Trồng Ca Cao Xen Dừa Ăn Chắc Mặc Bền
Mặc dù nhiều nơi, do giá cả không ổn định, bà con chặt bỏ cây ca cao trồng các loại cây khác nhưng ở Bến Tre nhiều hộ trồng ca cao xen trong vườn dừa vẫn duy trì diện tích và đem lại hiệu quả cao.
Điển hình là hộ ông Trần Văn Lộc ở xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc hay hộ ông Bùi Văn Hoàng ở xã Hữu Định, huyện Châu Thanh, tỉnh Bến Tre.
Ông Trần Văn Lộc trồng ca cao năm 2006 từ dự án của Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre với 500 gốc ca cao. Sau thấy hiệu quả ông mua thêm 500 cây nữa trồng xen vào vườn dừa 1,2ha. Lúc đầu vì ca cao còn nhỏ cần che bóng râm và để lấy ngắn nuôi dài, ông trồng xen thêm 1.400 cây đu đủ, 150 cây măng cụt cùng 240 cây dừa dứa.
Sau 7 tháng trồng ông có thu nhập từ cây đu đủ, đến 18 tháng cây đu đủ tàn thì ca cao cho trái thu hoạch với hiệu quả tăng dần qua hàng năm. Đến nay, sau 7 năm trồng, ông quy hoạch chỉ còn lại dừa trồng xen ca cao vì cây măng cụt thu nhập thấp chỉ bằng 15% so với ca cao nên ông bỏ.
Ông Lộc, ông Hoàng cho biết, do vườn ca cao có năng suất nên trong điều kiện giá có xuống đến mức thấp nhất còn 3.000 đồng/kg trái tươi trong mấy tháng trước, các ông vẫn có lời. Hiện tại Bến Tre giá ca cao khô lên men là 55.000 đồng/kg, ca cao tươi là 4.200 đồng/kg, tăng gần 50% so với cách đây vài tháng làm cho các ông càng có lợi nhuận nhiều hơn.
Ước tính với năng suất từ 1,5 tấn hạt khô ca cao/ha, doanh thu đạt được là hơn 80 triệu đồng/năm/ha. Tuy nhiên do là vườn ca cao trồng xen nên các ông còn có thêm thu nhập từ dừa khoảng 50 – 60 triệu đồng/năm/ha nữa. Ông Lộc thường nói đùa với bạn bè: “Dừa là cây chín, ca cao là mười”. Sau khi trừ các chi phí, tổng lợi nhuận còn lại gia đình ông Lộc đạt được bình quân hàng năm là 120 triệu đồng.
Lợi nhuận như thế theo ông Lộc, ông Hoàng là khá thích hợp với khả năng lao động của người lớn tuổi như ông vì ca cao và dừa đều không tốn nhiều công chăm sóc. Khi chăm sóc ca cao cũng góp phần chăm sóc dừa, một công đôi việc. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao trồng xen ca cao trong vườn dừa, ông Lộc cho rằng vẫn phải học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè, sách báo, các lớp khuyến nông,… Bản thân ông Lộc cũng có quyết tâm với nghề của mình.
“Trồng ca cao cũng như các cây trồng khác phải chăm sóc (bón phân, tỉa cành) mới cho năng suất và hiệu quả cao. Nó cũng như đứa con của mình, phải chăm sóc kỹ càng, thương yêu và đầy tính trách nhiệm. Không bỏ lúc nó hư hay gặp khó khăn, như lúc giá xuống, thì đảm bảo nó cũng sẽ thương yêu và trả công lại cho mình” – ông Lộc ví von.
Có thể bạn quan tâm
Gia đình ông Nguyễn Vân ở thôn 8 hiện có hơn 1.000 trụ tiêu đều phát triển tốt, nhiều năm nay, trung bình luôn cho sản lượng 4 tấn. Theo ông Vân thì hồ tiêu là cây trồng khó tính, đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ chặt chẽ những kỹ thuật trong tất cả các khâu từ chọn giống, chuẩn bị đất đai, trồng và chăm sóc.
Đầu năm 2014, bản Nậm Nèn 1, xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà bắt đầu xuất hiện một số mô hình nuôi tằm ăn lá sắn. Đến nay, sau hơn nửa năm, các mô hình ấy đều đang phát triển tốt, người dân đã thu hoạch được nhiều lứa tằm thịt, tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể trong thời điểm nông nhàn.
Dù mới được thành lập và đi vào hoạt động được gần 2 năm nhưng mô hình Câu lạc bộ (CLB) giống cây trồng tại xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ giống, kinh nghiệm sản xuất cho nông dân trong xã. CLB cũng góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống hội viên nông dân trên địa bàn.
Theo bà con nông dân, năng suất hoa màu năm nay tương đối khá nhưng giá cả bấp bênh, đặc biệt là càng gần cuối vụ, một số loại hoa màu như hành lá, ớt, bắp lai rớt giá nên bà con có lãi ít, thậm chí một số diện tích phá huề.
Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm sạch và an toàn trở thành bức thiết đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại là khi người nông dân bắt đầu sản xuất rau an toàn thì họ lại vướng phải nhiều rào cản từ thị trường tiêu thụ.