Kỹ Sư Cơ Khí Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Thỏ
Đang làm vị trí trưởng phòng tại một công ty cơ khí, anh Chính lại quyết định bỏ công việc để về xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mở trại nuôi thỏ. Đó là câu chuyện của anh Dương Văn Chính (SN 1980) từ kỹ sư cơ khí trở thành người nhân thành công giống thỏ lai thu lãi ròng mỗi năm khoảng 360 triệu đồng.
Sau khi tốt nghiệp ngành Cơ khí chế tạo (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), anh Dương Văn Chính quê xã Bình Sơn, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam làm việc cho một công ty cơ khí đóng trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Chỉ một thời gian sau, anh được đề bạt lên vị trí Trưởng phòng Tổ chức hành chính kiêm Chủ tịch Công đoàn với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Tuy cuộc sống và công việc ổn định, nhưng anh Chính luôn muốn tự làm “cái gì đó của riêng mình” - anh đã quyết định bỏ việc về quê vợ để nuôi thỏ.
“Sau khi tìm hiểu thị trường, mình quyết định nuôi thỏ bởi hiện tại trên địa bàn Đà Nẵng nhu cầu tiêu thụ thỏ nhiều nhưng người nuôi còn ít. Mặt khác, thỏ là loài dễ nuôi, dịch bệnh ít, chi phí đầu tư thấp mà lợi nhuận lại cao. Lúc quyết định nghỉ việc để mở trại nuôi thỏ, gia đình mình cũng phản đối dữ lắm”, anh Chính chia sẻ.
Năm 2010 anh thành lập Trại thỏ Quốc Cường ở xã Hòa Ninh. Với quyết tâm làm giàu, anh lặn lội ra tận Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Hà Nội) để mua thỏ giống và học hỏi kinh nghiệm nuôi thỏ. Chi phí đầu tư ban đầu gồm chuồng trại, 50 con thỏ nái và 10 con thỏ đực, thức ăn… hết 110 triệu đồng.
Tuy nhiên, mới vào nghề chưa có kinh nghiệm nên thỏ chết rất nhiều. Không nản chí, anh chịu khó tìm tòi học hỏi, nghiên cứu sách vở. Anh cũng nhận ra giống thỏ ngoại New Zealand thuần chủng không phù hợp với khí hậu nơi đây nên không phát triển được, chết nhiều.
Anh quyết tâm phải nhân cho được giống thỏ mới. Qua tìm hiểu trên mạng internet, sách vở cùng với sự hỗ trợ của một người bạn cũng nuôi thỏ, anh Chính đã nhân giống thành công thỏ New Zealand lai từ việc kết hợp thỏ Pháp và thỏ New Zealand thuần chủng, loại thỏ này cho năng suất cao (trung bình mỗi con nặng 4 - 5 kg), thịt ngon và mắn đẻ.
Biết anh nhân giống thỏ lai thành công, nhiều bà con trong vùng đã đến trại của anh để mua thỏ giống, thỏ thịt. Từ kinh nghiệm nuôi thỏ, anh đã viết thành sách để truyền lại cho những người đi sau. Khách hàng đến mua thỏ giống đều được anh tặng cuốn sách này, vì vậy anh được nhiều người gọi là “vua” nhân giống thỏ lai.
Hiện tại, thị trường phân phối của trại thỏ Quốc Cường từ Quảng Bình đến Bình Thuận, cả thỏ giống và thỏ thịt. Để nhiều người biết hơn về trại thỏ của mình cũng như mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành, anh Chính đã lập trang web http://traithoquoccuong.mov.mn. Từ ngày lập trang web đến nay, trại thỏ của anh luôn thiếu hàng, không đủ cung cấp cho thị trường. Hiện trại thỏ của anh có khoảng 1.000 con, mỗi tháng xuất chuồng một lần trong đó 300 con thỏ thịt và 200 con thỏ giống. Trừ chi phí, mỗi tháng trại thỏ của anh lãi ròng 30 triệu đồng.
Cũng theo anh Chính, hiện trên địa bàn xã Hòa Ninh, một số anh em nuôi thỏ đã cùng liên kết lại với nhau thành lập tổ nuôi thỏ. Tổ đang xây dựng dây chuyền sản xuất cám viên để thay thế cho cám công nghiệp. Nếu thành công, mỗi kg cám viên sẽ giảm được 3.000 đồng so với cám công nghiệp. Với trang trại của anh, mỗi tháng sẽ giảm được 12 triệu đồng tiền thức ăn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh Nguyễn Đức Tân cho biết: “Mô hình nuôi thỏ của anh Chính tuy không mới nhưng nuôi theo mô hình bán công nghiệp (vừa dùng thức ăn công nghiệp vừa dùng thức ăn tự nhiên) đem lại lợi nhuận cao. Trên địa bàn xã hiện có bảy hộ chăn nuôi thỏ. Các hộ này đã tập hợp nhau lại để thành lập tổ nuôi thỏ, cùng hỗ trợ nhau từ đầu vào cũng như đầu ra”.
Có thể bạn quan tâm
Chủ động đối phó với bão số 1, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đều có công điện yêu cầu triển khai phương án phòng tránh thiên tai.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), hiện bà con đã thu hoạch được hơn 120ha tôm nuôi vụ I/2015, năng suất chỉ đạt 0,6 tạ/ha đối với tôm sú và 18 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng.
Không chỉ có cây trồng mới cần đến công trình thủy lợi, mà đối với nuôi trồng thủy sản, thủy lợi cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, lâu nay vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi chỉ ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, còn nuôi trồng thủy sản thì vẫn bị bỏ ngỏ..
Hơn 1 tháng qua, người nuôi cá tra nguyên liệu chế biến, xuất khẩu và ương cá tra giống đang lâm vào cảnh vô cùng khó khăn, do giá bán thấp hơn giá thành sản xuất. Trước tình hình trên, hầu hết nông dân nuôi cá tra thương phẩm và ương cá tra thịt mong muốn giá cá ổn định ở mức có lợi nhuận hợp lý, để nông dân yên tâm sản xuất.
Trong 10 năm trở lại đây xuất khẩu thủy sản Việt Nam liên tục phát triển. Nhưng trong bản thân khối DN này vẫn tự nhận thấy còn nhiều điểm yếu.