Kỹ thuật nuôi cua biển thương phẩm
1 . Đặc tính cơ bản
Tính ăn
Cua biển là loài ăn tạp nghiên về động vật.
Giai đoạn ấu trùng thức ăn là những loài động vật phù du (luân trùng, moina, artemia…).
Giai đoạn từ cua con đến cua trưởng thành thức ăn là cá, ốc, tép tươi sống.
Sinh trưởng
Từ ấu trùng đến trưởng thành cua phải qua nhiều lần lột xác và qua mỗi lần lột xác thì thay đổi về kích thước và hình thái cấu tạo thực thụ của cua.
Ở giai đoạn ấu trùng và cua bột thời gian giữa các lần lột xác thường ngắn từ : 2-3 ngày hoặc 3-5 ngày.
Ở giai đoạn cua trưỏng thành thường lột xác vào chu kỳ của thuỷ triều (đầu con nước).
Điều kiện môi trường sống
pH: Cua sống vùng nước lợ có độ pH trong khoảng 7.5 – 9.5, thích hợp nhất là 7.5 – 8.2.
Tuy nhiên cua có thể chịu đựng được trong nước có độ pH thấp hơn 6.5
Độ mặn: Cua có khả năng thích ứng cao với sự thay đổi độ mặn của nước.
Cua có thể sống trong vùng nước gần như ngọt cho đến độ mặn 33 %0.
Nhiệt độ nước: Cua biển phân bố rất rộng và ở những vùng vĩ tuyến cao cua chịu đựng nhiệt độ nước thấp tốt.
Ở vùng biển phía nam nước ta cua biển thích nghi với nhiệt độ nước từ 25 – 290C.
Nhiệt độ cao thường ảnh hưởng xấu đến các hoạt động sinh lý của cua, là một trong nhưng nguyên nhân gây chết.
Nơi cư trú: Cua thích sống ở nơi có nhiều thực vật thuỷ sinh, có những vùng bán ngập, có bờ để đào hang, tìm nơi trú ẩn, nhất là thời kỳ lột xác.
Vùng rừng ngập mặn cửa sông ven biển có nhiều cua sinh sống.
2. Kỹ Thuật Nuôi
Xây dựng ao nuôi
Ao nuôi cua con thành cua thương phẩm thường có diện tích từ 500m2 đến 5000m2.
Đây là hình thức nuôi thâm canh : thả giống, cho ăn tích cực, chăm sóc quản lý chặt chẽ.
Địa điểm: Ao nuôi cần được xây dựng ở vùng dễ thay nước nhờ vào thuỷ triều để giảm chi phí.
Ở những vùng có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, ít sóng gió mạnh và dòng chảy lớn.
Bờ ao được đắp bằng đất (cũng có thể xây gạch nếu có khả năng đầu tư), bờ cần được nén kỹ để chóng mội, rò rỉ và sạt lỡ.
Chân bờ ao rộng từ 3-4m, chiều cao từ 1.5 đến 2m, cao hơn mực nước triều cao nhất ít nhất là 0.5m.
Mỗi ao nuôi nên có hai cống ở hai đầu đối diện nhau, nếu ao hình chữ nhật thì hai cống sẽ đặt ở hai bờ thuộc chiều rộng.
Cống thoát đặt sát đáy và thông với kênh trong ao.
Phía trong ao, cách bờ 2-3m đào một kênh rộng 3-4m bao quanh ao.
Ở giữa ao đắp một cồn nổi cao hơn mặt nước ao 0.2-0.3m.
Trong kênh nên bỏ thêm chà cho cua ẩn nấp.
Làm đăng chắn quanh bờ không cho cua vượt bờ ra ngoài, có thể dùng lưới mùng loại thưa bao quanh, đăng tre, ….Đăng chắn phải nghiêng về phía trong ao một góc 600, đăng phải cao từ 0.8-1m.
Độ pH của nước: Tuỳ theo độ phèn của đáy ao mà có cách xử lý cho phù hợp, nếu pH của nước dưới 6 thì rải vôi bột (CaCO3) cho đáy ao: tháo cạn nước rải vôi đều trên đáy ao, cả lòng kênh và mép bờ ao.
Lượng vôi rải từ 7-10 kg/100m2 ao.
Phơi đáy ao 2-3 ngày, sau đó cho nước ra vào 3-4 lần xả sạch nước phèn.
Độ mặn của nước: cua con trong giai đoạn sinh trưởng sống ở vùng nước lợ mặn 15- 25%0.
Tuy vậy cua chịu sự thay đổi độ mặn rất lớn, cua sống và phát triển tốt ở độ mặn 5%0 đến 30%o.
Thả giống
Nguồn cua giống cung cấp cho nghề nuôi cua chủ yếu dựa vào nguồn giống tự nhiên.
Nguồn cua giống thu được ở hàng đáy, ghe cào ở các cửa sông, tìm bắt ở các bãi sình vùng ngập mặn.
Cua giống có các cỡ :
Loại nhỏ 60-120 con/kg
Loại vừa 25-50 con/kg
Loại lớn 10-15con/kg
Tốt nhất là nên thu mua cua giống từ vùng lân cận và sau khi đã đánh bắt được chuyển nhanh về nơi thả nuôi.
Tính toán số lượng cần thả đặt mua trong mấy ngày liên tục để thả cua vào ao nuôi trong thời gian tương đối ngắn.
Trong từng ao nên thả cua cùng cỡ.
Cũng có thể chọn cỡ cua theo mong muốn ngay ở nơi cung cấp cua giống, hoặc tuyển chọn trước lúc thả nuôi.
Mật độ thả
Cua nhỏ 3-5 con/m2, loại vừa 2-3 con/m2, cỡ lớn 0.5-1 con/ m2.
Thả giống ở nhiều điểm khác nhau trong ao.
Cắt bỏ dây buộc, buông từ từ cua trên mép bờ để cua tự bờ xuống nước.
Đây là cách để kiểm tra tình trạng sức khoẻ của cua : những con khoẻ mạnh nhanh chóng chạy xuống nước, những con yếu thường nằm tại chổ hoặc bò chậm.
Những con như vậy thu lại cho vào giai đểtheo dõi, nếu phục hồi thì thả xuống ao.
Mỗi ao nên thả giống trong một hai ngày cho đủ số lượng.
Quản lý, chăm sóc
Cho ăn: cua nuôi trong ao chủ yếu dựa vào thức ăn cung cấp hàng ngày, lượng thức ăn tự nhiên trong ao không có nhiều.
Thức ăn chủ yếu là thức ăn tươi sống : cá vụn, còng, ba khía, đầu cá … Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 4 – 6% trọng lượng cua, cua thường hoạt động bắt mồi vào buổi tối.
Mỗi ngày cho cua ăn một lần vào thời gian từ 17 – 19h.
Thức ăn được rải đều quanh ao để cua khỏi tranh nhau.
Có thể dùng sàng ăn để kiểm tra sức ăn của cua.
Định kỳ thu mẫu để tính sản lượng cua có trong ao mà điều chỉnh lượng thức ăn cho vừa đủ.
Sau 2-3 giờ cho ăn kiểm tra sàng ăn, nếu cua ăn hết thức ăn trong sàng thì có thể tăng lượng thức ăn, nếu thức ăn vẫn còn thì giảm lượng thức ăn.
Hàng ngày phải cho cua ăn, không được để cua đói.
Những cua lớn bị đói sẽ giết những cua nhỏ ăn thịt.
Vì vậy nuôi cua phải có thức ăn dự trữ.
Những ngày không có thức ăn tươi sống thì cho cua ăn thức khô : cá vụn, tép, moi phơi khô.
Trước lúc rải xuống ao cho cua ăn nên ngâm cá khô vào nước vài chục phút cho cá mềm ra.
Môi trường nước: Việc đảm bảo môi trường nước trong sạch rất quan trọng đối với cua, nhất là nuôi mật độ dày cho ăn thức ăn tươi sống.
Ở những nơi có thuỷ triều lên xuống hằng ngày cần thay nước thường xuyên.
Mỗi ngày thay từ 20-30% lượng nước trong ao.
Một tuần thay toàn bộ nước trong ao một lần.
Khi thay nước nên lấy nước ở tầng dưới và tầng giữa tránh lấy nước ở tầng mặt hay bị ô nhiễm.
Nước mới trong sạch kích thích cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt.
Kiểm tra: Thường xuyên kiểm tra tình trạng bờ, cống, rào chắn tránh thất thoát cua.
Xem xét: Trong thời gian nuôi khoảng 2 tuần một lần bắt cua cân đo để xem sinh trưởng của cua, xem xét tình trạng của cua : cua nhanh nhẹn, không bị ký sinh ngoài vỏ, xem trong xoang mang có bị ký sinh hay không.
Nếu có hiện tượng bị nhiễm bệnh thì phải tìm nguyên nhân và biện pháp xử lý.
Làm vệ sinh: Thời gian cuối của vụ nuôi trọng lượng cua trong ao tăng lên, cho ăn thức ăn nhiều nên môi trường rất dễ bị nhiễm bẩn.
Cho nên việc thay nước thường xuyên kiểm tra môi trường rất có ý nghĩa.
Trong một số trường hợp, đáy ao tích tụ nhiều thức ăn thừa, thối rữa, có thể phải tháo cạn, gạn cua và làm vệ sinh đáy ao : cào bỏ lớp bùn trên mặt và thức ăn thừa thối rữa đi.
Thu hoạch
Đánh thử cua lên kiểm tra chất lượng.
Cua thường phẩm phải đạt 250g/con trở lên.
Cua chắc thịt hoặc đã đầy gạch (cua cái).
Khi thấy cua đã đạt tiêu chuẩn, được giá thì thu hoạch cua để bán.
Những cua chưa đạt kích thước, trọng lượng, cua ốp hoặc chưa đầy gạch nếu còn khoẻ mạnh thì có thể đem nuôi ở các ao nhỏ, nuôi vỗ tích cực sau một thời gian đạt tiêu chuẩn thu hoạch bán sẽ được giá hơn.
Nuôi cua thương phẩm từ cua con, thời gian từ 3 – 8 tháng thường tỉ lệ hao hụt tương đối lớn (40 – 60%) nhưng trọng lượng cua tăng từ 3 – 4 lần (tăng từ 60-80g/con lên 250-350g/con).
Tổng trọng lượng của cua thương phẩm tăng từ 1.5 – 2 lần tổng trọng lượng cua giống.
Một số điểm cần chú ý để nuôi cua thành công
– Cua giống phải đồng cỡ, thả cùng một lúc;
– Phải có đủ nguồn nước trong sạch để thay thường xuyên;
– Phải có đủ nguồn thức ăn tươi sống;
– Phải có đăng chắn ở trên bờ ao;
– Trong ao phải có các ụ chà làm nơi trú ẩn cho cua.
Có thể bạn quan tâm
Trại sản xuất cua giống nên xây dụng ở gần biển, có nguồn nước tốt, ở vùng đầm phá, rừng ngập măn ven biển có nhiều cua sinh sống, gân vùng nuôi cua, có điều kiện giao thông thuận lợi, có nguồn điện lưới quốc gia, an ninh tốt.
Cua biển có tên tiếng Anh là mud-crab, green crab, hay mangrove crab; tên tiếng Việt gọi là cua biển, cua sú, cua xanh, cua bùn, loài phân bố chủ yếu ở vùng biển nước ta là loài Scylla paramamosain (cua sen) và loài Scylla olivacea (cua lửa). Hai loài nầy là một trong những loài cua biển có kích thước lớn.
Cua đồng có tập tính sinh sống bò dưới đáy ao và đào hang chui rúc, có khả năng bò lên cạn và di chuyển rất xa nên khâu quản lý phải cẩn trọng. Cua đồng là loài ăn tạp, chúng có thể ăn tấm, cám, lúa, khoai, củ, cua, cá và cả thức ăn công nghiệp của cá.
Tận dụng những cái thùng nâng giàn quạt nước trong vuông tôm công nghiệp, anh Nguyễn Văn Nguyên (ở Bến Tre) đã cải tiến thành thùng nuôi cua biển. Năm 2009, anh nuôi thử nghiệm 700 thùng cua biển, đạt hiệu quả rất khả quan, thu lợi nhuận gần 50 triệu đồng.
Trong các năm gần đây do sự phát triển nhanh chóng của ốc bươu vàng và sâu bệnh hại cây trồng, dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc BVTV ngày một nhiều hơn gây ô nhiễm môi trường nước, làm cho động vật thủy sinh ngày càng cạn kiệt.