Nuôi cua cá kết hợp
Những năm qua, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh… đã khiến nghề nuôi tôm ven biển Bạc Liêu ngày càng khó khăn, nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần.
Gia đình anh Tùng có hơn 2 ha đất nuôi tôm quảng canh, dịch bệnh khiến hiệu quả không cao, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, nên anh mày mò tìm cách làm mới để giúp gia đình cải thiện cuộc sống.
Cuối năm 2012, tìm hiểu từ các phương tiện thông tin đại chúng và tham quan thực tế các mô hình nuôi cá chẽm thương phẩm kết hợp với nuôi cua biển ở một số tỉnh tại ĐBSCL, anh Tùng nhận thấy đây là mô hình có thể áp dụng tại địa phương.
Anh đã quyết định cải tạo đất nuôi tôm của gia đình, đầu tư chuyển sang nuôi cá chẽm kết hợp với nuôi cua biển.
Lúc đầu, anh Tùng thả 2.500 con cá chẽm giống (giá cá giống bán là 4.000 đồng/con), 1.000 con cua biển giống, trên diện tích khoảng 2.000 m2.
Chi phí đầu tư ban đầu gồm tiền cải tạo ao đầm, mua con giống và thức ăn hết khoảng 40 triệu đồng.
Sau hơn 4 tháng nuôi thử nghiệm, dù mật độ thả giống khá thưa nhưng anh vẫn lời trên 50 triệu đồng.
Theo anh Tùng, mô hình này rất dễ thực hiện, chi phí lại khá thấp so với nuôi tôm, rủi ro ít mà lợi nhuận cao.
Khi nuôi cua biển kết hợp với nuôi cá chẽm, người dân có thể tận dụng nguồn thức ăn trong tự nhiên và mua thêm các loại cá giá trị thấp như rô phi, cá biển làm thức ăn cho cua.
Đặc biệt là có thể an tâm về đầu ra vì cua biển và cá chẽm có giá trị rất cao, rất dễ tiêu thụ.
Qua vụ thử nghiệm thành công, anh Tùng tiếp tục rút kinh nghiệm và sau đó mạnh dạn chuyển toàn bộ hơn 2 ha nuôi tôm quảng canh sang nuôi cua biển kết hợp với nuôi cá chẽm, bình quân mỗi vụ thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Anh Tùng cho biết để mô hình thành công thì quan trọng nhất là khâu chọn con giống.
Đối với cua biển giống nên chọn mua từ những người khai thác từ thiên nhiên.
Vì cua giống tự nhiên sẽ thích nghi nhanh với môi trường, không bị sốc, lớn nhanh, ít hao hụt.
Còn đối với cá chẽm giống, nguồn khai thác trong thiên nhiên khá tốt nhưng do số lượng ít, người nuôi nhiều nên thường khan hiếm.
Cần chọn mua cá giống được ương thuần đạt kích cỡ từ 3 – 5 cm, cá khỏe mạnh sẽ hạn chế hao hụt.
Kỹ thuật nuôi cua và cá chẽm kết hợp rất đơn giản, do thả nuôi ở mật độ thưa nên ít tốn công chăm sóc, không phải tốn tiền mua thức ăn công nghiệp, người nuôi chỉ thay nước ra vào ao khi thủy triều lên cao.
Trong quá trình thả nuôi, định kỳ hằng tuần cần dùng vôi để xử lý nước, ổn định môi trường.
Từ thành công của anh Tùng, hiện nay không chỉ người dân ở xã An Trạch mà các xã khác tại H.Đông Hải (Bạc Liêu) đã mạnh dạn chuyển những phần đất nuôi tôm kém hiệu quả sang áp dụng mô hình này.
Sự mạnh dạn áp dụng mô hình mới của anh Tùng đang mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản tại vùng ven biển Bạc Liêu.
Anh Tùng đã được chính quyền địa phương và T.Ư Đoàn tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Có thể bạn quan tâm
Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả của việc bổ sung Quillaja saponin (QS) đóng vai trò như một chất kích thích miễn dịch lên tăng trưởng
Nhiều mô hình nuôi như: nuôi ghẹ trong ao, nuôi ghẹ trong lồng, nuôi ghẹ lột thương phẩm, hay nuôi ghẹ kết hợp với các đối tượng nuôi có giá trị khác.
Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả của việc bổ sung Leucine (Leu) ở các nồng độ khác nhau lên tăng trưởng, hoạt động của enzyme tiêu hóa
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Philippines đang tìm cách phát triển và thương mại hóa một ứng dụng giúp nông dân phân biệt giữa ba loài cua có mối liên hệ
Cua biển là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao. Để nuôi được cua biển trong bể xi măng, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc hết sức cẩn thận.