Hiệu quả từ mô hình 3 giảm 3 tăng
Vụ lúa hè thu năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) Đồng Tháp phối hợp với Trạm KNKN và Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Châu Thành xây dựng mô hình áp dụng 3G3T trong sản xuất lúa ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, quy mô 60 ha với giống lúa cấp xác nhận OM 5451.
Ông Huỳnh Minh Phụng, Giám đốc Trung tâm KNKN Đồng Tháp cho biết: “So với các địa phương khác thì ở huyện Châu Thành nông dân vẫn còn sử dụng giống lúa IR 50404 sản xuất khá phổ biến, giống lúa này hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không khuyến khích trồng vì phẩm chất gạo không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác truyền thống đã làm giảm lợi nhuận của người nông dân rất nhiều vì chi phí cao và sản phẩm không tạo được lợi thế cạnh tranh... Với mô hình 3G3T, chúng tôi mong muốn hướng dẫn cho nông dân những kỹ thuật mới, giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, cùng liên kết xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, từ đó sản phẩm dễ tiêu thụ, giá bán cao hơn và lợi nhuận của nông dân tăng thêm”.
Vụ hè thu năm 2015, 64 hộ nông dân thuộc xã Hòa Tân, huyện Châu Thành được hỗ trợ tham gia thực hiện dự án “Áp dụng 3G3T và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa”. Theo đó, khi tham gia mô hình 3G3T, ngoài việc được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật người dân còn được hỗ trợ 100% lúa giống, 30% vật tư theo định mức kỹ thuật của mô hình. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 236 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Hùng, nông dân tham gia mô hình chia sẻ: “Canh tác lúa theo mô hình 3G3T, gia đình tôi giảm được 30% lượng phân bón, giảm phun xịt thuốc bảo vệ thực vật 3-5 lần/vụ, chỉ phun khi thật sự cần thiết; năng suất lúa tăng 10% so với trước, đặc biệt là lợi nhuận cao hơn hộ bên cạnh khoảng 7 triệu đồng/ha. Không chỉ áp dụng trong gia đình, tôi còn chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hộ khác. Vụ đông xuân tới, nông dân ở đây dự kiến sẽ tiếp tục canh tác giống lúa này và cùng liên kết mở rộng diện tích để dễ tiêu thụ hơn”.
Anh Huỳnh Thanh Tú ngụ ấp Hòa Hưng, xã Hòa Tân cho biết: “Đây là vụ đầu tiên tôi sản xuất giống lúa chất lượng cao nên cũng rất lo lắng khi giảm lượng giống gieo sạ và số lần phun thuốc như cán bộ khuyến nông khuyến cáo. Tuy nhiên, hiện tôi thấy rất phấn khởi với kỹ thuật canh tác mới này, so với giống lúa IR 50404 trước đây thì giống OM 5451 có nhiều ưu thế hơn như: cứng cây, ít đổ ngã, kháng bệnh đạo ôn, đốm vằn, lúa phát triển rất tốt, ít sâu bệnh vì vậy cũng giảm được số lần phun xịt, từ đó sức khỏe cũng được đảm bảo hơn”.
Ông Huỳnh Minh Phụng nhận định: “Mô hình 3G3T là bước đi nền tảng để tạo điều kiện cho nông dân quen dần với kỹ thuật canh tác mới. Sau mô hình này, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển giao những mô hình sản xuất tiên tiến hơn nhằm định hướng nông dân sản xuất lúa đáp ứng tốt như cầu của thị trường”.
Theo đánh giá của Trạm KNKN huyện Châu Thành, việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo mô hình 3G3T đã mang lại lợi ích nhiều mặt, góp phần giảm khoảng 40% chi phí giống (mật độ gieo sạ từ 120 - 140kg/ha so với tập quán canh tác cũ của nông dân sử dụng trên 200kg/ha); cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, áp lực sâu bệnh không cao nên cũng giảm được trên 2 triệu đồng cho chi phí thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Phẩm chất gạo tốt, năng suất tăng, vì vậy góp phần tăng lợi nhuận gần 7 triệu đồng so với ngoài mô hình.
Chương trình 3 giảm 3 tăng (3G3T) còn được gọi là Quản lý dinh dưỡng và dịch hại tổng hợp được gọi tắt là IPM (Integrated Pest Management). Đây là chương trình quản lý dịch hại dựa trên mối quan hệ của dinh dưỡng cây trồng và sự gây hại của dịch hại. 3G3T bao gồm: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Trước đó, đầu tháng 1/2015, trong quá trình lấy mẫu kiểm dịch cho hàng nông sản nhập khẩu, Cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Cục Bảo vệ thực vật) đã phát hiện 8 lô hàng với 35 container (gần 700 tấn) lạc nhân nhập khẩu từ Ấn Độ qua cảng Hải Phòng có chứa mọt lạc serratus.
Ông Shuntaro Ise, Phó chủ tịch Tập đoàn ISE Food cho biết, ISE Food tại Nhật đã hình thành được hơn 100 năm qua và hiện là tập đoàn có lượng gà đẻ trứng lớn nhất thế giới. Chỉ riêng tại Nhật, ISE Food có các trang trại với khoảng 120 triệu con gà đẻ trứng, và ở Mỹ có trang trại 12 triệu con.
Gia đình anh Phúc có 3 công ruộng ở vị trí không được tốt nên hiệu quả canh tác lúa không cao, anh phải tìm kế sản xuất (SX) khác để nuôi sống 4 miệng ăn. Tình cờ anh xuống thăm mấy người bạn ở Cà Mau, thấy mô hình nuôi cá bống tượng nên về làm thử. Nào ngờ, con cá bống tượng làm vợ chồng anh bao phen hoảng hồn, do cá chết hàng loạt mà không biết nguyên nhân. Rồi anh kiên nhẫn học hỏi kinh nghiệm, tìm tài liệu nghiên cứu. Từ chỗ nuôi lỗ, anh hòa vốn và có lời.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, cả nước vẫn còn 1 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau và dịch lở mồm long móng xảy ra tại 16 hộ chăn nuôi ở 4 xã, thị trấn (Bằng Vân, thị trấn Nà Phặc, Đức Vân và Vân Tùng) thuộc huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn chưa qua 21 ngày.
Trong những năm gần đây, người dân ở huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích trồng vải thiều sang trồng các loại cây ăn quả khác đem lại thu nhập cao, ổn định. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, nơi đây là một trong những "vựa" quả lớn nhất của tỉnh Bắc Giang.