Kinh Nghiệm Nuôi Bò Thịt Hiệu Quả
Qua tìm hiểu thực tế thị trường, học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, truyền hình và các mô hình chăn nuôi bò thịt hiệu quả trong Nam, ngoài Bắc, anh Phạm Đức Đạt ở Kim Độ, Hiệp Cát, Nam Sách, Hải Dương đã gặt hái được thành công ngay từ lứa bò thịt đầu tiên.
Đầu năm 2014, với số vốn tích góp được trong tay anh đã mạnh dạn mua 10 con bê lai Sind vừa tách mẹ về nuôi. Sau 04 tháng chăm sóc và vỗ béo bò theo hướng bán công nghiệp anh đã bán được từ 27 - 30 triệu đồng/con, thu về với số tiền lãi trên 40 triệu đồng. Bình quân lãi được 4,2 triệu đồng/con.
Để có được kết quả này, anh chia sẻ: Trước khi bắt tay vào nuôi bò thịt, anh đã dày công nghiên cứu và học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm thực tế từ khâu chọn giống, làm chuồng trại, xử lý thức ăn, chất thải, cách nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng bệnh và vỗ béo bò...Đây là tiền đề, nền tảng giúp anh yên tâm chăn nuôi và thành công ngay từ “tác phẩm đầu tay” của mình.
Đây là lứa nuôi đầu tiên, hơn nữa vốn chăn nuôi còn ít nên anh chưa dám đầu tư nuôi nhiều, vừa nuôi vừa học hỏi và rút ra kinh nghiệm cho mình.
Anh cẩn thận tuyển chọn từng con giống như chọn bê lai, con đực khỏe mạnh, có thân hình vạm vỡ, mình tròn, mông vai cân xứng... Về thức ăn, anh chú trọng nguồn thức ăn tổng hợp (thức ăn thô xanh, thức ăn tinh, muối khoáng và vitamin cần thiết) nhằm đảm bảo cho bò tăng trọng tốt và khỏe mạnh.
Qua chương trình hướng dẫn kỹ thuật về cách ủ chua thân ngô làm thức ăn cho bò thịt, anh học tập và ủ thành công nguồn thức ăn này. Theo anh, để có được lô thức ăn lên men đạt yêu cầu, giúp bò tiêu hóa tốt, chóng lớn... cần chuẩn bị bao nylon dày, lớn buộc ủ trong nhà. Vật liệu dùng để ủ làm thức ăn bao gồm: Thân lá cây ngô bánh tẻ (cây đã thu hoạch bắp non) chặt ngắn 5-7cm để ráo nước, rỉ mật, cám gạo hoặc bột ngô xay và muối.
Trộn thức ăn với tỷ lệ: 100kg thân lá ngô + 4kg rỉ mật + 2kg cám gạo + 0,5 kg muối. Hỗn hợp sau trộn anh cho vào bao nylon rồi nén chặt cho hết không khí trong bao và buộc kín. Sau khoảng 15-25 ngày tùy theo thời tiết là đủ tiêu chuẩn cho bò ăn dần. Ngoài nguồn thức ăn ủ men này anh còn đầu tư trồng 3 sào cỏ voi để cũng cấp thêm thức ăn xanh hàng ngày cho bò.
Qua thực tế anh nhận thấy, nguồn thức ăn lên men rất tốt cho bò, nó không chỉ cung cấp các chất dinh dưỡng mà lượng men trong thức ăn còn giúp bò tiêu hóa rất tốt, bò hiếm khi bị bệnh đường ruột. Đồng thời, ủ thức ăn như vậy người nuôi sẽ không tốn công tìm kiếm thức ăn thô trong những mùa khan hiếm, ngày mưa gió lại tận dụng được nguồn cây ngô bánh tẻ tích lũy cho bò ăn dần mà không sợ hỏng (thức ăn lên men có thể cất trữ được 6 - 9 tháng).
Để có được mức tăng trọng tốt cho bò, chất lượng thịt mổ cao, anh áp dụng nuôi bò thịt theo hướng bán công nghiệp: Khẩu phần ăn hằng ngày cho bò bao gồm: 1 bữa cám công nghiệp loại vỗ béo bò, với lượng 1kg cám/con + 1 bữa thức ăn ngô ủ lên men, với lượng 10-12 kg ngô ủ/con + 10-15 kg cỏ tươi, kết hợp chăn thả ngoài đồng và cho bò vận động.
Ngoài ra, anh cũng rất chú trọng về khâu chuồng trại, vệ sinh thú y cho bò. Anh đầu tư xây chuồng có lán che, thoáng mát, máng ăn, máng uống quy củ và làm giáo chia ô cho bò (4m2/con). Để tránh ô nhiễm môi trường, anh xây hầm biogas để xử lý chất thải của bò và làm chất đốt cho gia đình.
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” anh luôn học hỏi kỹ thuật từ đồng chí khuyến nông viên xã - một bác sĩ thú y có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi. Các việc như tiêm phòng vắc xin, vệ sinh, tẩy uế chuồng trại được anh áp dụng và thực hiện thường xuyên...
Anh Đạt cho biết, qua lứa đầu tiên chăn nuôi bò thịt anh thấy so với việc chăn nuôi lợn thịt hay gà thịt thì việc nuôi bò nhàn hơn rất nhiều, hơn nữa bò lại có khả năng kháng bệnh tốt hơn nên việc chăm sóc cũng dễ dàng hơnl; mặt khác, chất thải của bò thải ra cũng không gây ô nhiễm môi trường như gà và lợn...
Đây là lứa gia đình anh mua giống bê vào thời kỳ giá đỉnh điểm (14 triệu/con) mà giá bò thịt lúc bán ra lại không được cao nhưng anh vẫn có lãi, vì vậy, anh yên tâm, tin tưởng mở rộng quy mô để nuôi nhiều bò thịt hơn.
Hiện tại trong chuồng gia đình anh có 15 con bò thịt, anh mong muốn các cơ quan nhà nước sẽ tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật để có điều kiện mở rộng chăn nuôi và hiệu quả hơn. Với những kết quả đã đạt được, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò thịt với bà con trong và ngoài huyện.
Có thể bạn quan tâm
Theo đánh giá của Tổ điều hành xất khẩu gạo, các nước nhập khẩu lớn ở khu vực châu Á tăng cường nhập khẩu, một số thị trường trọng điểm truyền thống cũng tiếp tục giao dịch. Cụ thể, Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 31,1% thị phần.
Thời gian gần đây, sau nhiều thông tin rau có chất tăng trưởng, chị Hoa (quận 3, TP HCM) rất hạn chế mua rau ở chợ mà thường xuyên đặt hàng rau tại Đà Lạt chuyển xuống. Chị đặc biệt hứng thú với các loại rau củ tí hon hay còn gọi là “baby”. Trọng lượng của các sản phẩm này nhỏ hơn rất nhiều so với những loại củ quả thông thường. Bí ngô chỉ vài gram và nằm gọn lòng bàn tay, còn cà rốt như ngón tay cái.
Đến Sa Huỳnh (Đức Phổ), những thực khách xuýt xoa khen ngợi các món ăn được chế biến từ nhum. Cách đấy không xa, nhiều bóng người cứ ẩn hiện sau những con sóng lặn bắt từng con nhum cố bám vào ghềnh đá ven bờ biển. Cơ thể họ tím tái vì ngâm lâu trong làn nước lạnh.
Năm 2012, tại kỳ hợp thứ 4 HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) đã ra Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND ngày 06/7/2012 thông qua Đề án phát triển SX lúa đặc sản đến năm 2015 với mục tiêu của Đề án đến cuối năm 2015, diện tích lúa đặc sản vùng đề án đạt 52.000 ha trong kế hoạch 70.000 ha của toàn tỉnh.
Thông tin tại hội nghị, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - nhà vận chuyển thủy nội địa hàng đầu tại ĐBSCL - cho biết từ năm 2010 đến nay, dù sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng container từ ĐBSCL đến TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu tăng bình quân 8%/năm nhưng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vận chuyển của toàn vùng, khoảng 17-18 triệu tấn/năm.