Lâm Đồng sẽ là trung tâm cà phê Arabica
Một trong 10 mục tiêu chiến lược của tỉnh Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới vừa được xác định là: Xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cà phê arabica của Việt Nam, là một trong những vùng cà phê arabica có chất lượng cao trên thế giới.
Ưu thế
Thứ nhất, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ thứ hai trong cả nước (sau Đăk Lăk). Thứ hai, và có lẽ là quan trọng nhất, Lâm Đồng là địa phương sở hữu một vùng đất có cây cà phê arabica chất lượng cao nhất Việt Nam từ trước đến nay. Và thứ ba, theo chiến lược phát triển đã được hoạch định thì cà phê arabica là loại cây trồng được ưu tiên hàng đầu của tỉnh.
Ngoài định hướng mang tầm chiến lược, trong thời gian gần đây, Lâm Đồng cũng đã tiến hành những công việc cụ thể nhằm đưa thương hiệu cà phê arabica đến với thị trường quốc tế một cách rộng rãi hơn. |
Với ba yếu tố đó, có thể nói, việc xác định xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cà phê arabica của cả nước và là một trong những vùng cà phê arabica chất lượng cao của thế giới là hoàn toàn có căn cứ.
Theo số liệu của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, trong 150.000ha cà phê hiện có của tỉnh, diện tích cà phê arabica chiếm khoảng 10%. Diện tích 15.000ha cà phê arabica của Lâm Đồng hiện đang có mặt ở nhiều địa phương như Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Đam Rông...
TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu: “Cà phê arabica của Lâm Đồng là một thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, diện tích hiện nay của loại cà phê này chưa nhiều, sản lượng hằng năm không đáng kể, đặc biệt là chưa được người nông dân ý thức một cách thực thụ về giá trị của nó.
Do vậy, vấn đề trong lúc này là làm thế nào để người dân cùng với chính quyền xây dựng cho bằng được thương hiệu arabica Đà Lạt - Lâm Đồng mang tầm cỡ quốc tế!”.
Đến lúc này, nhãn hiệu “Cà phê arabica Lang Biang” của huyện Lạc Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) công nhận là nhãn hiệu độc quyền cùng với nhãn hiệu “Cà phê Di Linh” đã được công nhận trước đó.
Đây là một trong 16 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng được công nhận. Cùng với nhãn hiệu “Cà phê arabica Langbiang”, Lâm Đồng còn đang xây dựng nhãn hiệu “Cà phê chè Cầu Đất” - một trong 17 nhãn hiệu sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2020 của tỉnh.
Như vậy, với sản phẩm cà phê, Lâm Đồng đã được công nhận hai thương hiệu (“Cà phê Di Linh” và “Cà phê arabica Lang Biang”) và đang xây dựng thêm một nhãn hiệu (“Cà phê chè Cầu Đất”).
Bắt tay vào việc
Với hai nhãn hiệu liên quan đến cà phê arabica (cà phê chè - nhãn hiệu “Cà phê chè Cầu Đất” là tên gọi dân gian của cà phê arabica), Lâm Đồng đang quy hoạch lại vùng cà phê Lạc Dương khoảng hơn 5.000ha vào năm 2020, trong đó có 4.500ha cà phê arabica (hiện Lạc Dương có 3.400ha cà phê, trong đó có 2.700ha arabica).
Với nhãn hiệu cà phê chè Cầu Đất - nhãn hiệu có từ cách nay hơn trăm năm, cùng với củng cố diện tích cà phê Đà Lạt hiện có (Đà Lạt chủ yếu trồng giống arabica), tỉnh đang cố gắng phục tráng dòng moka ngay tại Cầu Đất và một vài vùng lân cận (moka là một dòng của cà phê arabica được người Pháp trồng thử nghiệm tại Cầu Đất từ hơn 100 năm trước).
Ngoài hai địa phương Lạc Dương và Đà Lạt, theo quy hoạch chung về cây cà phê của tỉnh, diện tích cà phê arabica còn được phát triển ở một vài huyện xung quanh Lạc Dương và Đà Lạt như Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Đam Rông...
Dự kiến vào năm 2020, trong tổng diện tích 150.000ha cà phê của toàn tỉnh Lâm Đồng, diện tích cà phê arabica chiếm khoảng 20% - tăng gấp đôi so với hiện nay (khoảng 30.000ha).
Mới đây, Lâm Đồng đã tổ chức một hoạt động chưa từng có tiền lệ là mở cuộc thi tuyển chọn cà phê arabica ngon của Việt Nam. Ở cuộc thi này, ngoài chính quyền tỉnh, về vấn đề tổ chức, vai trò của 3 đơn vị kinh doanh cà phê trong nước cũng đã được đánh giá rất cao là Cty TNHH UCC Ueshima Coffe, Cty TNHH Là Việt và Cty TNHH Olam Việt Nam.
Tại cuộc thi, 21 mẫu cà phê arabica được tuyển chọn từ các nông hộ đã “so tài” và cuối cùng, giải thưởng trị giá 15 triệu đồng đã được trao cho mẫu cà phê arabica ngon nhất của ông Lê Văn An (Đà Lạt).
Có thể bạn quan tâm
Mấy tháng gần đây, một số nông dân xã Lý Văn Lâm và xã Tân Thành, TP Cà Mau tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật đầu tư thực hiện mô hình nuôi lươn trong bể xi-măng không có bùn đất. Đây là mô hình mới đầy triển vọng, giúp nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Qua 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, vụ HT 2014 khu vực ĐBSCL có 101 DN tham gia ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa trên diện tích 77.420 ha, tăng 15% so với cùng kỳ.
Mô hình nuôi gà chuồng lạnh đang phát triển mạnh tại xã Long Nguyên (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Dù số tiền đầu tư ban đầu lớn nhưng mô hình này đã mang lại lợi nhuận cao và tạo sự yên tâm cho người nuôi, giúp họ vươn lên làm giàu.
Từ đầu tháng 11 âm lịch đến nay, các hộ ngư dân nuôi cá lồng bè trên biển trên đầm Thị Nại tại phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định điêu đứng vì cá giống khan hiếm và giá cao, trong khi đó cá nuôi thương phẩm hạ giá nhưng không có thương lái đến mua.
Vợ chồng anh Huỳnh Tấn Phát ở thôn Khánh Giang là người đầu tiên ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) thực hiện mô hình nuôi heo "khép kín" trên cơ sở đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và hầm biogas. Anh chị đã có nguồn thu đáng kể từ chăn nuôi vừa đảm bảo giữ sạch môi trường.