Ký cam kết không sử dụng chất cấm

Chủ các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai vừa ký vào bản cam kết không sử dụng chất cấm trong nuôi heo. Theo cam kết này, người chăn nuôi sẽ tham gia giám sát, tố cáo khi phát hiện những trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm.
Tại hội thảo khoa học “Nuôi heo nạc không sử dụng chất cấm” diễn ra tại Đồng Nai ngày 24-8, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăn nuôi trong và ngoài nước đã giới thiệu với người chăn nuôi nhiều giải pháp nuôi heo siêu nạc mà không cần sử dụng chất cấm.
* Nuôi heo siêu nạc không chất cấm
Tham gia hội thảo, TS. William W. Riley, Đại học Jinan (Trung Quốc), chia sẻ: “Tôi muốn mang đến cho các bạn câu chuyện tương tự như đã xảy ra tại Đồng Nai. Ở Trung Quốc cũng có tình trạng nhiễm chất cấm trong thịt heo và hàng trăm người phải đến bệnh viện, có người đã chết vì ngộ độc chất cấm.
Chúng ta vẫn có thể nuôi heo siêu nạc bằng cách cải tạo con giống, chế độ thức ăn và chọn những sản phẩm bổ sung được cho phép sử dụng vì không có hại cho sức khỏe người dùng. Điều này rất quan trọng vì hiện an toàn thực phẩm là vấn đề toàn cầu và thực hành nuôi dưỡng an toàn để sản xuất thịt chất lượng cao là yêu cầu tất yếu hiện nay.”.
Đánh giá về tiềm năng lớn của ngành chăn nuôi heo, PGS.TS Lã Văn Kính, Viện phó Viện Chăn nuôi Việt Nam, Giám đốc Viện Chăn nuôi Nam bộ, so sánh: “Với sản lượng sản xuất 3.159 triệu tấn/năm, Việt Nam đang đứng thứ 6 trong danh sách 10 nước sản xuất thịt heo nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, mức tiêu thụ thịt heo của người dân tại Việt Nam chỉ bằng 40 - 50% so với mức tiêu thụ của các nước khác trên thế giới nên tiềm năng thị trường còn rất lớn”. Theo ông, hội nhập mang lại cơ hội lớn, thị trường lớn cho ngành chăn nuôi nhưng cũng kèm theo những thách thức không nhỏ.
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, người chăn nuôi cần áp dụng hàng loạt giải pháp về giống, thức ăn, sinh sản, phòng trị bệnh, chất dinh dưỡng bổ sung... để nuôi heo đạt tỷ lệ nạc cao mà vẫn an toàn.
* Phát huy vai trò của cộng đồng
Bà Phạm Thị Nhì, nông dân chăn nuôi tại huyện Thống Nhất, khẳng định: “Việc sử dụng chất tạo nạc cho heo không đạt hiệu quả khổng lồ về lợi nhuận như mọi người vẫn tưởng, mà gây thiệt hại lớn cho cả ngành chăn nuôi. Từ việc đang đạt lợi nhuận tốt, ngay sau khi có thông tin một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vi phạm sử dụng chất cấm, nông dân chúng tôi lỗ hàng trăm ngàn đồng cho mỗi con heo bán ra”. Đa số nông dân nuôi heo trên địa bàn tỉnh đều bức xúc và mong các cơ quan nhà nước xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tránh một vài “con sâu làm rầu nồi canh”. Báo chí cũng cần tuyên truyền đúng sự thật để người nuôi heo không bị vạ lây.
PGS. Nguyễn Ngọc Hải (Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh), chuyên gia tư vấn cho Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng: “Việc sử dụng chất cấm đang “đầu độc” chính bản thân người chăn nuôi. Ở đây, phải sử dụng sức mạnh cộng đồng để vận động người chăn nuôi thay đổi tập quán theo hướng sản xuất an toàn. Việt Nam đang hội nhập rất sâu, mục tiêu sản xuất của chúng ta không chỉ cho người tiêu dùng trong nước mà phải theo chuẩn thế giới. Nếu không, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà vì người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm nhập khẩu”.
Phát huy sức mạnh cộng đồng, sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi trong việc kiểm soát, giám sát nạn sử dụng chất cấm cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ông Tạ Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Pháp, sản xuất thức ăn gia súc Proconco (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), nhận xét việc sử dụng chất cấm đã tái phát nhiều lần vì có sự hấp dẫn rất lớn về lợi nhuận. Nhưng bà con chăn nuôi không nên đổ tiền, công sức để tạo ra những sản phẩm không an toàn, gây tác hại khôn lường đến cộng đồng, đến các thế hệ sau.
Thực tế, hiện nay có thể xảy ra tình trạng người chăn nuôi vô tình sử dụng chất cấm do mua phải thức ăn chăn nuôi có trộn lẫn chất này mà không biết. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp muốn giới thiệu đến người dân chuỗi sản xuất sạch từ trang trại đến bàn ăn. Mặt khác, nhà nước cần tăng cường quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, mua bán, sử dụng chất cấm.
Có thể bạn quan tâm

Địa điểm và công trình nuôi phải được xây dựng ở khu vực được quy hoạch không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt. Công trình nuôi cần xây dựng đúng kỹ thuật, có cống cấp thoát nước riêng biệt và có ao lắng ao xử lý, có bờ vững chắc, không bị rò rỉ.

Cánh đồng trồng cây bông vải của huyện Tuy An trước đây rộng gần 200ha, nay đã thu hẹp đáng kể. Nguyên nhân là do giá bông quá thấp, nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này.

Nhung của hươu sao được coi là dược liệu quý và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nắm bắt được tâm lý đó, gia đình ông Vũ Trí Long, xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) đã mạnh dạn đầu tư nuôi loại động vật này.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Nguyễn Văn Hòa, khẳng định nhu cầu của thị trường thế giới đối với hạt cacao là rất lớn và đây là loại cây trồng xen dưới vườn dừa, vườn cây ăn trái bền vững nhất hiện nay.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La vừa tập huấn chuyển giao “Kỹ thuật canh tác ngô bền vững trên đất dốc” cho 30 học viên là nông dân sản xuất ngô giỏi trên địa bàn tỉnh.