Kinh Doanh Gia Cầm Mùa... Dịch Bệnh: Giảm Giá, Vẫn Ít Người Mua
Thời gian gần đây, do dịch cúm gia cầm khiến người tiêu dùng lo sợ nên giá các sản phẩm gia cầm liên tục giảm. Tại nhiều chợ trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng giá giảm, sức mua giảm đã ảnh hưởng không nhỏ tới cả người sản xuất và kinh doanh gia cầm.
Kinh doanh ế ẩm
Mặc dù trên địa bàn Hà Nội chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng thông tin về tình hình dịch bệnh trên cả nước, cũng như sức mua giảm khiến giá gia cầm tại nhiều chợ giảm mạnh. Chị Hoàng Thị Hạnh, một hộ chuyên buôn bán gia cầm sống tại chợ Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ cho biết: "Ra Tết, giá các loại gia cầm liên tục giảm.
Trước Tết, giá gà ta ngon trung bình khoảng 120.000 đồng/kg nhưng hiện giảm xuống còn 75.000 - 80.000 đồng/kg. Tương tự, giá ngan lông từ 70.000 đồng/kg giảm xuống còn 50.000 đồng/kg".
Cùng chung tâm trạng lo lắng vì "ế hàng" bởi ảnh hưởng của thông tin dịch cúm, chị Ngô Thị Thu, tiểu thương kinh doanh gia cầm tại chợ Tó, huyện Thanh Trì cho hay, trước đây, mỗi ngày chị vẫn bán được trung bình từ 60 - 70 kg gia cầm các loại. Tuy nhiên, những ngày gần đây, lượng gia cầm bán ra chỉ đạt từ 15 - 20 kg/ngày.
Không chỉ ở các huyện ngoại thành, tình hình kinh doanh sản phẩm gia cầm ở các chợ trong nội thành cũng khá trầm lắng. Qua khảo sát tại các chợ Ngã Tư Sở, Khương Đình, Hà Đông… nhiều sạp hàng bán trứng, thịt gia cầm (gà, ngan, vịt, chim cút) rất vắng khách mua, dù các tiểu thương tích cực mời chào.
Chị Nguyễn Thị Xuân, tiểu thương bán thịt gà, vịt làm sẵn tại chợ Hà Đông cho biết: "Gần nửa tháng nay, lượng khách hỏi mua gà, vịt giảm hẳn. Không chỉ thế, các mối hàng lớn như các hàng quán, bếp ăn, nhà hàng cũng hạn chế đặt hàng. Nguyên nhân chủ yếu do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác do lo ngại dịch cúm gia cầm".
Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện giá các sản phẩm gia cầm đã giảm đáng kể. Tại Hà Nội, giá gà lông màu chỉ còn 35.000 - 39.000 đồng/kg, gà công nghiệp 25.000 - 29.000 đồng/kg, giảm 20% so với thời điểm đầu năm. Đặc biệt, trứng gà công nghiệp cũng giảm mạnh, chỉ còn 1.200 - 1.500 đồng/quả; con giống gia cầm giảm tới 70%, dao động từ 2.000 - 5.000 đồng/con.
Không nên hoang mang
Trước diễn biến của thị trường và sản xuất, Cục Chăn nuôi khuyến cáo các địa phương cần định hướng cho người tiêu dùng bình tĩnh, không nên hoang mang, tẩy chay các sản phẩm gia cầm. Theo đó, người dân hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thú y và chế biến đúng cách, không nên ăn tiết canh.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, cần xem dịch cúm A/H5N1 là dịch địa phương, vì nhiều tỉnh không có dịch này. Với các vùng khi có dịch xảy ra, phải khoanh vùng kiểm soát, không nên tuyên truyền quá rầm rộ khiến người dân hoang mang, tẩy chay sản phẩm.
Dự báo, trong thời gian tới, cung cầu về gia cầm, sản phẩm gia cầm có thể sẽ xảy ra sự mất cân đối do người chăn nuôi không dám tái đàn vì lo dịch bệnh. Theo ông Trọng, trong khoảng 2 - 3 tháng tới, nguồn cung thực phẩm sẽ giảm mạnh và giá sẽ tăng lên. Khi đó có thể sẽ xảy ra tình trạng nhập lậu các sản phẩm gia cầm do giá trong nước và nước ngoài chênh lệnh.
Để ổn định sản xuất, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất giống tại chỗ cho 7 tỉnh biên giới phía Bắc, dự kiến sẽ được triển khai trong tháng 3. Mô hình này sẽ giúp người chăn nuôi trong nước tự chủ về con giống, nhanh chóng tái đàn, ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát để ngăn gia cầm nhập lậu qua các đường tiểu ngạch. Đồng thời, khuyến khích người chăn nuôi hình thành mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó thực hiện đóng cửa định kỳ tại các chợ chuyên kinh doanh gia cầm để vệ sinh tiêu độc.
"Các địa phương cần nghiêm túc kiểm soát địa bàn xảy ra dịch cúm gia cầm, không để tình trạng bán chạy bán tháo. Với những nơi chưa có dịch, cần khuyến khích người dân tiếp tục phát triển chăn nuôi" - Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.
Related news
Là doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, từ nhiều năm qua, Công ty TNHH Vũ Thịnh (thị trấn Vôi, Lạng Giang, Bắc Giang) đã chú trọng phát triển các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Khoảng 10 phút đã gặt hết bay một sào lúa, nông dân chỉ việc mang thóc về phơi, đó là hiệu quả làm việc của chiếc máy gặt đập liên hợp lần đầu tiên có mặt ở xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn.
Khoai lang là loài cây dễ trồng, đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Sản phẩm khoai lang sản xuất ra không chỉ sử dụng cho tiêu dùng như một loại rau sạch, làm lương thực và làm quà mà còn thân thiện với môi trường và sức khoẻ của con người. Ngoài ra, khoai lang còn là nguyên liệu phục vụ cho công nghệ chế biến công nghiệp hiện nay như: chips, miến...
Vào thời điểm này, tại xã Việt Tiến huyện Việt Yên phần lớn bà con nông dân đã thu hoạch xong cà chua bi vụ đông để bước vào vụ mới nhưng còn một số hộ vẫn giữ lại cây cà chua bi để tận dụng thu hoạch nốt lứa quả cuối cùng. Bởi họ nhận thấy rằng thu được vài tạ quả lúc cuối vụ có giá trị kinh tế bằng cả một vụ lúa.
Trên một cánh đồng, nông dân cấy cùng một loại giống lúa, cùng một thời điểm và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu giống, vật tư phân bón, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa sản xuất và công tác quản lý đồng ruộng nhằm tạo ra một chuỗi sản phẩm hợp lý, giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị trên 1ha đất canh tác – đó chính là mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã và đang được triển khai thực hiện có hiệu quả tại xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng với quy mô 50 ha. Đây là cánh đồng mẫu đầu tiên trong tỉnh nhằm tạo ra một "cuộc cách mạng" trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.