Làm Gì Để Đặc Sản Nhãn Lồng Hưng Yên Vào Được Mỹ?
Đó là sự băn khoăn, trăn trở không chỉ của riêng người trồng nhãn Hưng Yên trước thông tin từ đầu tháng 10 tới, quả vải và nhãn tươi của Việt Nam sẽ được phép xuất khẩu vào Mỹ. Là quê hương của “nhãn tiến vua” từng nức tiếng bao đời, cơ hội mở ra với người trồng nhãn Hưng Yên song thách thức đặt ra cũng không nhỏ.
Nhãn lồng Phố Hiến - Hưng Yên nổi tiếng tự bao đời. Thiên nhiên ưu ái riêng cho vùng đất Phố Hiến thứ quả thơm ngon mà không nơi nào sánh kịp: Quả nhãn to, cùi dày xếp lồng vào nhau, hạt nhỏ nhưng mọng nước, có vị thơm ngọt thanh mát như đường phèn...
Nhiều nhà vườn từng thốt lên rằng: Cùng giống nhãn từ một vườn ươm, nhưng cây nhãn trồng trên vùng đất Phố Hiến có hương vị thơm ngon đặc biệt, khác hẳn cây nhãn được trồng trên các vùng đất khác. Vậy nhưng thời gian qua, cùng với nhãn ở nhiều vùng trong cả nước, ngoài tiêu thụ nội địa, nhãn quả, long nhãn Hưng Yên chủ yếu được xuất khẩu vào Trung Quốc theo đường tiểu ngạch với giá rẻ, thị trường không ổn định.
Nay cơ hội cho xuất khẩu quả nhãn chính ngạch đã có, điều quan trọng là làm thế nào để quả nhãn Hưng Yên đạt được tiêu chuẩn vào thị trường Mỹ đang là nỗi băn khoăn không chỉ của người trồng nhãn ở Hưng Yên. Ông Lê Minh Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (BVTV) tỉnh Hưng Yên cho biết:
“Việc xuất khẩu trái cây nói chung cần nhiều tiêu chuẩn khắt khe, xuất sang Mỹ càng không đơn giản. Thông thường để trái cây của Việt Nam vào Mỹ cần nộp đơn yêu cầu, nộp danh sách dịch hại cho nước họ, phân tích nguy cơ dịch hại, đưa ra giải pháp, liều lượng thuốc BVTV, quy hoạch vùng trồng, phương pháp chiếu xạ…
Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào về việc hướng dẫn tiêu chuẩn nhãn quả để xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, nếu người trồng nhãn thực hiện đầy đủ, hoàn chỉnh quy trình VietGAP vào sản xuất cũng sẽ có được sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và là điểm tựa giúp nông dân thuận lợi hơn khi tiếp cận với những tiêu chuẩn chặt chẽ Mỹ đưa ra”.
Theo Cục BVTV, trái cây xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải đáp ứng một số tiêu chuẩn như phải trồng ở khu vực được đăng ký và gắn mã, mỗi lô hàng xuất khẩu phải kèm theo chứng chỉ của Cục BVTV xác định sản phẩm phù hợp với quy định, khi xuất phải chiếu xạ để loại bỏ vi khuẩn, dịch hại…
Do đó, trước khi chính thức xuất khẩu quả nhãn, vải tươi, thời gian tới Cục BVTV sẽ cùng các cơ quan chức năng giúp đỡ nông dân, doanh nghiệp hoàn thành các điều kiện để xuất khẩu nhãn, vải vào thị trường Mỹ.
Thực tế cho thấy, trái cây Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã đem lại lợi nhuận cao cho người làm vườn. Ông Nguyễn Văn Thinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) bộc bạch: “Cây nhãn hiện nay là cuộc sống của nhiều nông dân Hưng Yên, là một phần không thể thiếu của nông nghiệp Hưng Yên, là nét văn hóa của Hưng Yên.
Quả nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn Hưng Yên là những đặc sản nổi tiếng lâu đời. Bởi vậy, hơn ai hết, chúng tôi mong muốn có thể sản xuất ra sản phẩm thực sự nổi bật về chất lượng, hình thức, bảo đảm sự an toàn về vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn vào thị trường Mỹ vô cùng khó tính”.
Người đứng đầu Hợp tác nhãn lồng Hồng Nam cũng cho rằng dù tiêu chuẩn nhãn quả xuất khẩu có khắt khe, khó tính đến đâu thì với kinh nghiệm, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, bảo vệ nhãn từ hàng trăm năm nay của người dân Hưng Yên, đặc biệt là điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ưu đãi “độc nhất vô nhị” cho vùng đất Phố Hiến tạo cho nhãn Phố Hiến hương vị thơm ngon đặc trưng rất riêng có thì người trồng nhãn Phố Hiến hoàn toàn có thể sản xuất được sản phẩm nhãn quả đủ tiêu chuẩn xâm nhập vào các thị trường khó tính nhất.
Hiện nay, một thách thức không nhỏ với người trồng nhãn Hưng Yên đó là, tuy có bề dày kinh nghiệm hàng trăm năm trồng nhãn, được thiên nhiên ưu ái đặc biệt làm nên vị thơm ngon đặc trưng của nhãn lồng Phố Hiến thì toàn tỉnh chưa có một vùng nhãn VietGAP.
Mặc dù thời gian qua, ngành chức năng đã hướng dẫn, tập huấn, nông dân đã tiệm cận với kỹ thuật trồng, chăm sóc nhãn, sản xuất ra những sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm song để được chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP thì chưa có.
Nhãn quả mỗi năm toàn tỉnh sản xuất được hàng chục nghìn tấn nhưng vẫn là sản phẩm đơn lẻ của mỗi gia đình, chưa thực sự là sản phẩm tập thể. Nội tại trong số các hợp tác xã nhãn lồng vốn rất ít trong tỉnh hiện nay cũng đang tồn tại thực tế này.
Tuy mong muốn ban đầu, mỗi xã viên trong hợp tác xã sẽ thực hiện đồng loạt theo quy trình sản xuất tập thể đã được hợp tác xã xây dựng, dưới sự giám sát của Ban quản lý, Ban kiểm soát, Ban kỹ thuật… song thực tế việc này chưa làm được. Khi chưa đồng nhất từ vật tư đầu vào, đến quy trình kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ thì việc chưa có sản phẩm chất lượng đồng đều là điều khó tránh khỏi, sản phẩm khó trở thành sản phẩm hàng hóa đúng nghĩa.
Một thương hiệu cho sản phẩm nhãn lồng Phố Hiến, nhãn lồng Hưng Yên chưa có cũng ít nhiều làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, người trồng nhãn ở huyện Khoái Châu cho rằng: “Dù tiêu chuẩn kỹ thuật của nhãn xuất khẩu có khắt khe thì được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, có khó mấy chúng tôi vẫn làm được, miễn là hiệu quả thu được tương xứng.
Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, xây dựng và hướng người dân sản xuất theo một quy trình kỹ thuật nhất định, tạo vùng sản xuất hàng hóa thì phải có bàn tay của Nhà nước, của doanh nghiệp, chỉ một mình người dân không thể làm được. Một thị trường khó tính như Mỹ thì không thể nói sản phẩm không có thương hiệu lại được họ tin dùng”.
Việc Mỹ mở cửa cho nhãn quả của Việt Nam là cơ hội tốt đối với không chỉ người trồng nhãn ở Hưng Yên. Khi diện tích nhãn ở các vùng, miền, và ngay trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây liên tục tăng sẽ dần tạo sức ép về tiêu thụ trong những năm tới.
Để hỗ trợ người trồng nhãn nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng bền vững, ông Lê Minh Nam cho biết: “Hiện Chi cục BVTV tỉnh Hưng Yên đang đề xuất với Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh cho xây dựng và thực hiện mô hình ứng dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật canh tác và quản lý dịch hại trên nhãn cho các vùng trồng nhãn tại Hưng Yên.
Một trong những nội dung của dự án là xác định thành phần dịch hại trên cây nhãn phục vụ cho công tác kiểm dịch thực vật nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Nếu dự án được triển khai sẽ hỗ trợ tích cực người trồng nhãn trong quá trình canh tác, quản lý dịch hại nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững”.
Bên cạnh đó, người trồng nhãn cần đổi mới phương thức sản xuất, trước hết là hình thành các mô hình sản xuất liên kết như hợp tác xã hoặc các nhóm nông dân cùng sở thích để tổ chức sản xuất hàng hóa thực sự. Trong quá trình sản xuất phải áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP hoặc GlobalGAP; áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, đặc biệt là sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để tạo sản phẩm an toàn…
Có thể bạn quan tâm
Những nông dân Việt Nam xuất sắc hôm nay là những người đi đầu trong xóa đói giảm nghèo, làm giàu.
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quản lý chặt việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Hôm 13.10, bên lề ngày làm việc đầu tiên của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu xung quanh các giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy nông nghiệp - nông dân - nông thôn phát triển nhanh và bền vững…
Hiệp định TPP sẽ mang đến cơ hội song sẽ không thể tự biến thành lợi ích nếu nhà nước và doanh nghiệp không biết cách tận dụng.
Nhiều DN và trang trại ở Đông Nam bộ vẫn cho rằng, nếu liên kết với nhau tạo thành chuỗi giá trị thực sự, gà trắng Việt Nam vẫn có thể đứng vững.