Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Các Trang Trại, Gia Trại Khôi Phục Chăn Nuôi Sau Lũ

Các Trang Trại, Gia Trại Khôi Phục Chăn Nuôi Sau Lũ
Ngày đăng: 07/12/2013

Cơn lũ lịch sử vào giữa tháng 11 vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi tại nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định. Hiện nay, người chăn nuôi đang tìm cách vượt qua khó khăn, nỗ lực khôi phục chăn nuôi để kịp có sản phẩm cung ứng cho thị trường Tết Giáp Ngọ 2014 sắp đến.

Đàn gia súc, gia cầm bị thiệt hại nặng

Nước lũ đã rút hơn nửa tháng nay nhưng ông Hồ Xuân Đẩu, chủ trang trại nuôi 8.000 con gà mái đẻ ở thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) vẫn chưa hết bàng hoàng. Lũ lụt đã làm chết đàn gà đẻ trứng và gà giống hậu bị hơn 2.200 con của ông; trên 17 tấn thức ăn chăn nuôi dự trữ đã bị ướt, lên mốc, thiệt hại hoàn toàn, tổng giá trị thiệt hại gần 2 tỉ đồng. Sau khi nước rút, ông Đẩu tập trung tu sửa chuồng trại, phun thuốc xử lý môi trường, khôi phục chăn nuôi.

Ông Đẩu tâm sự: Cơn lũ vừa qua khiến trang trại chăn nuôi của tôi thiệt hại nặng quá. Bao nhiêu vốn liếng, công sức và đặc biệt là nguồn gà giống gầy dựng gần 20 năm nay coi như đã “đi tong” trong cơn lũ, không kịp trở tay. Hiện nay, tôi muốn tái đàn cũng khó vì thiếu vốn đầu tư, nguy cơ tái phát dịch bệnh trên vật nuôi lại khá cao. Nói vậy nhưng cũng phải tìm đủ mọi cách để khôi phục chăn nuôi, và cũng trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước...

Anh Bùi Văn Tám, chủ một gia trại chăn nuôi gà thịt tại thôn Công Chánh, thị trấn Tuy Phước, cho biết: Đàn gà thịt 2.000 con tôi nuôi để bán vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ bị nước lũ ngập chết 300 con, thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Hiện, tôi đang cố gắng chăm sóc đàn gà còn lại mong gỡ lại chút ít để trang trải vào dịp cuối năm.

Những thiệt hại về chăn nuôi của người dân trong cơn lũ lớn vừa qua khá nặng nề, rất cần được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng nhằm giúp người dân khôi phục sản xuất. Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết:

Đợt lũ lụt vừa qua đã làm chết và cuốn trôi đàn gia súc trên địa bàn huyện 757 con, đàn gia cầm 151.764 con, tổng giá trị thiệt hại hơn 16 tỉ đồng. Hiện nay, huyện đang vận động người chăn nuôi khôi phục sản xuất; đồng thời tiến hành thống kê những thiệt hại và đề nghị lên cấp trên để hỗ trợ phần nào bù đắp thiệt hại của bà con.

Riêng tại An Nhơn, thống kê của Phòng Kinh tế thị xã cho thấy, đợt lũ lụt vừa qua đã làm chết và cuốn trôi 2.840 con gia súc, 93.388 con gia cầm với giá trị thiệt hại hơn 12 tỉ đồng. Nhiều hộ gia đình đang lâm cảnh khó khăn do không còn vốn để tái đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho biết: Để khôi phục chăn nuôi, ngay sau khi nước rút, các địa phương đã nhanh chóng tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ các khu vực chăn nuôi, khu vực có gia súc, gia cầm (GSGC) bị chết do lũ lụt. Người dân các địa phương đã khẩn trương sửa chữa, khôi phục chuồng trại chăn nuôi.

Trạm Thú y thị xã và các địa phương cũng đã tổ chức tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm cho vật nuôi và kiểm soát chặt việc mua bán, giết mổ GSGC, đặt mua con giống bảo đảm sạch bệnh hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lúc này là người chăn nuôi đang thiếu vốn để tái đàn. Vì vậy, thị xã rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ vốn vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng để người dân có điều kiện khôi phục sản xuất.

Tăng cường hỗ trợ người chăn nuôi

Việc khôi phục chăn nuôi sau lũ lụt là rất cấp thiết để bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm cho nhân dân vào dịp cuối năm. Vì vậy, ngay sau khi nước lũ rút, ngành Nông nghiệp tỉnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người chăn nuôi phục hồi sản xuất.

Hiện nay, bên cạnh thống kê, đánh giá thực tế nguồn con giống, số lượng giống còn thiếu, nguồn thức ăn tự nhiên còn lại để phục vụ cho sản xuất trước mắt, công tác hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại trong mưa lũ đang được khẩn trương triển khai tại các địa phương trong tỉnh. UBND tỉnh cũng đã đề nghị Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh 1,5 triệu liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, “tai xanh”, dịch tả; 6 triệu liều vắc xin cúm gia cầm để phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC.

Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở NN-PTNT, các địa phương đang thống kê lại cụ thể đàn GSGC của từng trang trại, gia trại để kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ thiệt hại theo quy định.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt đã được Chi cục đặc biệt quan tâm, nhằm giữ ổn định không để dịch bệnh bùng phát. Vừa qua, Chi cục đã phân bổ cho các địa phương trong tỉnh 4,5 tấn thuốc sát trùng BKA, 750 lít thuốc Bencosit để triển khai công tác tiêu độc sát trùng chuồng trại, cơ sở chăn nuôi, các ổ dịch bệnh cũ.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã hỗ trợ vắc xin để tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm như: lở mồm long móng, “tai xanh”, dịch tả, cúm gia cầm…; đồng thời đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới giúp người chăn nuôi nhanh chóng khôi phục sản xuất một cách nhanh nhất.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ong Lấy Mật Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ong Lấy Mật

Nuôi ong lấy mật không phải là nghề mới ở Bắc Ninh. Trong nhiều năm qua, nghề này chưa có bước phát triển đáng kể bởi những người nuôi ong trong tỉnh chủ yếu vẫn nuôi với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Vài năm gần đây, diện tích vườn đồi, rừng và trang trại trồng trọt của tỉnh đã tăng lên đáng kể, cây cối phát triển xanh tươi, trong đó có nhiều loại cây là nguồn mật cho ong... Một số hộ nông dân tại các địa phương như Phật Tích, Việt Đoàn (Tiên Du), Nam Sơn (T.P Bắc Ninh) và Tân Lãng (Lương Tài)... đã biết tận dụng cơ hội phát triển nghề nuôi ong và đem lại nguồn thu nhập cao, trong khi chi phí đầu tư không lớn.

04/11/2013
Cây Sen Hiệu Quả Kinh Tế Và Giải Quyết Việc Làm Ở Đồng Tháp Cây Sen Hiệu Quả Kinh Tế Và Giải Quyết Việc Làm Ở Đồng Tháp

Nhiều năm đứng trên đất lúa ở huyện Tháp Mười, Cao Lãnh (Đồng Tháp)... cây sen đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

23/04/2013
Giá Tôm Nguyên Liệu Tăng Nhưng Vẫn Thiếu Nguồn Cung Ở Cà Mau Giá Tôm Nguyên Liệu Tăng Nhưng Vẫn Thiếu Nguồn Cung Ở Cà Mau

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá tôm nguyên liệu ở tỉnh Cà Mau tăng mạnh. Tôm loại 1 cỡ 20 con/kg tăng từ 230.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg. Tôm nguyên liệu loại 25 – 30 con/kg giá từ 180.000 đồng lên 220.000 đồng/kg.

24/04/2013
Triển Khai Mô Hình Cánh Đồng Mía Mẫu Áp Dụng Cơ Giới Hóa Triển Khai Mô Hình Cánh Đồng Mía Mẫu Áp Dụng Cơ Giới Hóa

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, mô hình cánh đồng mía mẫu áp dụng cơ giới hóa được triển khai trong niên vụ mía 2013-2014 trên 40ha tại các xã Ea Ly (Sông Hinh) 10ha, Ea Chà Rang (Sơn Hòa) 10ha và Xuân Quang 1 (Đồng Xuân) 20ha.

24/04/2013
Làm Giàu Từ Trồng Cây Ăn Quả, Nuôi Ong Lấy Mật Làm Giàu Từ Trồng Cây Ăn Quả, Nuôi Ong Lấy Mật

Đến thăm mô hình trang trại trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật của hộ ông Hoàng Văn Tung, xóm Lý Nhân xã Bá Xuyên (T.X Sông Công - Thái Nguyên), chúng tôi cảm phục nghị lực và ý chí của người nông dân chăm chỉ này. Bằng sức lao động của chính mình, vợ chồng ông Tung đã xây dựng lên mô hình kinh tế hiệu quả cho doanh thu xấp xỉ 700 triệu đồng mỗi năm.

25/04/2013