Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá trắm cỏ

Kỹ Thuật Ương Cá Trắm Cỏ Giống

Kỹ Thuật Ương Cá Trắm Cỏ Giống
Ngày đăng: 30/08/2013

1.Chọn và chuẩn bị ao ương

Chọn ao ương tốt nhất là hình chữ nhật, ao ương cá từ cá hương lên cá giống có diện tích từ 300-500m2; nhưng diện tích ao ương cá giống thích hợp nhất từ 1.000-2.000m2, mức nước trong ao từ 1,2-1,5m. Chất đáy ao là đất cát hoặc pha cát; độ dày bùn đáy từ 10-15cm, nhưng không có bùn đáy ao càng tốt vì ao nuôi cá trắm cỏ giống không yêu cầu phải gây màu nước như ương cá mè trắng. Ao ương gần nguồn nước, nguồn nước cấp cho ao ương phải đảm bảo là nguồn nước sạch, đảm bảo đạt các yếu tố về môi trường;

Trước khi san cá hương sang ao để nuôi lên giống khoảng từ 5-7 ngày tiến hành các bước như tháo cạn nước ao, tát gạn, bắt hết cá tạp, vét bớt lớp bùn đáy, đảm bảo lớp bùn đáy ao; nếu để lớp bùn đáy quá dày dẫn đến hiện tượng các chất dinh dưỡng trong ao ương dễ bị lớp bùn đáy hấp thụ do vậy những ao có lớp bùn đáy quá dày thường gây màu nước là thức ăn tự nhiên của cá rất khó; sau đó san đáy ao cho phẳng có độ dốc đáy ao thoải dần về phía cống thoát; dùng vôi (CaO; Ca(OH2…) tẩy ao với lượng 10-15 kg/100m2 để tẩy độc cho ao và khử chua; mức độ sử dụng vôi cho từng ao phụ thuộc vào độ pH của ao, sau đó phơi đáy ao khoảng 3-5 ngày.

Cấp nước vào ao ương trước khi thả cá hương, tuy nhiên đối với ao ương cá hương cấp nước vào ao trước 5-10 ngày vẫn có thể thả cá được, không phải tát gạn làm lại ao như giai đoạn ao ương từ bột lên hương; nhưng rất khoát phải quản lý tốt môi trường ao nuôi không để ếch, nhái sinh sản trong ao ương. Nước cấp vào ao phải qua lọc để tránh sinh vật có hại và các loại cá khác vào ao sẽ cạnh tranh thức. Ao ương cá giống trắm cỏ không phải bón các loại phân để gây màu nước; vì vậy có thể cấp đủ mức nước ao ngay từ đầu sau đó thả cá vào ao ương.

2.Thả cá hương

Tiêu chuẩn của cá hương khi thả: Cá có kích thước chiều dài cơ thể 2,5-3cm. Mật độ ương là: 2.500-3.000 con/100m2ao; các giai đoạn ương sau đó thì giảm dần mật độ nuôi. Cá trắm cỏ ương sau 25-30 ngày thì đạt kích thước cá thể từ 5-6cm và khối lượng đạt 4-5g/con; tiếp tục ương lên cỡ cá giống lớn hơn; thời gian ương nuôi từ 78-80 ngày kích thước cá thể đạt 10-12cm/con và khối lượng  35-40g/con; trong thời gian ương nuôi ở giai đoạn này có thể thả ghép với một số loài cá giống khác với tỷ lệ: 60-70% cá trắm cỏ, 25-30% cá mè trắng, mè hoa và 5-10% là cá chép và cá trôi; tỷ lệ sống của cá đạt 70-80%.

Sau khi ao ương có độ sâu mực nước đạt 0,8-1,0m thì thả cá hương, trong suốt quá trình ương nuôi duy trì mức nước 1,2-1,5m. Thời gian thả cá hương tốt nhất vào lúc trời mát trong ngày, buổi sáng từ 7-9h và buổi chiều tối từ 18-20h. Khi thả cá nên chọn vị trí như nơi đầu hướng gió, nơi cấp nước hoặc điểm nước sâu và đáy ao ít bùn nhất. Trước khi thả cá chú ý cân bằng nhiệt độ trong và ngoài bao chứa cá để tránh hiện tượng cá bị sốc nhiệt dẫn đến cá yếu và chết bằng cách ngâm bao cá trong ao ương 10-15 phút sau đó mở bao túi cho nước từ từ váo túi, mở miệng túi dần dần, quan sát hoạt động của cá trong bao chứa trước khi thả cá ra ao ương.

3.Đánh giá chất lượng cá hương

Cá hương phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn về kích thước cá thể cũng như khối lượng; cỡ cá phải đồng đều, thân hình cân đối, không bị dị hình, dị dạng; cá có màu xanh sẫm, vây, vẩy hoàn chỉnh không bị sây sát và mất nhớt; cá bơi lội, hoạt động nhanh nhẹn, có phản xạ tốt với tiếng động; có thể cho một số cá ra thau quan sát thấy cá bơi thành đàn, vòng tròn quanh thau là đạt. Trước khi đưa cá về ao ương sử dụng muối ăn hoặc thuốc tím để tắm cho cá với liều lượng: nước muối 2-3%, thời gian 3-5 phút hoặc sử dụng thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 1g thuốc hòa trong 50-100 lít nước, thời gian tắm 10-12 phút để cá chóng lành các vết thương, loại bỏ các loại ký sinh trùng bám trên cơ thể cá. Sau khi tắm xong cho cá, cho cá về ao ương nuôi phải thao tác nhẹ nhàng, nhanh chóng.

Sau 2-3 ngày nuôi chú ý đến mức độ sử dụng thức ăn của cá nhất là thức ăn xanh (bèo tấm) để cung cấp thức ăn hằng ngày cho phù hợp.

4.Quản lý và chăm sóc ao ương

Đặc điểm dinh dưỡng của giai đoạn này là cá sử dụng thức ăn  xanh (chủ yếu là bèo tấm); sau đó là các loại rong (thực vật thủy sinh thượng đẳng) hoặc các loại lá xanh trên cạn, các loại cỏ. Các loại thức ăn xanh này (ngoài bèo tấm) phải được thái nhỏ vừa cỡ mồi cá mới sử dụng được. Ở giai đoạn này cá trắm cỏ có hiện tượng sinh trưởng không đều, đặc biệt là trong môi trường ao nuôi thiếu thức ăn. Vì vậy khi cá đã sử dụng tốt thức ăn xanh thì cho cá ăn thỏa mãn trong ngày; theo dõi thức ăn xanh trong ao nuôi từ khi cho thức ăn xanh cho đến sáng hôm sau lượng thức ăn xanh trong ao hết hoặc còn một ít là đạt; tốt nhất cho thức ăn xanh vào khung chứa thức ăn.

Chủ động thức ăn xanh bằng cách ương nuôi bèo tấm: Chủ động thức ăn xanh cho cá rất quan trọng; ngoài việc tìm kiếm nguồn thức ăn xanh có sẵn ngoài tự nhiên người nuôi cá phải tạo nguồn thức ăn bằng cách nuôi bèo tấm như: Chọn diện tích ao vừa phải 100-200m2, mặt ao có độ che phủ tốt của bóng cây, ao không cần nguồn nước lưu thông (ao tù); thả một lượng bèo tấm làm giống khoảng 1/3-1/4 diện tích ao; bổ sung thức ăn cho bèo bằng đạm vô cơ hoặc Kali (thay bằng tro bếp). Khi bèo sinh sản phủ kín mặt ao thì thu hoạch dần cho cá ăn;

Thức ăn tinh: giai đoạn này  điều chỉnh theo tuần nuôi (theo biểu dưới đây) tương ứng với kích thước cá thể; thức ăn tinh của cá gồm: thức ăn công nghiệp dạng viên nhỏ vừa cỡ miệng cá sử dụng được và có hàm lượng đạm 25-30% hoặc sử dụng thức ăn tự phối chế dạng bột như: Cám gạo, bột đậu tương, bột mì, bột ngô, khô dầu lạc và bột cá nhạt nhưng phải đảm bảo chất lượng thức ăn sau phối chế có hàm lượng đạm đạt 25-30%.

Bảng sử dụng thức ăn cho cá trắm cỏ: Tính cho 10.000 con

Kích thước cá thể

(cm)

Lượng thức ăn xanh

(kg/ngày)

Lượng thức ăn tinh

(kg/ngày)

2,5-6

30-40

1,2-1,5

6-12

60-80

3-4

12-15

80-90

4-5

Hàng ngày phải kiểm tra tình hình sử dụng thức ăn xanh và thức ăn tinh của cá để điều chỉnh cho hợp lý. Khi cá sử dụng hết thức ăn thì ngày hôm sau phải tăng thêm. Cá sử dụng thức ăn này nhiều hơn thức ăn khác, ngày hôm sau phải thêm bớt cho phù hợp. Nếu các loại thức ăn đều không sử dụng hết thì số lượng quá nhiều hoặc cá có hiện tượng không bình thường phải kịp thời tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết. Giai đoạn này sinh vật phù du vẫn có vai trò trong khẩu phần ăn của cá nhưng đóng vai trò thứ yếu.

Quản lý ao ương: Yếu tố môi trường và địch hại là hai yếu tố quyết định đến tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng, phát triển của cá do đó người nuôi cá phải thường xuyên thăm ao nhất là buổi sáng sớm; nếu thấy cá nổi đầu buổi sáng từ 5-7 giờ khi mặt trời chưa mọc đó là hiện tượng tốt, nhưng khi cá nổi đầu quá lâu đến 9-10 giờ sáng không lặn điều đó chứng tỏ rằng trong môi trường nước ao không đủ hàm lượng ôxy cho cá hô hấp hoặc chất lượng nước không tốt phải kịp thời xử lý. Vì vậy phải định kỳ bổ sung cấp nước mới vào ao ương, khi cấp nước vào ao phải qua lọc để tránh địch hại và các loại cá khác vào ao và thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp.

5. Ghi chép và phân tích dữ liệu ao ương cá giống

Ghi chép đầy đủ các chỉ tiêu, theo dõi trong nhật ký quá trình ương nuôi cá như: Môi trường ao nuôi; tình trạng sức khỏe, hoạt động của cá; thức ăn; thuốc, chế phẩm sinh học sử dụng; thời gian bổ sung hoặc cấp nước mới vào ao ương; từ 5-10 ngày kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá một lần để biết được chất lượng, số lượng thức ăn, tình trạng sức khỏe của cá và điều kiện môi trường ao ương để điều chỉnh cho phù hợp;

Phân tích số liệu kỹ thuật dựa trên nhật ký nuôi cá để có các giải pháp xử lý kịp thời trong quá trình ương nuôi cũng như đúc rút kết kinh nghiệm cho vụ ương nuôi kế tiếp;

Tổng hợp kết quả tỷ lệ sống ao ương sau một đợt ương nuôi để đánh giá các định mức kỹ thuật, chi phí giá thành và hiệu quả kinh tế.

5. Thu hoạch cá giống

Sau thời gian ương nuôi 25-30 ngày, cá đạt kích cỡ 4-6cm thì thu hoạch; có thể bán hoặc san sang ao khác để đảm bảo đủ mật độ nuôi đến khi cá đạt kích thước 12-15cm/con .Trước khi thu hoạch, phải quấy dẻo, luyện ép cho cá trước 2-3 ngày; trước khi luyện ép không cho cá ăn thức xanh và cả thức ăn tinh; khi luyện ép cá dùng lưới mềm kéo dồn cá từ từ 2/3 ao; 1/2 ao và 1/3 ao; thời gian một lần luyện ép cá ngày đầu, lần đầu 30 phút và tăng dần thời gian luyện ép cá của những ngày sau. Khi thu hoạch cá giống dùng lưới sợi mềm để kéo cá; các thao tác làm phải nhanh nhưng nhẹ nhàng, khéo léo tránh làm xây xước cá.


Có thể bạn quan tâm

Đánh giá ảnh hưởng của lá cây màng tang lên khả năng kháng bệnh do vi khuẩn Đánh giá ảnh hưởng của lá cây màng tang lên khả năng kháng bệnh do vi khuẩn

Đánh giá ảnh hưởng của lá cây màng tang lên khả năng kháng bệnh do vi khuẩn (Aeromonas hydrophyla) của cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella)

29/10/2019
Tác động của Lipid đến chức năng miễn dịch ruột của cá trắm cỏ Tác động của Lipid đến chức năng miễn dịch ruột của cá trắm cỏ

Cá trắm cỏ tên khoa học là Ctenopharyngodon idella là một loài cá thuộc họ Cá chép (Cyprinidae).

16/04/2020
Kích thích miễn dịch an toàn trên cá trắm cỏ Kích thích miễn dịch an toàn trên cá trắm cỏ

Cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella) là loài cá nước ngọt đặc sản được nuôi phổ biến ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Cá trắm cỏ là loài cá dễ nuôi

25/04/2020
Ứng dụng men vi sinh để tăng tốc độ tăng trưởng cho cá rô phi Ứng dụng men vi sinh để tăng tốc độ tăng trưởng cho cá rô phi

Kết hợp giữa Spirulina platensis và Bacillus amyloliquefaciens cho thấy những tác động tích cực rõ rệt lên các chỉ số tăng trưởng của cá rô phi.

11/08/2020
Phòng, trị bệnh trên cá trắm cỏ Phòng, trị bệnh trên cá trắm cỏ

Bệnh đốm đỏ thường gặp ở cá trắm cỏ hơn 1 năm tuổi, là loại bệnh truyền nhiễm do các loài vi khuẩn Aeromonas di động, bao gồm A.hydrophyla, A.caviae, A.sorbriad

07/01/2021