Lãi Tiền Tỷ Từ Trồng Cải Bó Xôi
Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại và tìm được đầu ra cho sản phẩm, trang trại rau bó xôi của ông Nguyễn Văn Thi thu lãi mỗi năm cả tỷ đồng.
Ngày trước, cũng trên mảnh đất này, đầu tắt mặt tối quanh năm, may mắn lắm, gặp lúc cây rau trúng gia đình ông Nguyễn Văn Thi mới dư được vài chục triệu đồng. Còn khi sâu bệnh hoành hành, mưa bão triền miên, sương muối gây hại, giá cả chạm đáy thì kiếm được vài trăm nghìn đối với ông Thi đã là may mắn. Bạn bè kinh doanh, buôn bán thành công xây biệt thự, tậu xe hơi mà gia đình ông sau nhiều năm vợ chồng con cái đua nhau làm mà nhìn lại vẫn chẳng có gì.
"Chạy vạy đủ tiền để làm một ha nhà kính đạt tiêu chuẩn để canh tác rau công nghệ cao đã làm cho cả nhà tôi toát mồ hôi. Hoàn thành nhà kính, bước vào sản xuất rau bó xôi còn khó khăn hơn nhiều, tôi và vợ lo lắng, phờ phạc cả người", ông Thi bộc bạch.
Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông Thi quyết định phải đổi mới kiểu canh tác, sản xuất hướng tới thị trường tiêu thu sản phẩn có chất lượng và thương hiệu của riêng mình. Quyết đoán, nghĩ là làm, lại được sự ủng hộ của vợ con, nông dân này mạnh dạn xóa bỏ cây bắp sú, xà lách, khoai tây… mà bấy lâu nay vẫn trồng, gia đình ông cũng đoạn tuyệt với kiểu canh tác nhỏ lẻ, mạnh mún để đến với sản xuất rau theo hướng công nghệ cao. Lần này, ông quyết định chuyên sản xuất cây bó xôi để cung cấp cho thị trường TP HCM.
Bao nhiêu vốn liếng tích góp được trong nhiều năm làm nông, vay mượn thêm của bạn bè, người thân trong gia đình, ông Thi chuyển toàn bộ một ha đất ngoài trời thành nông trại rau bó xôi trong nhà kính. Nhưng làm nông công nghệ cao không dễ dàng như ban đầu ông Thi nghĩ. Ngoài việc đầu tư thì yếu tố kỹ thuật canh tác và đầu ra cho sản phẩm cũng là một vấn đề nan giải, không thể thiếu.
Những lứa bó xôi đầu tiên gặp nhiều khó khăn, phần thiếu kỹ thuật canh tác, phần bế tắc đầu ra. Chính vì vậy, ngoài việc cậy nhờ kỹ thuật trồng bó xôi từ những người đi trước, ban đêm vợ chồng ông Thi còn lên mạng mày mò, tìm kiếm những trang thông tin điện tử hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và bảo quản rau sau thu hoạch để đảm bảo rau bó xôi có chất lượng tốt nhất.
Theo ông Thi, rau bó xôi là một cây khó tính, nếu chỉ trồng ngoài trời và chăm bón không đúng quy trình thì rất khó phát triển, khả năng thất bại chiếm tỷ lệ rất cao. Bó xôi cũng là cây thân mềm nên rất khó bảo quản, vận chuyển. Để tiêu thụ ở các tỉnh xa cần phải có xe đông lạnh chuyên dụng. Khó khăn không thể khiến gia đình anh Thi nản lòng. Chịu khó học hỏi, tìm tòi, gia đình ông nhanh chóng nắm vững được kỹ thuật canh tác rau bó xôi để cho ra sản phẩm tốt nhất.
Tuy vậy, đầu ra cho sản phẩm vẫn là vấn đề nan giải, thị trường tiêu thụ vẫn bấp bênh. Kinh nghiệm trồng rau nhiều năm của ông cho thấy, khi bó xôi được giá, thương lái đổ xô tới tranh nhanh thu mua. Lúc rau rẻ, chuyện chủ vườn năn nỉ thương lái thu mua nông sản với giá rẻ bèo để khỏi bị đổ bỏ vẫn thường xuyên xảy ra.
Không thể cứ mãi thụ động ở khâu tiêu thụ, gia đình ông Nguyễn Văn Thi đem rau xuống các chợ đầu mối và một số siêu thị chào hàng. Sau nhiều lần như thế, loại rau chất lượng cao của ông Thi cũng đã bắt đầu được người tiêu dùng tín nhiệm. Nhiều cửa hàng và một siêu thị tại TP HCM đã biết tiếng và đặt hàng. Và cứ thế đơn đặt hàng từ khắp nơi nườm nượp đổ về với những hợp đồng giá bán cao và ổn định, đến với nông trại của ông Thi yên tâm sản xuất.
Giờ đây, ông dân Nguyễn Văn Thi đã thực sự trở thành một ông chủ của trang trại bó xôi dưới chân núi Langbiang sau nhiều năm vật lộn với đủ các loại cây trồng. Để ngày nào cũng có rau bó xôi xuất đi TP HCM, trong một ha nhà kính, ông chủ trang trại này cứ vài ngày lại cho xuống giống một lần.
Hiện mỗi ngày nông trại của gia đình anh Thi cho thu hoạch ổn định 7 tạ rau một ngày. Với giá cả thị trường ổn định, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu lãi gần 100 triệu đồng một tháng. Ông Thi tiết lộ: “Trước đây, cũng với diện tích đất này, cả nhà làm mờ mắt nếu trúng mùa được giá cũng chỉ được chút đỉnh. Thú thật, từ khi chuyển sang trồng bó xôi trong nhà kính mỗi năm trừ mọi chi phí đầu tư, ăn uống, nuôi công nhân,tôi còn bỏ túi cả tỷ đồng”.
Yếu tố giúp ông thành công đó chính là dám nghĩ, dám làm và kiên trì học hỏi, xúc tiến mở rộng thị trường. “Lúc đầu mới trồng đúng là gặp vô vàn khó khăn nhưng khi có kỹ thuật rồi, mình trồng và chăm sóc đúng quy trình thì cây đã phát triển tốt. Điều quan trọng là phải hết sức lưu ý khâu chọn giống và sử dụng phân bón. Chất lượng sản phẩm tốt, người tiêu dùng tin chọn thì tự khắc các đầu mối nhận bao tiêu sản phẩm họ tự tìm tới với mình thôi. Giờ đây, nông trại rau sạch của tôi phần lớn là cung cấp ổn định cho BigC và Metro”,ông Thi chia sẻ.
Nói về nông trại trồng rau bó xôi của gia đình ông Thi, ông Trần Phi, một cán bộ khuyến nông xã Lát cho biết, đây là mô hình trồng rau bó xôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao có quy mô và bài bản nhất tại địa phương. Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm với hệ thống siêu thị là mô hình hay. “Chúng tôi nghiên cứu, xem xét để nhân rộng mô hình của gia đình anh Thi cho người dân địa phương, hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích", ông Trần Phi nói.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh vừa có có văn bản giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện/thành phố/thị xã khẩn trương triển khai theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đối phó với ảnh hưởng của El Nino.
Quả lê để 5 tháng nhưng chỉ hơi héo mà PGS-TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, công bố mới đây khiến dư luận càng thêm lo ngại về các chất độc hại trong trái cây Trung Quốc.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 80% diện tích lúa hè thu. Không khí lao động dường như không hề ngơi nghỉ trên những cánh đồng mùa gặt. Tin bão ngoài biển Đông báo về trên loa phát thanh vọng ra từ làng như dồn dập, hối thúc bà con nông tăng tốc thu hoạch gọn lúa hè thu…
Nhiều đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như: cá rô phi, ba ba, tôm càng xanh… đặc biệt con cá lóc bông được thị trường ưa chuộng đem lại thu nhập cao, ổn định, được xác định là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của nông dân Nghĩa Hưng.
“Thời buổi kinh tế khó khăn, số tiền 30 triệu đồng mà Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) cho vay hết sức ý nghĩa với gia đình tôi. Có vốn, tôi sửa sang lại chuồng trại và đầu tư thêm thức ăn cho đàn gà”- ông Đỗ Trọng Bình (thôn Bình Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tâm sự.