Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kỹ Thuật Nuôi Cá Chạch Bùn (Chạch Đồng)

Kỹ Thuật Nuôi Cá Chạch Bùn (Chạch Đồng)
Ngày đăng: 28/04/2014

Đặc tính sinh thái:

Ở Việt Nam, chạch bùn phân bố tự nhiên ở miền Bắc, miền Trung.

Trong tự nhiên chạch bùn sống đáy, ở khu vực nước nông của sông, ao, hồ, kênh mương, ưa nước sạch; không thích hợp với môi trường bùn đáy ô nhiễm nhiều mùn bã hữu cơ.

Chạch có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiệt độ 15-30 độ C, thích hợp nhất là 25-27 độ C. Cỡ thương phẩm từ 25-30g/con, chiều dài 13-15cm, con to nhất có thể đạt 100g/con dài 20cm.

Cá hô hấp bằng mang và da. Khi nước thiếu oxy cá có thể lên mặt nước đớp không khí, thực hiện việc trao đổi khí trong ruột sau đó khí được thải qua hậu môn ra ngoài. Khi thời tiết quá lạnh, quá nóng, cá rúc sâu xuống bùn.

Thời gian từ khi ép đẻ nhân tạo và nuôi cho đến khi xuất bán trong vòng bốn tháng, cá được chừng 10 – 15cm.

Tuổi thành thục: 2 năm tuổi

Mùa đẻ trứng: từ tháng 4 đến tháng 9, rộ nhất từ tháng 5 đến tháng 7.

Lượng trứng: Cá cái thân dài 8 cm có khoảng 7000 trứng; thân dài 15 cm có khoảng 12-18.000 trứng; thân dài 20 cm có 16-24.000 trứng.

Trứng có dạng hình tròn, đường kính 1,2-1,5 mm, màu vàng, dính nhẹ.

Khi đẻ trứng chạch đực dùng móm kích thích vào bụng cá cái, cá cái ngoi lên mặt nước, cá đực đuổi theo và quấn chặt vào thân cá cái, lúc này con cái đẻ trứng, con đực phóng tinh. Trứng cá bám dính trên cỏ hoặc các vật khác, sau 2-3 ngày trứng nở thành cá bột.

Cho đẻ nhân tạo và ương chạch con

Chọn cá bố mẹ đã thành thục tốt. Cá cái thân dài 13 cm, nặng trên 20 g, bụng to và mềm, không bệnh tật, màu vàng cam, cá chạch đực dài trên 10cm.

Cá chạch cái: Hình ống tròn, bụng to tròn, vây ngực rộng và ngắn nhỏ, đầu trước hơi tròn.

Cá chạch đực: Hơi giống hình chóp chòn, bụng bé; vây ngực to hơn con cái, 2 sườn đầu cuối của chân vây ngực có mẩu thịt nổi rõ rệt

Thuốc thuốc kích thích sinh sản nhân tạo: não thùy cá chép, LRHa + DOM và Prolan B (HCG), liều dùng cho 1 chạch cái là 1 não thùy cá chép hoặc 100-150UI HCG. Liều dùng cho chạch đực bằng 50%. Vị trí tiêm: ở đường giữa phần bụng đoạn giữa vây ngực và vây bụng.

Tiêm xong bỏ cá vào giai cước cho cá đẻ trứng. Trong giai treo các tổ đẻ, mỗi giai thả 20-40 con, tỷ lệ đực : cái = 1:1, 1:2. Nếu tiêm lúc 6 giờ tối thì 6 giờ sáng hôm sau chạch đẻ. Khi chạch đẻ xong đem các tổ đẻ đã được trứng bám nhiều đưa vào bể ấp (nếu để tổ đẻ lâu trong giai sẽ bị bố mẹ ăn trứng).

Nếu làm thụ tinh nhân tạo, trước hết mổ chạch đực lấy sẹ, cắt nhỏ, dầm vào nước muối sinh lý, sau vuốt trứng cá cho vào thụ tinh, trứng thụ tinh rắc bám dính vào tổ cá, đưa tổ cá vào bể ấp.

Ương chạch con

Diện tích bể ấp trứng: 30-50 m2, nước sâu 30-40 cm.

Mật độ ương: 300 con/m2.

Trước khi ương phải tẩy dọn, sát trùng bể ương, bón phân gây màu, sau khi thả chạch vào tiếp tục bón phân và cho ăn thức ăn.

Lượng thức ăn hàng ngày 5-8% trọng lượng chạch con. Ngày cho ăn 3-4 lần.

Khi cá đạt cỡ  5-6 cm nặng 1,5-2 g đưa ra nuôi thương phẩm.

Nuôi chạch con qua đông đến tháng 4, 5 chuyển sang ao nuôi chạch thương phẩm.

Mô hình nuôi:

Nuôi trong ao: mực nước không quá 40cm, trong ao có các mương, hố sâu 50-60cm để chạch trú ẩn. Theo Việt Linh, bà con có thể thả bèo tây để tạo chỗ trú ẩn cho cá tránh nóng, tránh rét và làm sạch môi trường nước. Khi trời rét cũng có thể sử dụng rơm rạ thả cho cá trú ẩn, đồng thời bơm nước cao từ 70-80cm để nuôi xen canh với các loại cá khác như trắm đen, cá chép để tận dụng thức ăn dư thừa.    

Nuôi trong ruộng: đáy bùn phải sạch, mức nước: 20 - 40 cm, độ dày bùn đáy: 15-20cm. Bón phân chuồng ủ hoai mục trước khi cấy lúa để tạo thức ăn tự nhiên cho chạch. Đào mương nhỏ rộng 1,2-1,5 m, sâu: 30-40 cm chạy dài quanh ruộng để cá trú nắng và tháo nước khi thu hoạch. Nuôi trong ruộng có thể đạt tỷ lệ sống 70-90%.

Thời điểm thả nuôi: tháng 3- 4 sau khi cấy lúa xong. Sau 5-6 tháng nuôi cá chạch thương phẩm đạt kích cỡ 25-40 con/kg có thể thu tỉa hoạc thu toàn bộ.

Nuôi ghép: Có thể nuôi cua kết hợp với chạch bùn nếu được cung cấp đủ thức ăn.

Chọn giống:

Giống khai thác tự nhiên: bắt bằng đơm đó, chũm; không mua giống đánh bắt bằng điện. Giống phải đồng đều 4-6 cm, không xây xát, mất nhớt.

Giống nhân tạo: Khi ép đẻ cá chạch bùn, khó khăn nhất là thời gian nuôi từ trứng ra con giống dài từ vài li đến 3cm. Chạch bùn sau khi được 3cm sẽ sống khoẻ, nuôi dễ dàng.

Nên chọn cỡ giống 1,5-2g/con

Mật độ thả nuôi: 30-50 con/m2. Hoặc thả 10-15 kg chạch giống /100 m2 ao.

Cho ăn và chăm sóc:

Thức ăn: Chạch ăn tạp, lúc nhỏ ăn động vật là chính (động vật đáy, động vật phù du) lúc lớn ăn thực vật là chủ yếu.

Cỡ dưới 5 cm chủ yếu ăn luân trùng, râu ngành, chân chèo và các động vật phù du khác. Cỡ 5 - 8cm ngoài động vật phù du, cá có thể ăn giun nhỏ và ấu trùng muỗi lắc. Cỡ 8 - 9cm cá ăn tảo khuê, thân lá cây cỏ non và hạt ngũ cốc, cỡ trên 9cm chạch chuyển sang ăn thực vật là chính.

Có thể sử dụng nhiều loại thức ăn khác nhau như: khô đậu, cám gạo, nhộng tằm, thức ăn chế biến, thức ăn công nghiệp, cá tạp, ốc xay.

Thức ăn công nghiệp dạng viên nổi dùng cho cá chạch có hàm lượng đạm từ 30-35%.

Lượng thức ăn: 5-8% trọng lượng thân

Thời gian cho ăn: Cá có tập tính ăn chủ yếu vào ban đêm, nên cho cá vào chiều tối. Cho ăn 1-2 lần / ngày.

Thường xuyên kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá.

Tỷ lệ sống đạt 65-80%. Nuôi trong ruộng có thể đạt tỷ lệ sống 70-90%.


Có thể bạn quan tâm

Gắn Chíp Điện Tử Để Quản Lý Cá Tra Bố Mẹ Chọn Giống Gắn Chíp Điện Tử Để Quản Lý Cá Tra Bố Mẹ Chọn Giống

Đây là một trong những quy định tại Quy chế quản lý cá tra bố mẹ chọn giống do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký quyết định ban hành.

30/07/2013
Xây Chuồng Chống Lũ Cho Lợn Xây Chuồng Chống Lũ Cho Lợn

Với tập quán chăn nuôi truyền thống, từ bao đời nay đa phần người dân vùng nông thôn vẫn làm chuồng nuôi lợn ở vị trí thấp. Cũng chính vì cách chăn nuôi truyền thống này mà mỗi khi có lũ lớn xảy ra, người chăn nuôi thường bị thiệt hại rất nhiều.

24/07/2013
Hiệu Quả Từ Phát Triển Kinh Tế Trang Trại Hiệu Quả Từ Phát Triển Kinh Tế Trang Trại

Bất cứ ai có dịp về thăm mô hình chăn nuôi lợn nái kết hợp trồng bưởi của gia đình chị Mầu Thị Yến - thôn Tam Hợp, xã Cát Quế (Hà Nội), đều không khỏi ngỡ ngàng trước hiệu quả trong phát triển. Đây là mô hình mẫu cho nhiều cá nhân trong và ngoài địa phương đến học tập.

30/07/2013
Ông Nguyễn Đức Minh Điển Hình Sản Xuất Giỏi Ông Nguyễn Đức Minh Điển Hình Sản Xuất Giỏi

Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Đức Minh ở thôn Hộ Diêm 1, xã Hộ Hải (huyện Ninh Hải) vượt qua những thất bại, vươn lên làm giàu nhờ nuôi ốc hương và chim bồ câu.

30/07/2013
Chuyển Đất Trồng Lúa Sang Trồng Dưa Chuyển Đất Trồng Lúa Sang Trồng Dưa

Do hạn hán kéo dài, không đủ nước sản xuất lúa nên vụ hè-thu năm nay, anh Lê Quang Thành, thôn Láng Me, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) đã chuyển đổi 9 sào ruộng lúa nước sang trồng dưa hồng xiêm.

30/07/2013