Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm ăn lớn từ vốn vay bứt phá

Làm ăn lớn từ vốn vay bứt phá
Ngày đăng: 13/05/2015

Tồn tại được ở vùng đất này đã khó, huống chi nghĩ chuyện làm giàu. Thế mà vẫn xuất hiện không ít những tỷ phú nông dân.

Hoài bão lớn

Tôi nhận thấy có điểm chung giữa những triệu phú nông dân trên vùng đất khó nơi địa đầu Tổ quốc mình đã gặp. Đó là sự bứt phát trong tư duy SX, kinh doanh và mạnh dạn vay vốn Ngân hàng NN - PTNT Việt Nam (Agribank) để đầu tư quy mô lớn.

Xã nông thôn mới Việt Lâm (huyện Vị Xuyên) gây ấn tượng với đoàn công tác của chúng tôi ngay từ những con đường rộng thênh thang, rải bê tông bóng nhoáng dẫn lối vào từng ngõ xóm.

Dừng chân trước trang trại của thanh niên Nguyễn Văn Toàn, SN 1984, tiếng kêu eng éc, ụt ịt phát ra từ khu chuồng nuôi lợn như muốn phá tuông bầu không khí lặng yên, tịch mịch của miền quê yên ả.

Chập chững bước vào nghề nông từ việc nuôi hơn chục lợn thịt, lời lãi chẳng bõ bèn so với công sức trông nom, chăm sóc, năm 2010, Toàn vác sổ đỏ của gia đình lên Chi nhánh Agribank huyện Vị Xuyên đặt vấn đề vay 300 triệu đồng nâng lên quy mô trang trại.

Ông Giám đốc Phạm Ngọc Thắng cùng cán bộ tín dụng của Chi nhánh Agribank huyện Vị Xuyên trực tiếp xuống thôn Chang để định giá vật thế chấp. Tính toán chán chê vẫn thấy tổng tài sản của Toàn không quá 100 triệu đồng.

Biết Toàn là thanh niên gương mẫu, hiền lành chịu khó, đặc biệt là có kiến thức chăn nuôi lợn nên ông Thắng “liều” đồng ý cho vay, mặc dù thường trực nỗi lo ngay ngáy.

Chẳng phụ niềm tin của vị giám đốc, Nguyễn Văn Toàn dùng toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để xây dựng chuồng trại, còn vốn vay ngân hàng đầu tư nuôi 30 lợn nái sinh sản và trả chi phí thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm có 700 - 800 lợn giống ra đời, anh giữ lại nuôi hết để xuất thịt thương phẩm.

Nhờ có kiến thức chăn nuôi tốt, đặc biệt là cách phòng, trị bệnh hiệu quả, đàn lợn của anh có tỷ lệ chết rất ít, con nào con nấy khỏe mạnh, háu ăn chóng lớn, lông mượt da hồng ai nhìn vào cũng thích mắt.

Ở những trang trại khác, người ta phải bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng để xây dựng bể chứa phân thải, anh Toàn lại tính “nước cờ” khác: Bán phân tươi cho các chủ vườn cây ăn quả quanh vùng với giá 150.000 đồng/khối để họ ủ phân vi sinh bón gốc cây. Như thế, vừa được lợi kinh tế, vừa giải được bài toán môi trường.

Chủ trại lợn nhẩm tính, trừ chi phí thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh và một số khoản khác, mỗi con lợn sẽ cho lãi khoảng 500.000 - 800.000 đồng.

Toàn bảo rằng: “Ở xã Việt Lâm này không chỉ có mình tôi giàu lên từ chăn nuôi đâu. Mấy năm nay, nhiều thanh niên khác cũng đang vay vốn Agribank để đầu tư chuồng trại nuôi gà, lợn; thu nhập rất khấm khá”.

Ở Hà Giang, nguồn cung thịt lợn bao giờ cũng thấp hơn so với nhu cầu sử dụng, vì thế việc xuất bán rất dễ dàng. Mỗi năm thu lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng với anh Toàn không còn là giấc mơ xa vời nữa.

Sẵn đồng vốn dư giả từ nuôi lợn, anh tiếp tục làm một “cuộc cách mạng xanh”, chuyển đổi 3 ha trồng keo lai và tre kém hiệu quả sang trồng chè và quế. Mai đây, khi những vườn chè nảy búp non mơn mởn, quế tới tuổi cạo vỏ, tôi tin chàng thanh niên chân lấm tay bùn ngày nào sẽ trở thành tỷ phú.

Vay tiền tỷ xây trang trại

Nhắc đến chuyện vay vốn làm giàu ở Vị Xuyên, người ta không thể lờ đi cái tên Trịnh Quốc Huy (tổ 11, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên). Gọi ông là “tỷ phú cam, bưởi” không sai, mà ví là “tỷ phú nuôi lợn” cũng đúng.

Bởi xét về số lượng, quy mô trồng bưởi, cam hay nuôi lợn, trang trại của ông đều đứng nhất huyện. Chúng tôi lạc vào một khu vườn trù phú rộng 5 ha, bốn bề cây trái sum xuê, và khó cưỡng lại lòng khâm phục với tài năng tính toán của ông chủ trang trại.

Ít người có thể tưởng tượng rằng, nơi đây từng là một vùng đất hoang, chỉ có cỏ dại, rắn rết sinh tồn. Sau mấy chục năm lăn lộn mưu sinh ở “xứ sở bạch dương” (nước Nga), vợ chồng ông Trịnh Quốc Huy trở về Việt Nam và dành toàn bộ tài sản tích cóp của mình mua đất lập trang trại.

Sau những tháng ngày bền bỉ cuốc đất lật cỏ, lọc đá, mồ hôi rơi đẫm áo, tay chai sần trong lao động, mảnh đất hoang đã không còn hoang vu nữa.

Đến khi dựng xong một khu chuồng nuôi lợn thịt quy mô 200 con và trồng được 1.000 gốc cam, bưởi, ông Huy bắt đầu cạn vốn.

Nhìn những khu đất trống hoang hoác nằm phơi mưa nắng mà buốt ruột, ông Huy quyết định “đánh quả lớn”, thế chấp toàn bộ tài sản vay 2,8 tỷ đồng của Chi nhánh Agribank Vị Xuyên để đầu tư mua cây giống, xây chuồng trại và phát triển đàn lợn.

Khu vườn cây rộng hơn 4 ha dần được phủ xanh toàn bộ diện tích, không một tấc đất được nghỉ. Từ năm 2012 đến nay, vườn cam, bưởi bắt đầu cho thu hoạch với doanh thu ngày càng tăng.

“Chỉ hai năm nữa thôi, khi toàn bộ gốc cam, bưởi trong vườn đều cho thu hoạch, mỗi năm mình ẵm về vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường”, ông Huy khẳng định.

Khu trại nuôi lợn cũng được mở rộng gấp cả chục lần. Với 144 lợn nái sinh sản, mỗi năm đẻ 2.000 lợn giống, ông giữ lại toàn bộ và nuôi. Mỗi năm xuất bán khoảng 900 tấn lợn. Trừ chi phí còn lãi ít nhất 1 tỷ đồng.

 Ngoài ra, trong khu vườn của ông còn đào 3 ao nuôi cá (rô phi, trắm cỏ, chim trắng…). Đây vừa là khu trữ nước tưới vào mùa khô, vừa góp phần tăng nguồn thu nhập.

Toàn bộ lượng phân thải từ khu chuồng lợn được xử lý qua hệ thống bể biogas lắng lọc 7 tầng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, đến khi thải ra môi trường, nhúng tay vào vẫn không thấy mùi hôi. Nước ấy, ông Huy dùng để tưới cho cam, cây nào cây nấy xanh non mỡ màng.

“Dù nuôi lợn hay trồng cây ăn quả, tôi luôn SX theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi thị trường mình hướng đến là người dân thủ đô. Và, chỉ khi được thị trường thủ đô chấp nhận, thì hàng hóa của mình làm ra mới có giá trị bền vững.

Mấy năm nay, tôi chở chuyến bưởi da xanh xuống Hà Nội lần nào là hết vèo lần ấy, bán 40.000 đồng/quả mà khách tranh nhau mua”, ông Huy chia sẻ.

Agribank tiếp tục khẳng định sẽ đáp ứng đủ vốn cho bà con (nếu có đủ điều kiện vay vốn) để phát triển SX. Mong rằng, không lâu nữa, khi thăm lại Vị Xuyên, chúng tôi sẽ thấy một sự đổi thay kỳ diệu ở mảnh đất kiên cường còn lắm gian nan, nghèo khó này.

Dẫn tôi ra xem khu đất rộng 0,7 ha gần kề trang trại, ông Huy khoe: “Đất này tôi vừa mua đấy. Tôi đã ươm sẵn hơn 1.000 gốc cam Canh để đưa sang đây rồi. Trước đây bà con hay trồng đậu tương, làm giỏi lắm lãi được 30 triệu đồng/năm. Giá trị của nó chỉ bằng 15 - 20 gốc cam canh của tôi thôi”.

Tôi hỏi: “Thửa đất ấy bao nhiêu tiền?”, ông bảo: “300 triệu đồng thôi”. “Vậy ông lấy đâu ra tiền, trong khi còn đang nợ?” Ông cười khì khì nói: “Lại nhờ toàn bộ vào vốn vay của Agribank”.

Bạn của nông dân

Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Hoàng Thanh Tịnh nói với chúng tôi rằng, thu nhập chính của 80% dân số trên địa bàn huyện dựa vào nông nghiệp. Họ có đất, có sức lao động nhưng lại rất thiếu vốn đầu tư để phát triển SX.

Và sự đồng hành của Agribank Hà Giang với bà con trong nhiều năm qua đã góp phần tháo gỡ từng bước những khó khăn đó. Rất nhiều cá nhân đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng để thoát nghèo, làm giàu.

Những năm qua, huyện Vị Xuyên đã trồng thử nghiệm thành công 50 ha cây chanh leo. Cty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đã nhập cuộc cùng nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa.

Cây cam sành trồng ở Vị Xuyên vốn nức tiếng thơm ngon cũng đang được nhân rộng thêm 200 ha trong năm 2015, nâng tổng diện tích trồng cam sành của toàn huyện lên 700 ha. Nhu cầu về vốn đầu tư phục vụ chuyển đổi giống cây trồng đang rất lớn.


Có thể bạn quan tâm

“Cú Hích” Cho Chăn Nuôi Nông Hộ “Cú Hích” Cho Chăn Nuôi Nông Hộ

Trước tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT đã cùng với các bộ, ngành, địa phương bàn thảo và đi đến thống nhất về một chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ - đối tượng dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh.

19/03/2014
Hơn 135 Ha Mì Bị Nhện Đỏ Tấn Công Ở Tây Ninh Hơn 135 Ha Mì Bị Nhện Đỏ Tấn Công Ở Tây Ninh

Vụ Đông Xuân năm 2013 – 2014 nông dân trên địa bàn thành phố trồng khoảng 2.000 ha mì. Trạm Bảo vệ thực vật thành phố Tây Ninh cho biết, hiện có khoảng 135 ha mì ở các xã, phường: Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Thạnh Tân, Tân Bình, Bình Minh bị nhện đỏ tấn công.

22/02/2014
Đề Phòng Bệnh Đạo Ôn Trên Lúa Đề Phòng Bệnh Đạo Ôn Trên Lúa

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) dự báo, từ ngày 17 - 23/3, tại các tỉnh phía Bắc, do điều kiện thời tiết thuận lợi, bệnh đạo ôn tiếp tục gia tăng về diện tích nhiễm và mức độ hại trên trà lúa xuân sớm giai đoạn đẻ rộ.

19/03/2014
Quít Đường Nghịch Vụ Tăng Giá Quít Đường Nghịch Vụ Tăng Giá

Theo nhiều nhà vườn tại Long Mỹ (Hậu Giang), giá quít đường đang ở mức cao do bước vào vụ nghịch, nguồn cung khan hiếm. Thương lái thu mua tại vườn với giá từ 35.000-37.000 đồng/kg (tăng 3.000-5.000 đồng so với tháng trước), giá bán lẻ tại các chợ là 40.000-55.000 đồng/kg.

19/03/2014
Nông Dân Ào Ạt Phá Bỏ Ruộng Mía Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Nông Dân Ào Ạt Phá Bỏ Ruộng Mía Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Do 2 năm liên tục bị lỗ, nên nhiều hộ dân ở Cù Lao Dung sau khi thu hoạch xong đã phá bỏ ruộng mía để chuyển sang nuôi tôm, trồng bắp lai, khoai lang, ổi… Dự kiến vụ mía 2014-2015 sẽ có hơn 500ha mía bị phá bỏ. Theo kế hoạch đến năm 2020, huyện Cù Lao Dung sẽ giảm từ 8.215ha mía hiện nay xuống còn khoảng 4.000ha, bởi cây mía ngày càng kém hiệu quả.

22/02/2014