Đối thoại, tham vấn về quy hoạch vùng trồng và chế biến quế trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức SNV, đại diện các huyện, thành phố và các xã có diện tích quế tập trung; một số doanh nghiệp, hộ thu mua, sản xuất và chế biến tinh dầu quế trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 11 nghìn ha quế, được phân bố trên địa bàn 50 xã, thuộc 4 huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà và Văn Bàn. Để phục vụ sản xuất và tiêu thụ quế, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở chế biến tinh dầu quế và chế biến vỏ quế thô, trong đó, có 2 nhà máy sản xuất tinh dầu quế tập trung với công suất trên 80 nghìn tấn lá/năm, tương đương trên 40 tấn sản phẩm/năm.
Những năm gần đây, diện tích cây quế ngày càng mở rộng và trên thực tế đã mang lại thu nhập cao cho các hộ dân. Hiệu quả kinh tế ước đạt 440 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh, trung bình thu nhập của người trồng quế đạt khoảng 30 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 1,5 lần so với cây gỗ khác.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các vùng trồng quế của Lào Cai được đánh giá chưa cho diện tích chất lượng cao như mong muốn; việc chế biến tinh dầu quế, chế biến vỏ quế thô vẫn còn thô sơ, nên chất lượng và mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích, nâng cao độ che phủ rừng, ngành nông nghiệp tỉnh đã quy hoạch vùng trồng quế giai đoạn 2015 – 2025. Theo đó, vùng trồng quế tập trung của tỉnh đạt 24 nghìn ha, tại 50 xã thuộc 4 huyện: Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên và Bắc Hà. Phấn đấu nâng giá trị sản xuất quế đạt từ 30 – 40 triệu đồng/ha/năm. Ngoài duy trì 2 nhà máy sản xuất chế biến tinh dầu quế sẵn có, khuyến khích xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến tinh dầu để bao tiêu các sản phẩm quế tại các xã phía Tây Nam huyện Bảo Yên…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến đối với dự thảo về quy hoạch vùng trồng quế và hệ thống các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh. Đối với vấn đề quy hoạch mở rộng diện tích vùng trồng quế, các ý kiến cho rằng, dự thảo cần phân tích cụ thể hơn về nhu cầu tiêu thụ của thị trường, làm căn cứ để mở rộng diện tích trồng quế theo quy hoạch. Để tạo thương hiệu cho cây quế, cần có báo cáo đánh giá hiện trạng và chất lượng quế; có chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư kinh doanh, sản xuất sản phẩm từ cây quế; riêng các giải pháp thị trường cần phải có định hướng cụ thể.
Đại diện Tổ chức Phát triển Hà Lan cho rằng, để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún cần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, phát triển cây quế hữu cơ, phân chia vùng cụ thể và có giải pháp thị trường. Bên cạnh đó, cần có các chuỗi dịch vụ hỗ trợ, như khuyến nông, tư vấn kỹ thuật, thông tin thị trường... phục vụ cho phát triển sản xuất quế tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm qua, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã Xuân Vinh (Xuân Trường) đã phát triển khá nhanh và đạt được kết quả khả quan. Nhiều mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp xuất hiện tạo ra xu thế phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.
Tin đồn mít chích thuốc cho chín nên thị trường tẩy chay, mít các vựa thừa mứa khiến giá tụt dốc thê thảm.
Sản phẩm cà phê ở Cầu Đất, Đà Lạt đã trở thành một trong 7 loại Arabica được Starbucks bán trên toàn thế giới.
Sau khi rớt giá thảm hại vào tháng 4.2015, giá hành tím giống tại Sóc Trăng đến nay lại tăng lên khá cao, báo hiệu một vụ hành mới sôi nổi. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ theo giải pháp thị trường chưa có nhiều chuyển biến, trong khi không thể trông chờ mãi vào cách giải cứu của các “hiệp sĩ”...
Từ miền Tây khăn gói lên mảnh đất Lâm Đồng lập nghiệp, nhờ chịu thương, chịu khó tìm tòi và biết áp dụng kỹ thuật trồng cam. Đến nay, anh Lê Hoàng Minh (35 tuổi, ở xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) đã có một vườn cam sành thu lãi khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.