Kỹ Thuật Thu Hoạch Bảo Quản Ngô Quy Mô Hộ Gia Đình Ở Lào Cai
Ngô là một trong những cây lương thực quan trọng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai với diện tích trên 31 ngàn ha, chiếm 14% tổng diện tích trồng cây hàng năm, sản lượng đạt trên 100 ngàn tấn, năng suất bình quân 33 tạ/ha(năm 2010)
Ngô cung cấp lương thực đảm bảo cuộc sống cho người dân, nhất là người dân ở các huyện vùng cao, vùng sâu và là nguồn thức ăn tinh, thô xanh phục vụ cho ngành chăn nuôi. Nhưng trên thực tế trong sản xuất, người dẫn còn gặp nhiều tổn thất về sản lượng, chất lượng của hạt ngô do quá trình thu hoạch, bảo quản.
Hiện nay, nhiều hộ gia đình vẫn tiến hành thu hoạch, bảo quản theo phương pháp thủ công, truyền thống như: Khi ngô đến thời điểm thu hoạch thường để treo đèn trên nương cho tới khi khô mới thu hái, độ ẩm ngô đem vào bảo quản còn ở mức cao, dụng cụ bảo quản chưa đảm bảo... dẫn đến nấm mốc, côn trùng và các yếu tố ngoại cảnh như nhiệt độ, độ ẩm... có cơ hội xâm nhập gây hại.
Để khắc phục hiện tượng trên xin được giới thiệu với bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai về kỹ thuật thu hoạch và bảo quản ngô quy mô hộ gia đình như sau:
Thu hoạch ngô
- Thu hoạch ngô tốt nhất là khi ngô chín già (Râu ngô khô, đen, bẹ ngô chuyển từ màu xanh sang màu vàng rơm);
- Thu hoạch vào những ngày trời nắng đem về rải mỏng trên sân rồi phơi tới khi khô;
- Gặp ngày khô, nắng cần nhanh chóng thu hái ngô đã già (chín) về rải mỏng phơi khô. Nếu ngô chín gặp phải đợt mưa dài ngày, cần vặt râu, bẻ gập bắp ngô chúi xuống để nước mưa không thấm vào bên trong làm thối hỏng hạt ngô, đến khi nắng ráo sẽ thu ngô về phơi;
- Thu ngô về nên dải đều trên sàn nhà hoặc nền bê tông, không nên đổ đống vì ngô tươi có độ ẩm cao dễ bị bốc nóng gây thối mốc.
Kỹ thuật làm khô
Ngô hạt không có vỏ trấu, nếu điều kiện bảo quản không tốt (ngô chưa chín già, phơi chưa thật khô, dụng cụ chứa đựng không kín...), ngoài ra chim, chuột, mốc, mọt có thể phá hỏng hoàn toàn cả kho ngô trong vòng vài ba tháng. Vì vậy cần làm ngô khô đến độ ẩm 12-13% để có thể bảo quản an toàn, hạn chế mức độ hư hỏng;
Có thể làm khô ngô bằng biện pháp phơi nắng hoặc sấy.
- Phơi nắng: Phơi ngô là cách làm khô đơn giản, dễ áp dụng rộng rãi, đầu tư ban đầu thấp.
Phơi ngô trên sàn hoặc dàn phơi.
- Có thể phơi cả bắp cho đến khi đạt độ khô cần thiết cho quá trình bảo quản. Trước khi phơi bắp ngô phải được bóc bỏ hết lá bẹ và râu ngô. Có thể sử dụng lá bẹ để bó nhiều bắp thành túm treo phơi và bảo quản nguyên bắp.
+ Chiều dày lớp bắp (hoặc hạt) phơi khoảng 5-10 cm, cách 1 giờ đảo 1 lần.
+ Phơi ngô thật khô: Kiểm tra bằng cách cắn hay đập thấy hạt vỡ vụn thành các mảnh sắc cạnh là độ ẩm ngô đạt yêu cầu sau đó sàng sảy sạch tạp chất và loại bỏ hạt non, hạt lép và mang đi bảo quản.
+ Sân phơi: Sân phơi phải khô, sạch, thoáng, dễ thoát nước. Nên láng thêm một lớp xi măng sẫm màu và tạo độ dốc thoát nước mưa cho sân. Trên sân đất phải lót cót, bạt hoặc tấm nhựa (màu càng sẫm càng tốt).
+ Dàn phơi: Sử dụng dàn phơi làm tăng diện tích sân phơi, dễ thu gom ngô hàng ngày hoặc khi mưa dông bất thường. Thuận lợi nhất là dùng dàn phơi làm thêm bánh xe. Dàn phơi làm bằng tre, gỗ hoặc sắt thép. Mỗi dàn có 5-7 tầng. Các tầng có thể điều chỉnh độ nghiêng theo hướng ánh sáng mặt trời. Mỗi tầng đặt nhiều khay phơi (như nong, nia hoặc sàng kim loại...).
- Kho, lều hong ngô: Dùng để hong ngô bắp khi thời tiết thu hoạch không thuận lợi, phù hợp với hoàn cảnh không có lò sấy, máy sấy, thích hợp với việc tạm thời bảo quản ngô bắp. Kho, lều hong ngô chủ yếu dùng để bảo quản ngô bắp tạm thời chờ nắng, như ở một số huyện vùng cao có thể sử dụng kho hoặc lều để bảo quản ngô bắp dài ngày. Kho hoặc lều hong ngô thường làm cao 2,5-3m, rộng 1m và chiều dài tùy theo lượng ngô bắp. Khung có thể làm bằng tre, gỗ, bê tông và có mái che mưa, thành kho, lều phải thoáng để cho gió lùa qua, chỉ cần ngô bắp không rơi lọt. Thành kho, lều thường được làm bằng phên tre nứa đan mắt cáo hoặc ghép gỗ thưa có khe hở.
- Sấy ngô: Sử dụng thiết bị sấy để làm khô ngô như: Có thể sử dụng lò sấy ngô thủ công, hoặc lò sấy ngô liên hoàn như một số mô hình như ở huyện Bảo Thắng, Bát Xát đã chủ động nhanh chóng làm khô lượng ngô lớn tới độ ẩm cần thiết, bảo toàn được chất lượng sản phẩm, tránh được hiện tượng bốc nóng, nấm móc, thối hỏng. Cũng có thể sử dụng máy sáy MS do Viện công nghệ sau thu hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sản xuất với sức chứa 200 -1000kg ngô hạt, có thể sử dụng nhiều loại nhiên liệu khác nhau như củi, trấu, than... Hoặc lò sấy thủ công SH -200 là kiểu lò sấy không sử dụng điện rất phù hợp với các hộ dân ở các huyện vùng cao ở Lào Cai.
Kỹ thuật bảo quản ngô
Để hạn chế tỷ lệ thổn thất trong bảo quản phải có dụng cụ bảo quản và chất lượng ngô đem bảo quản thích hợp.
- Bảo quản ngô hạt: Khi bảo quản ngô hạt phải đặc biệt quan tâm tới tình trạng phôi ngô vì phôi ngô dễ hút ẩm, có sức hấp dẫn mọt cao, dễ hư hỏng
Bảo quản ngô hạt ở hộ gia đình: Ngô sau khi phơi khô được tẽ rồi làm sạch và loại bỏ các hạt lép, hạt sứt vỡ và các tạp chất khác, có thể sàng bằng tay quạt làm sạch rồi đưa vào các dụng cụ bảo quản có thể hàn kín được như: Chum, vại, thùng nhựa, bao tải...nơi bảo quản phải khô ráo, thoáng, sạch sẽ, không bị ẩm do mưa dột, có mái che mưa, có biện pháp phòng chống sâu mọt, chuột, chim . Có thể bảo quản ngô bằng phên hoặc cót.
Giữa 2 phên cót lót trấu khô sạch. Nền được lót trấu sạch dày hơn 20 cm, lượt trấu lót được phủ 2 lượt phên, cót hoặc bao tải. Giữa 2 lớp phên, cót, bao tải là lớp vôi cục dày hơn 3cm, mặt khôi ngô được san phẳng. Trên mặt khôi ngô được phủ 1 lớp phên cót hoặc bao tải và 1 lớp vôi cục dày trên 5cm. cũng có thể bảo quản ngô bằng cách trộn lá xoan, lá trúc đào khô vào ngô theo tỷ lệ 1- 1,5 kg lá khô cho vào 100kg ngô hạt. Khi sử dụng ngô phải sàng sảy sạch lá trên sẽ không còn gây độc hại cho người và gia súc.
- Bảo quản ngô bắp: Bảo quản ngô bắp có lợi là hạn chế được tác động của không khí ẩm, vi sinh vật xâm nhập và phá hại ngô vì phôi ngô là bộ phận dễ bị phá hại nhất của hạt ngô vẫn được cắm sâu vào lõi ngô.
Bảo quản ngô bắp trong hộ gia đình: Sau khi được làm khô, ngô bắp được bảo quản kín trong 2 lớp bao buộc chặt miệng, lớp trong là bao nilon, lớp ngoài là bao đay hoặc bao dứa. Xếp các bao ngô ở nơi khô ráo, không bị ẩm mốc, có kê sàn giá đỡ cao cách mặt đất trên 1m và cách bờ tường vách trên 30 cm. Nếu nơi bảo quản ngô có khả năng phòng chống chuột thì có thể bảo quản ngô trên sàn có lót lớp trấu khô sạch dày trên 20 cm và có phủ phên, cót.
Trong quá trình bảo quản phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố. Khi kiểm tra phải tẽ thử và quan tâm xem xét tình trạng phôi ngô. Khi phôi ngô có hiện tượng biến màu, biến dạng, xuất hiện sâu mọt, khối ngô bị mốc nóng phải tiến hành tẽ ngô, làm khô, làm sạch, phân loại xử lý sâu mọt rồi mới bảo quản tiếp.
Có thể bạn quan tâm
Ngô là cây dễ trồng, nhưng các khâu kỹ thuật chăm sóc thế nào để đạt năng suất cao, chất lượng hạt tốt, nhất là thời kỳ chuẩn bị thu hoạch thì không phải ai cũng biết và làm đúng.
Tiếp theo bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xảy ra trên cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và đông Nam bộ, bệnh đốm lá lớn và đốm vằn đã và đang xuất hiện gây hại cục bộ trên cây bắp ở một số tỉnh miền đông Nam bộ.
Giống ngô lai Sugar 75 có sức sinh trưởng khoẻ, phát triển nhanh, thời gian thu hoạch sớm, có thể trồng nhiều vụ trong năm, cho bắp to, tỉ lệ đóng bắp cao, chắc, đều hạt. Hạt có hàm lượng đường cao, phù hợp cho ăn tươi, làm nguyên liệu chế biến thực phẩm đóng hộp.
Cây ngô vụ thu đông trồng trên chân đất hai vụ lúa vào tháng 9-10 ở các tỉnh đồng bằng, trung du miền núi phía Bắc nếu lúc trồng gặp thời tiết bất lợi mưa nhiều, đất ướt gí chặt, thiếu dưỡng khí thường bị bệnh nghẹt rễ hại nặng. Bệnh nghẹt rễ làm cây ngô sinh trưởng kém, năng suất, chất lượng cuối vụ bị giảm đáng kể.
Trong quá trình bảo quản hạt ngô thường bị một số hiện tượng sau: Bị nhiễm mốc, lên men, sâu mọt, tự bốc nóng. Để tránh hiện tượng trên bà con cần thực hiện theo các bước sau: