Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

KS Nguyễn Ngọc Thành người góp phần ươm mầm & nhân rộng giống mãng cầu xiêm Thái

KS Nguyễn Ngọc Thành người góp phần ươm mầm & nhân rộng giống mãng cầu xiêm Thái
Ngày đăng: 27/06/2015

Đặc biệt, hoa có tính chất lưỡng tính nên có thể tự thụ phấn và đậu trái, không phải tốn công thụ phấn nhân tạo như mãng cầu xiêm đơn tính.

Anh Thành cho biết, giống mãng cầu xiêm Thái do anh ươm ghép có nguồn gốc từ Thái Lan. Trước đây, một nông dân ở xã Mỹ Đông, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, trong một chuyến đi du lịch Thái Lan đã mua và mang giống cây mãng cầu xiêm Thái về trồng.

Nhận thấy cây cho năng suất cao, chất lượng trái ngon, lại không mất công thụ phấn nhân tạo như cây mãng cầu xiêm đơn tính (tương truyền do nước Xiêm La cống nạp cho Việt Nam sau Chiến thắng Giáp Ngọ, năm 1834), cháu của ông là anh Nguyễn Văn Ngọc dùng hạt ươm cây giống để mở rộng diện tích canh tác.

Năm 2008, có dịp đến tham quan vườn mãng cầu của anh Ngọc, anh Thành chọn 5 cây bố mẹ ưu tú trong vườn và đề nghị anh Ngọc cho anh khai thác bo giống trong 1 năm với giá 5 triệu đồng/cây để nhân giống và trồng thử nghiệm trên vùng đất Cái Bè.

Sau khi nhân giống được 300 gốc ghép và trồng thử nghiệm thành công trên vùng đất nhiễm phèn của huyện Cái Bè, từ đó đến nay, mỗi năm anh ươm ghép hàng chục ngàn cây giống cung cấp cho nhà vườn trong, ngoài tỉnh (An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp...) có nhu cầu. “Trong năm 2014, tôi cung ứng cho thị trường 10 ngàn cây giống, dự kiến năm 2015 lượng cây giống tiêu thụ có thể đạt 15 ngàn cây (giá bán 17 ngàn đồng/cây)” - anh Thành cho biết.

Theo anh Thành, thời gian ươm tạo cây giống hoàn chỉnh mất khoảng 9 - 10 tháng, trong đó thời gian tạo gốc ghép từ 6 - 7 tháng, thời gian từ khi ghép bo đến khi cây đâm chồi, đẻ nhánh hoàn chỉnh mất khoảng 3 tháng.

Để tạo gốc ghép, anh sử dụng hạt bình bát để ươm trong bầu (dùng xơ dừa chứa trong bọc ny lon), khi thân cây lên cao từ 70 - 80cm thì bấm đọt để lại chiều cao từ 25 - 30cm (để tập trung nuôi thân) và khi đường kính thân cây đạt yêu cầu, thì tiến hành ghép bo.

Về bo giống, thay vì sử dụng da (vỏ cây) để ghép như lối truyền thống, anh áp dụng phương pháp ghép cành, vừa ít hao bo giống, vừa khắc phục rủi ro trong quá trình ghép (nếu da bị giập 1 góc nhỏ thì bo ghép sẽ bị thối, hư). Khi ghép, chú ý chọn cành tơ, khỏe, cành giống từ khi cắt đến khi ghép không quá 48 giờ (tốt nhất là từ 24 - 36 giờ). Bo ghép trong 2 tuần bắt đầu liền da, sau 3 - 4 tuần đâm chồi, khi đó có thể cắt bỏ nhánh của gốc ghép.

Trong quá trình ghép, chú ý chừa lá thở từ gốc ghép (giúp cây quang hợp, nuôi thân), cắt da phía trên chỗ ghép để cây tập trung nhựa nuôi dưỡng nhánh ghép. Ngoài ra, sử dụng nylon bao kín khu vực chỗ ghép để giữ ẩm.

Anh Nguyễn Văn Sáu bên cạnh vườn mãng cầu xiêm Thái đang cho trái.

Cây giống sau khi trồng 18 tháng sẽ ra hoa, kết trái. Do hoa có tính chất lưỡng tính (tự thụ phấn và đậu trái), người trồng không phải tốn thời gian, công sức để thụ phấn nhân tạo như đối với cây mãng cầu đơn tính (dùng phấn của hoa đực bỏ vào nhụy của hoa cái). So với mãng cầu đơn tính, cây mãng cầu xiêm Thái cho năng suất cao hơn, chất lượng trái cũng ngon hơn (độ ngọt cao hơn, ít hạt, trái ít bị lép...).

Từ tháng 7 âl hàng năm, cây bắt đầu ra hoa, đậu trái và sau đó cho trái liên tục. Sản lượng trái tăng dần theo tuổi của cây, khi được 5 năm tuổi, mỗi cây có thể cho 100 kg trái/năm. Đặc biệt, do được ươm ghép trên gốc bình bát nên cây mãng cầu xiêm Thái có thể thích ứng với điều kiện đất đai khô hạn, thủy triều lên xuống, ngập úng hay nhiễm phèn, mặn... Có thể trồng chuyên canh hay tận dụng đất trống, lề mương, kết hợp trồng xen với một số cây ăn trái khác như cam, bưởi, chanh… (giúp che mát) để tăng thu nhập.

Theo Hội Làm vườn huyện Cái Bè, thị trường đầu ra cho trái mãng cầu xiêm Thái đang có nhiều triển vọng. Bên cạnh thị trường nội địa, hiện có 1 doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề muốn ký hợp đồng bao tiêu với huyện để chế biến mãng cầu philê đóng hộp xuất khẩu sang Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore...

Đây sẽ là cơ hội để ngành Nông nghiệp nghiên cứu, tính toán hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích canh tác cây mãng cầu xiêm Thái, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập cho người dân; đặc biệt là đối với một số khu vực đất trũng, nhiễm phèn, nhiễm mặn của tỉnh vốn không thích hợp với một vài loại cây ăn trái khác.

Trước mắt, đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức đánh giá, thẩm định và công nhận giống mãng cầu xiêm Thái do anh Thành ươm ghép, sau đó hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn điểm và tiến hành nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh.

Chú Cao Văn Chính (ấp 4, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè) cho biết:“Tận dụng các lề mương trồng thơm son còn trống, tôi trồng 100 gốc bình bát và nhờ anh Thành ghép giống mãng cầu xiêm Thái, hiện đã 18 tháng tuổi và đang bắt đầu cho trái (cây tự ra hoa, đậu trái). Thời gian tới, tôi tiếp tục trồng mãng cầu xen với các liếp chanh đang cho trái, do cây mãng cầu xiêm Thái khá thích hợp với vùng đất nhiễm phèn này”.

Anh Nguyễn Văn Sáu (ấp 3, xã An Thái Trung, huyện Cái Bè) phấn khởi cho biết: “Sau khi trồng 250 gốc mãng cầu đơn tính được 1 năm tuổi, qua thông tin từ Hội Làm vườn huyện Cái Bè, tôi nhờ anh Thành tư vấn và hỗ trợ ghép lại giống mãng cầu xiêm Thái (chỉ để lại 2 cây để đối chứng). Vườn mãng cầu của tôi hiện đã hơn 3 năm tuổi, mỗi năm tôi thu hoạch trên 12 tấn trái (cây đậu trái tự nhiên, trong khi 2 cây đối chứng không cho trái do không được thụ phấn nhân tạo)”.

Theo 1 cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh, để giống mãng cầu xiêm Thái do anh Thành ươm được xem xét công nhận, trước mắt Hội Làm vườn huyện Cái Bè cần tuyển chọn ra những cây “đầu dòng”, sau đó đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, công nhận “Cây đầu dòng mãng cầu xiêm” (với những đặc trưng về năng suất, chất lượng, mẫu mã, tính thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng…); cùng với những triển vọng về đầu ra. Đây sẽ là điều kiện để được Nhà nước xem xét hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật… nhằm mở rộng diện tích canh tác.


Có thể bạn quan tâm

Xóa Bờ Bao Làm Cánh Đồng Sinh Thái Xóa Bờ Bao Làm Cánh Đồng Sinh Thái

Ông Võ Thành Nhơn làm 6,2 ha lúa ở ấp Vĩnh Thành cho biết: "Tham gia mô hình này, Trạm BVTV huyện xuống tập huấn áp dụng chương trình "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm". Sau đó, hướng dẫn trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, nhờ đó giảm được lần phun thuốc ở giai đoạn đầu và trước khi thu hoạch".

22/11/2014
Duy Trì Hoạt Động Nhân Giống Lúa Duy Trì Hoạt Động Nhân Giống Lúa

An Giang là tỉnh sản xuất lúa lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, năng suất và sản lượng lúa không ngừng gia tăng, đã góp phần quan trọng phục vụ xuất khẩu và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thành công này có phần đóng góp không nhỏ của công tác khuyến nông, đó là chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tăng thu nhập cho nông dân.

22/11/2014
Mô Hình Thâm Canh Đậu Phụng Có Hiệu Quả Mô Hình Thâm Canh Đậu Phụng Có Hiệu Quả

Vụ Đông Xuân (ĐX) 2013 - 2014 và vụ Thu 2014, huyện Phù Cát (Bình Định) đã thực hiện 2 mô hình (MH) cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất đậu phụng trên diện tích 88 ha tại 2 xã Cát Hiệp và Cát Hải, có 373 hộ tham gia. Bên cạnh việc thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, MH còn được triển khai 5 công thức bón phân cho cây đậu phụng.

22/11/2014
Lao Đao Vì Dịch Chổi Rồng Lao Đao Vì Dịch Chổi Rồng

“Nông dân cần kịp thời được tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống mới. Thu hoạch cách nhau mấy ngày mà chênh lệch đến mấy triệu đồng... Sống nhờ vườn mà nghề vườn bấp bênh, rủi ro quá, nhiều người đã bỏ đất đi làm thuê làm mướn”, anh Nghĩa nói vậy. Bản thân anh cũng đang hợp đồng với ngành du lịch Vĩnh Long chạy đò chở khách để kiếm thêm phụ vợ nuôi bầy con.

22/11/2014
Cam Cao Phong Hành Trình Xây Thương Hiệu Cam Cao Phong Hành Trình Xây Thương Hiệu

Với giá trị kinh tế nổi bật, cây cam đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong. (Gia đình anh Cao Xuân Quỳnh, xóm Nam Thành, xã Nam Phong (Hòa Bình) thoát nghèo vơn lên làm giàu nhờ cây cam).

22/11/2014