Vào Vụ Nuôi Tôm
Hôm qua (5.3), các nông hộ trên địa bàn tỉnh đồng loạt thả nuôi tôm nước lợ vụ 1. Thời điểm này, lần đầu tiên ngành thủy sản và các địa phương ven biển cùng bắt tay triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi theo quyết định của UBND tỉnh.
Đồng loạt thả giống
Từ sáng sớm ngày hôm qua, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn phường An Phú (TP.Tam Kỳ) bắt đầu thả tôm giống vào ao và tiến hành kiểm tra môi trường nước. Ông Đỗ Văn Lành (khối phố Phú Sơn, phường An Phú) cho biết: “Điều kiện sinh trưởng, phát triển của tôm thẻ chân trắng rất khác các loài nhuyễn thể, giáp xác khác và cá nuôi.
Chỉ cần môi trường nước có biến động là quá trình sinh trưởng của chúng bị chậm lại tức thì, có khi tôm nuôi bị chết. Bởi vậy, gia đình chúng tôi cẩn trọng với mọi yếu tố liên quan đến môi trường phát triển của con tôm. Ngoài kiểm tra độ kiềm, độ pH, chúng tôi cũng túc trực thường xuyên ở ao nuôi để ứng phó với các tình huống phát sinh”. Năm nay, gia đình ông Lành thả nuôi tôm trên 2.200m2 mặt nước ở vùng triều ven sông Tam Kỳ.
Cùng với đầu tư ao nuôi, ông cũng bố trí hệ thống hạ tầng, thủy lợi rất kiên cố. Ngoài ra, để thuận lợi cho quá trình nuôi tôm thâm canh với mật độ 100 con/m2, ông Lành đã lót bạt tại ao nuôi. “Gần đây chất lượng nước của sông Tam Kỳ không đảm bảo chúng tôi đã bố trí kênh cấp, kênh thoát nước riêng biệt. Ao chứa lắng được đầu tư và sử dụng để lắng, xử lý nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi” - ông Lành cho biết thêm.
TP.Tam Kỳ có 200ha nuôi tôm nước lợ ở vùng triều. Hôm qua, tại phường An Phú đã có đến 7/15ha được thả giống. Các địa phương khác của thành phố như Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng, đông đảo bà con nông dân cũng bắt tay vào vụ sản xuất mới.
Còn ở huyện Thăng Bình, vụ 1 năm nay địa phương có hơn 200ha ao nuôi ở vùng triều ven sông được cải tạo, phục vụ nuôi tôm. Trong hơn 200ha này, riêng xã Bình Nam đã có đến hơn 100ha, tập trung tại 2 thôn Đông Tác và Nghĩa Hòa. “Vụ này, gia đình chúng tôi nuôi tôm thẻ chân trắng tại 3 ao có tổng diện tích 30.000m2. Trước khi vụ mới bắt đầu, chúng tôi đã kiện toàn hệ thống hạ tầng, thủy lợi tương đối kiên cố.
Sau khi phơi đáy ao nuôi kỹ càng, tôi dẫn nguồn nước đã được lắng từ 10 ngày trước vào ao rồi bắt đầu thả giống” - ông Nguyễn Xuân Đàn (thôn Đông Tác, xã Bình Nam) cho biết. Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, đến thời điểm này, trong số 1.200ha đã có khoảng 300ha ao nuôi tôm đã được bà con nông dân thả giống.
Giám sát dịch bệnh
Ngày 19.9.2014, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh, áp dụng trong năm 2015. Ở lần đầu tiên thực hiện kế hoạch này, đối tượng nuôi chủ lực được quan tâm là tôm thẻ chân trắng.
Mục tiêu quan trọng của kế hoạch là xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở nhằm phát hiện sớm bệnh trên tôm nuôi để từng bước bao vây, khống chế các bệnh nguy hiểm như đốm trắng, bệnh đầu vàng, hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính; nâng cao nhận thức cho người nuôi về tác hại của dịch bệnh, qua đó nâng cao trách nhiệm của họ, tránh lây lan thành dịch gây thiết hại cho các hộ nuôi khác. Ngoài ra, công tác nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thủy sản ở cơ sở cũng quan tâm, giúp người nuôi sản xuất an toàn.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, nhiệm vụ quan trọng nhất mà ngành thủy sản triển khai từ vụ 1 này là phòng chống dịch bệnh thủy sản theo quyết định của UBND tỉnh. Đối tượng nuôi được chú trọng nhất là tôm thẻ chân trắng.
Để thực hiện kế hoạch này, ngành thủy sản đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại các địa phương nhằm giúp cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện kiểm tra, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh cũng như nhận định, đánh giá về khả năng xuất hiện bệnh và bùng phát thành dịch. Đến thời điểm này, mạng lưới cộng tác viên bước đầu được hình thành gồm cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản cấp huyện, xã và các tổ trưởng tổ nuôi tôm cộng đồng ở các vùng nuôi.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, hướng đến tính bền vững cho vụ 1 nuôi tôm nước lợ này, ngành thủy sản chủ động thực hiện công tác giám sát và thu mẫu định kỳ trên tôm nuôi. Địa điểm thực hiện giám sát áp dụng cho cả 6 huyện, thành phố có nuôi tôm nước lợ, thời gian giám sát ở vùng triều là từ nay đến cuối tháng 9.2015 khi 2 vụ nuôi kết thúc.
Tần suất thu mẫu là 2 lần/tháng, bao gồm cả mẫu tôm nuôi và mẫu môi trường nước lợ. Tổng số mẫu giám sát sẽ là 220 mẫu, gồm các chỉ tiêu xét nghiệm bệnh virus đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, bệnh đầu vàng và bệnh virus gan tụy. Các chỉ tiêu môi trường nước lợ sẽ gồm độ pH, độ muối, kiềm, amoni và vi khuẩn Vibrio trong nước.
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh rất cần sự phối hợp đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. “Chủ cơ sở nuôi tôm khi phát hiện tôm nuôi nhiễm bệnh hoặc chết bất thường phải khẩn trương thông tin về UBND xã, ngành thủy sản cấp huyện và các hộ nuôi xung quanh.
Khi nhận được tin, ngành thủy sản cấp huyện phải cử ngay cán bộ kỹ thuật đến hiện trường kiểm tra, hướng dẫn xử lý tạm thời, đồng thời báo về Chi cục Nuôi trồng thủy sản đến kiểm tra, xử lý. Ngành thủy sản sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương và người nuôi xác định nguyên nhân gây bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng trị bệnh để các chủ hộ nuôi chủ động khắc phục” - bà Tâm nói.
Có thể bạn quan tâm
Nằm trong chương trình “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, Sở Công thương Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị “kết nối cung- cầu sản phẩm của doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng” với sự tham dự của các hiệp doanh doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện Krông Bông (Dak Lak) đã có trên 67 ha mì (sắn) bị bệnh rệp sáp bột hồng, tập trung ở các xã Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn và thị trấn Krông Kmar.
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Quang Húc cho biết, đời sống của hơn 4.000 người dân nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào SXNN. Tuy nhiên, trồng lúa chỉ giúp dân chủ động lương thực, chứ để làm giàu có thì rất khó. Sông Bứa chạy qua xã Quang Húc có độ dài khoảng 3 km, nguồn nước tương đối sạch.
Theo Trạm Thủy sản huyện Tam Nông (Đồng Tháp), đến nay, số lượng thả nuôi tôm càng xanh chưa nhiều do nắng nóng kéo dài, đồng thời nhiều người đang phân vân chọn nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh. Tình hình này sẽ khiến cho việc cung ứng tôm giống thiếu cục bộ khi người nuôi có nhu cầu thả nuôi trong cùng một thời điểm...
Trong thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mua giống tiêu lạ ghép mới có gốc ghép giống với tiêu rừng (tiêu trầu) hay tiêu Nam Mỹ về trồng. Theo cơ quan chuyên môn thì giống tiêu này chưa từng được trồng khảo nghiệm tại địa phương.