Kiên Quyết Không Nuôi Tôm Nước Mặn Trong Vùng Ngọt Hóa
Thời gian gần đây, người dân Ba Tri (Bến Tre) đầu tư mạnh tay hơn để nuôi tôm trong vùng qui hoạch, kể cả khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm biển. Trước tình hình đó, Đảng bộ và chính quyền huyện Ba Tri đã kiên quyết: không nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch ngọt hóa.
Dọc trên tuyến lộ liên ấp từ ấp Giồng Chi (ấp 5) về trung tâm xã An Hiệp, nhiều ao tôm biển được đầu tư theo dạng nuôi công nghiệp nằm xen trong vườn dừa, ruộng lúa. Mấy chiếc quạt nước được thu gom về một chỗ, chứng tỏ vụ thu hoạch tôm biển vừa xong.
Giải thích với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Duy - cán bộ môi trường xã An Hiệp cho biết, đây là những vuông tôm trong vùng qui hoạch ngọt hóa mà người dân đã ký cam kết với chính quyền địa phương sẽ không thả nuôi tiếp sau ngày 1-1-2014. An Hiệp là một trong những xã có số hộ dân nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch ngọt hóa nhiều nhất của huyện Ba Tri. Tình hình đào ao, khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm biển chỉ mới lắng dịu lại trong thời gian gần đây, khi xã triển khai vận động nhân dân thực hiện chủ trương chung của huyện.
Ông Lê Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp, cho biết khi tuyến đê ven sông Hàm Luông hoàn chỉnh, xã có hai vùng sinh thái rõ rệt. Phần diện tích đất ngoài đê và cồn Đất là vùng nuôi thủy sản nước mặn, vùng trong đê là vùng ngọt hóa, trồng lúa, dừa… và nuôi thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở cặp sông Hàm Luông và ấp Giồng Chi (trong vùng qui hoạch ngọt hóa) vẫn đào ao, khoan giếng, lấy nước mặn nuôi tôm biển.
Thời gian qua, xã đã thành lập đoàn khảo sát, kiểm tra về việc nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa, phát hiện và tiến hành lấp 9 giếng khoan lấy nước mặn. Song song đó, xã cũng đã yêu cầu người dân ký cam kết không nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch ngọt hóa.
Sau khi UBND huyện có kế hoạch về việc không cho nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch ngọt hóa, Đảng ủy, UBND xã càng quyết tâm hơn trong công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát việc nuôi tôm biển của người dân.
Theo số liệu tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, trong năm 2013 diện tích nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch ngọt hóa của huyện là 23ha, tăng 5ha so với năm 2012. Hiện tượng này xảy ra nhiều ở các xã An Hiệp, An Ngãi Tây, Tân Xuân, An Đức.
Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết, việc nuôi tôm trong vùng qui hoạch ngọt hóa làm ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh. Trước mắt, là việc xâm nhập mặn cục bộ ở những khu vực, vùng đã ngọt hóa, tác động đến cây trồng, vật nuôi.
Đối với diện tích đất đào ao nuôi tôm, do trực tiếp tác động bởi nước mặn, sẽ cần một thời gian khá dài để xả mặn, rửa phèn sau khi không còn nuôi tôm nữa. Khi Ba Tri chưa được ngọt hóa, sản lượng lúa khoảng 26 ngàn tấn/năm, hiện nay là 200 ngàn tấn/năm. Nhờ được đầu tư nhiều công trình thủy lợi ngọt hóa, cây trồng, vật nuôi trong huyện đa dạng, năng suất cao hơn trước rất nhiều.
Hiện nay, đàn bò, đàn gia cầm của huyện có số lượng lớn nhất tỉnh, với khoảng 74 ngàn con bò, trên 1 triệu con gia cầm; diện tích trồng hoa màu khoảng 2.500ha, diện tích dừa trên 2.200ha. “Ngọt hóa đã làm tươi tốt những cánh đồng phèn mặn như Cánh đồng phèn (An Hiệp) có diện tích gần 2.500ha; mang lại đời sống ổn định cho người dân vùng Bốn Mỹ (Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Mỹ Thạnh)…” - ông Khánh nhận xét.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Chủ tịch UBND huyện trăn trở, Ba Tri đã phải bỏ ra hơn 2.000ha đất nông nghiệp để làm thủy lợi (chủ yếu là đào kênh dẫn ngọt, đắp đê ngăn mặn). Làm thủy lợi để ngọt hóa Ba Tri là cả một quá trình lịch sử lâu dài, tốn nhiều công sức, tiền của.
Làm những tuyến kênh xương sống như Kênh 9A, kênh tự chảy đưa nước ngọt về Ba Tri với phong trào “Dẫn nước Cửu Long tưới đồng Đồ Chiểu”, trai tráng, thanh niên trong huyện tham gia bằng những ngày công “lao động xã hội chủ nghĩa”, mỗi người từ 10 ngày đến 30 ngày/năm. Liên tục trong hơn 35 năm qua, những công trình thủy lợi ngăn mặn, dẫn ngọt, trữ ngọt cho Ba Tri tiếp tục được đầu tư như Cống đập Ba Lai, Đê ven sông Hàm Luông, Đê biển, hệ thống kênh nội đồng với khoảng 500 tuyến.
Chỉ tính riêng Dự án Đê biển hiện đang thi công, có chiều dài khoảng 31km, kinh phí đầu tư đã lên đến 214 tỷ đồng. Tiền đầu tư làm thủy lợi, ngọt hóa Ba Tri thời gian qua nhẩm tính cũng nằm vào con số ngàn tỷ đồng.
Dẫn nước mặn vào trong vùng đã ngọt hóa để nuôi tôm biển sẽ có những tác động không tốt đến môi trường, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi của nhiều hộ dân trong khu vực. Tác dụng, hiệu quả của các công trình thủy lợi nhằm ngọt hóa như đã nêu trên sẽ không thể phát huy.
Đến thời điểm này, 2/3 diện tích đất Ba Tri đã được ngọt hóa và ranh giới phân biệt vùng ngọt, vùng mặn khá rạch ròi. Việc xác định chủng loại cây trồng, vật nuôi, khuyến cáo, tạo điều kiện cho người dân đầu tư sản xuất ở mỗi vùng mặn, ngọt luôn được huyện quan tâm sao cho phù hợp nhất.
Đối với nuôi tôm biển, diện tích nuôi hiện nay của huyện khoảng 3.000ha, trong đó có 1.300ha nuôi thâm canh. Chủ trương chung của Ba Tri là kêu gọi và tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch; đồng thời, cũng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp làm trái qui hoạch.
Kết luận hội nghị Huyện ủy mở rộng tổng kết năm 2013, đồng chí Nguyễn Văn Lai - Bí thư Huyện ủy chỉ đạo, Ba Tri kiên quyết không nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch ngọt hóa. Hệ thống chính trị của huyện thống nhất chủ trương chung, có giải pháp phối hợp vận động, khuyến cáo và định hướng người dân đầu tư sản xuất thích hợp.
“Người dân không nên vì cái lợi trước mắt, mạo hiểm đầu tư nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch ngọt hóa. UBND huyện sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ qui hoạch, không để xảy ra tình trạng nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch ngọt hóa” - Ông Nguyễn Thanh Hồng - Chủ tịch UBND huyện Ba Tri.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản không theo qui hoạch hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
b) Nuôi các loài thủy sản thuộc danh mục cấm nuôi trồng hoặc không có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
(Điều 24 Nghị định số 103, ngày 12-9-2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản).
Có thể bạn quan tâm
Đối với các hiệp định thương mại tự do đang đàm phán sẽ theo những định hướng hội nhập: Tăng thị phần, thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các đối tác trong FTAs thông qua xóa bỏ thuế quan, ...
Nhờ phát huy tốt tinh thần cộng đồng trong xây dựng NTM, xã Ninh Lai, Sơn Dương (Tuyên Quang) đang tiến nhanh về đích. Dự kiến hết năm nay, Ninh Lai sẽ là một trong những xã đầu tiên của huyện đạt đủ 19/19 tiêu chí.
Gần 40 năm mày mò, gắn bó với cây ăn quả, nông dân Triệu Tiến Ích đã sáng tạo nên loại cây ăn quả của riêng mình. Với thành công từ nhãn lồng chín muộn, ông Triệu Tiến Ích - Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức đã vinh dự công dân Thủ đô ưu tú.
Cây xạ đen có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất nên trồng vào vụ Xuân, vụ Thu. Vào vụ Xuân, nên trồng cây từ tháng 1-4, vụ Thu từ tháng 9-10.
Trong tháng 9 vừa qua, lô hàng nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đánh dấu việc lần đầu nhãn chín muộn đã thâm nhập được vào thị trường khó tính nhất thế giới.