Kỹ Thuật Nuôi Cá Rô Phi Cao Sản
Cá Rô phi O.Niloticus sống chủ yếu ở nước ngọt, có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở nước biển có độ mặn dưới 20o/oo và thích nghi được với biên độ pH rộng (pH từ 5-11). Cá ưa thích nhiệt độ nước từ 25-32oC, chịu lạnh kém, chết rét khi nhiệt độ từ 11-12oC kéo dài.
Rô phi O.Niloticus ăn tạp, thiên về động vật. Thức ăn chủ yếu là động vật phù du, mùn bã hữu cơ, tảo, ấu trùng, côn trùng, giáp xác, giun đất, cỏ, bèo,… Ngoài ra, cá còn ăn thêm các loại thức ăn bổ sung như bột ngũ cốc, cám gạo, bột ngô, bã đậu, bã rượu, khô dầu, thức ăn công nghiệp.
Nuôi thâm canh cá rô phi đạt năng suất 20 tấn/ha/vụ, sử dụng thức ăn tự chế phối hợp với thức ăn công nghiệp, áp dụng quạt khí và các biện pháp quản lý chất lượng nước cho ao. Hình thức nuôi này phù hợp với các trang trại, các nông hộ am hiểu về kỹ thuật nuôi cá rô phi và có khả năng đầu tư cao.
1. Điều kiện ao nuôi
- Ao nuôi tốt nhất có diện tích từ 3.000 - 10.000m2, ao có nguồn nước sạch cung cấp thuận tiện.
- Độ sâu 2m, có lớp bùn dày 15-25cm.
- Sử dụng máy quạt khí nhằm tăng cường Oxy cho ao nuôi khi ao thiếu dưỡng khí hoặc trong những ngày âm u, thời tiết xấu.
* Chuẩn bị ao khi thả cá :
- Ao nuôi được tháo cạn, dọn sạch bờ cỏ, tu sửa bờ và đăng cống, vét bớt bùn đáy.
- Tẩy vôi: Dùng vôi bột với liều lượng từ 10-12kg/100m2 ao, vôi được rải đều khắp mặt ao chú ý chỗ đọng nhiều nước hoặc lầy bùn phải rắc nhiều vôi hơn. Phơi đáy ao từ 3-5 ngày để tiêu diệt cá tạp còn sót lại và tiêu diệt những mầm bệnh trong ao.
- Lấy nước vào ao: Dùng lưới có kích thước mắt lưới từ 0,5-1mm để lọc nước đề phòng địch hại theo nước vào ao, ban đầu lấy 50cm nước, sau 2 ngày ổn định môi trường nước thì thả cá và trong tuần đầu dâng nước lên đến mức nước 1,5 - 1,7m.
2. Thả giống:
- Giống cá thả: Là giống cá rô phi đơn tính được các cơ sở sản xuất giống có uy tín cung cấp. Giống phải khỏe mạnh, không bị dị hình, không mắc bệnh, cỡ cá đồng đều.
- Mùa vụ thả nuôi: thả giống từ tháng 3-6, nếu thả muộn khi tới mùa đông cá chưa đạt kích cỡ thương phẩm (>500g/con).
- Mật độ nuôi phụ thuộc vào kích cỡ dự kiến lúc thu và năng suất nuôi. Với mô hình 20 tấn/ha thả 4-5 con/m2 ao. Nên thả cá giống có kích cỡ lớn để hạn chế tỷ lệ hao hụt. Cỡ cá giống nên từ 5-10 gram/con.
- Có thể thả ghép thêm một số loài cá khác trong ao là chép, mè cứ 25m2 thả thêm 1 con chép và 1 con mè.
3. Chăm sóc và quản lý :
- Bón phân: Định kỳ bón phân để ổn định màu nước 10-15kg/100m2/tuần. Phân xanh, lá dầm được ngâm xuống ao 20kg/1002/10 ngày. Sử dụng lân vi sinh định kỳ bón 1 tháng 1 lần 100kg/1000m2.
Sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường thường xuyên là Bio-DW 200g/1000m3 để cải tạo ao, 2 tháng đầu sử dụng 250g/1000m3 nước, định kỳ 10 ngày một lần, 3 tháng sau sử dụng 500g/1000m3 nước.
- Thức ăn tinh: Sử dụng loại thức ăn tự phôi chế (70% bột ngô và 30% cá tạp) trong 2 tháng đầu và thức ăn công nghiệp trong 3 tháng cuối. Liều lượng như sau :
Tháng đầu cho ăn 10% trọng lượng than.
Tháng thứ 2 cho ăn 5% trọng lượng than.
Tháng thứ 3, 4 cho ăn 3% trọng lượng than.
Tháng thứ 5 cho ăn 2% trọng lượng than.
Hàng tháng kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cho ăn theo 3 định, 4 trừ. Trước khi cho ăn có thể quạt nước 30 phút để tăng tính thèm ăn.
Cho ăn bã bia 500kg/ha/10 ngày.
Sử dụng men vi sinh (Bio-Probiotic for Shrimip) làm thức ăn bổ sung cho cá bằng cách trộn vào thức ăn rồi trực tiếp cho cá ăn.
- Chế độ quạt nước: bắt đầu từ tháng nuôi thứ 2 ta cần lắp thêm máy quạt nước để đảm bảo lượng oxy trong ao và tránh hiện tượng cá nổi đầu. Ban đêm quạt từ 3h sáng đến 7h sáng, những ngày trời tối, thời tiết xấu cần phải bật máy quạt nước.
- Chế độ thay nước: Tháng đầu thêm 2 lần mỗi lần khoảng 0,2m nước và cấp đủ mức nước quy định, tháng thứ 2 trở đi bơm thêm nước 2 lần 1 tháng.
- Quản lý môi trường: Mỗi tháng định kỳ bón vôi với liều lượng 2kg/100m3, hòa nước tát đều khắp mặt ao. Thường xuyên kiểm tra sự ổn định của màu nước để có thể gây màu kịp thời tránh trường hợp nước bị mất màu.
4. Thu hoạch :
Sau khi cá nuôi được 4-5 tháng, trọng lượng cá đạt trung bình trên 500g/con có thể thu hoạch. Đánh hết những cá có thể đạt trọng lượng thương phẩm (>500g/con), những con nhỏ có thể nuôi tiếp 1 tháng đạt trọng lượng thương phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Spironolacton (SP) là một steroid nhân tạo. SP là chất đối kháng (antagonist) của aldosteron nên được dùng như một loại thuốc chống cao huyết áp.
Cá rô phi đã thu hút được nhiều quan tâm trong thời gian vừa qua và là loại cá được Tổ chức Nông lương Quốc tế (FAO) công nhận là nguồn chính cung cấp đạm thực phẩm cho con người trong thế kỷ này.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều mô hình nuôi tôm bền vững, trong đó quy trình nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi đã thành công và hiện đang được tiếp tục nhân rộng.
Đặc điểm của bệnh là do vi khuẩn Streptococcus là vi khuẩn Gram dương (trong khi đó đa số các loài vi khuẩn gây bệnh cho cá là vi khuẩn Gram âm) xâm nhập và thường gây bệnh trên cá rô phi từ 150 – 300g/con. Những ao có tỷ lệ cá chết cao là những ao ô nhiễm và giàu chất hữu cơ.
Cá rô phi là một đối tượng thủy sản có triển vọng chọn nuôi . Để có được nguồn giống có chất lượng và tăng trưởng nhanh, đảm bảo không sinh sản trong quá trình nuôi nên các chuyên gia đã nghiên cứu ra các phương pháp tuyển chọn cá rô phi đơn tính đực .