao su của cả nước. Sản lượng cao su của khu vực này đạt từ 2 tấn đến 2,5 tấn một héc ta, cao gấp rưỡi so với khu vực Tây Nguyên và cao gấp đôi so với khu vực Tây Bắc.

Đây cũng là nơi tập trung nhiều nhà máy chế biến có quy mô lớn, có máy móc hiện đại nhất cả nước. Tuy nhiên, những Nhà máy chế biến ở Đông Nam bộ cũng chỉ giải quyết được 10% sản lượng mủ cao su trong khu vực. Các công ty chế biến chủ yếu là sơ chế mủ trước khi xuất khẩu.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 250 doanh nghiệp chế biến cao su, tiêu thụ hơn 120.000 tấn cao su nguyên liệu mỗi năm, trong khi đó, tổng sản lượng cao su khai thác hàng năm là hơn 900 ngàn tấn.  Công nghiệp chế biến cao su của Việt Nam hiện nay kém 4-6 lần so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Tại Đông Nam bộ - vùng nguyên liệu cao su lớn nhất cả nước, các doanh nghiệp chế biến mủ cao su thành sản phẩm tiêu dùng chỉ tính trên đầu ngón tay như nệm Vạn Thành, nệm-gối Đồng Phú, săm lốp Casumina, găng tay Khải Hoàn.

Vì yếu kém trong khâu chế biến nên sản phẩm cao su của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài luôn có giá trị thấp hơn so với những nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Việc thu hút những doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại trong khâu chế biến mủ cao su đang được các tỉnh Đông Nam bộ thực hiện như một giải pháp hữu hiệu để giải quyết đầu ra cho sản phẩm cao su tiểu điền.

Ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết: “Bình Phước là nơi có lợi thế nhất cả nước về cây cao su. Phải nói rằng, nếu cao su của Bình Phước mà không còn hiệu quả nữa thì tôi tin là nơi khác cũng không có hiệu quả tốt hơn. Chúng tôi sẽ giúp người nông dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn cao su xuống giá này”.

Thực hiện tốt việc quy hoạch diện tích cây cao su, giữ vững thị trường truyền thống và tìm thị trường mới, nâng cao giá trị xuất khẩu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cao su vùng Đông nam bộ nói riêng, Việt Nam nói chung - đó là những nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi phải có một quá trình và sự nỗ lực từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người  nông dân.

Có như vậy, cây cao su mới  trở thành “vàng trắng”, mang lại cuộc sống ấm no cho người nông dân vùng Đông Nam bộ và góp phần làm giàu cho đất nước.


Related news

Nhiều Khó Khăn Trong Việc Khống Chế Dịch Bệnh Chổi Rồng Trên Nhãn Nhiều Khó Khăn Trong Việc Khống Chế Dịch Bệnh Chổi Rồng Trên Nhãn

Trong những năm qua, huyện Châu Thành là địa phương chịu thiệt hại nặng do dịch bệnh chổi rồng trên nhãn. Bệnh chổi rồng gây hại làm giảm sản lượng hơn 50.000 tấn nhãn mỗi năm. Bằng nhiều biện pháp, các ngành chức năng có nhiều nỗ lực khống chế dịch bệnh nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.

Saturday. October 11th, 2014
Cây Ngô “3 Trong 1 Vụ Mùa” - Cách Làm Hay Ở Xín Mần Cây Ngô “3 Trong 1 Vụ Mùa” - Cách Làm Hay Ở Xín Mần

Khảo sát, đánh giá sơ bộ toàn bộ diện tích trên 818 ha ngô phát triển rất tốt, không có sâu bệnh và có khả năng cho năng suất cao. Thời điểm hiện tại, toàn bộ 818,7 ha ngô trồng lần thứ 2 trong vụ Mùa muộn đang trong thời kỳ vào sữa, thời tiết khá thuận lợi, đồng bào Xín Mần rất phấn khởi có thêm 1 vụ ngô được trồng rải vụ trong năm sắp cho thu hoạch.

Saturday. October 11th, 2014
Giàu Nhờ Nuôi Lợn Rừng, Chim Trĩ Giàu Nhờ Nuôi Lợn Rừng, Chim Trĩ

Trước khi là ông chủ trang trại rộng 3.000 m2 nuôi lợn rừng, chim trĩ đầu tiên ở địa phương, Nguyễn Văn Giang từng làm cán bộ địa chính tại UBND thị trấn Hương Canh, nhưng đã quyết định nghỉ việc đi tìm cơ hội riêng cho mình. Ban đầu, nhiều người cho là anh gàn dở.

Saturday. October 11th, 2014
Đề Xuất Ưu Đãi Hơn Cho Nông Nghiệp, Nông Thôn Đề Xuất Ưu Đãi Hơn Cho Nông Nghiệp, Nông Thôn

Ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), đã khẳng định như vậy khi trao đổi về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của năm luật thuế, dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội diễn ra trong tháng 10-2014.

Saturday. October 11th, 2014
Anh Thái Trọng Tín Nuôi Tôm Tích Thành Công Anh Thái Trọng Tín Nuôi Tôm Tích Thành Công

Tôm tích là loài thuỷ sản đặc trưng ở vùng đất Năm Căn (Cà Mau). Mặc dù vậy nhưng nuôi tôm tích lại rất mới mẻ đối với người dân nơi đây. Anh Thái Trọng Tín (28 tuổi), ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới, huyện Năm Căn, là người tiên phong nuôi thử nghiệm tôm tích đem lại hiệu quả cao.

Saturday. October 11th, 2014