Kiên Nấm
Cái tên Kiên “nấm” là thương hiệu riêng của anh và ngày càng trở nên gần gũi, được nhiều nông dân cũng như doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến.
Anh Nguyễn Xuân Kiên kiểm tra khu nấm giống.
Không dễ dàng để chúng tôi có được cuộc hẹn với vị giám đốc 35 tuổi tại cơ sở sản xuất nấm của anh ở xã Việt Hùng (Vũ Thư, Thái Bình).
Câu chuyện của chúng tôi chốc chốc bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại và yêu cầu xử lý công việc của Công ty.
Kiên cười xòa giải thích, thời điểm gần cuối năm nên việc sản xuất, kinh doanh rất bận mải.
Dẫn chúng tôi thăm các khu sản xuất, anh kể lại cái duyên của mình đến với những cây nấm bé nhỏ.
Cách đây ít năm, khi đọc được bài báo viết về hiệu quả nuôi trồng nấm mỡ, rơm, sò… ở các tỉnh phía Nam, như có lực hút, anh rất tò mò và thích thú tìm hiểu những loại nấm này.
Khảo sát thực tế ở nhiều cơ sở trong nước, anh nhận thấy sản xuất các loại nấm cho hiệu quả kinh tế cao, có thể tạo việc làm lúc nông nhàn cho lao động nông thôn, tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp và tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người dân.
Vì thế, năm 2012, mặc dù Công ty TNHH Nam Anh đang kinh doanh, phân phối sản phẩm tiêu dùng khá hiệu quả, Kiên vẫn quyết định chuyển sang đầu tư sản xuất các loại nấm ăn.
Nấm linh chi là một trong những loại nấm dược liệu cho giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, "con đường đến thành công không trải bằng hoa hồng".
Giai đoạn đầu, Công ty gặp rất nhiều khó khăn: cơ sở sản xuất, nhà xưởng chưa có, phải thuê của đơn vị ở xã Việt Hùng với kinh phí trên 100 triệu đồng/năm, đầu tư 4 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất như máy băm rơm, máy trộn đảo nguyên liệu, máy đóng, đảo bịch, lò hấp và tu bổ, nâng cấp nhà xưởng.
Số vốn đầu tư lớn trong khi vợ chồng anh mới chỉ nắm được kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm trên lý thuyết, chưa có kinh nghiệm thực tế nên cũng không tránh khỏi lo lắng, băn khoăn.
Từng bước, doanh nghiệp vừa chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, thu hút lao động, vừa mở rộng quy mô sản xuất nấm ăn như các loại mộc nhĩ, nấm mỡ, nấm sò, nấm rơm… Hiện Công ty thu hút 35 cán bộ kỹ thuật, lao động thường xuyên.
Năm 2013, Công ty TNHH Nam Anh đầu tư 17 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng triển khai Dự án xây dựng mô hình sản xuất giống nấm, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại Thái Bình; phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc từng loại nấm cho cán bộ kỹ thuật và lao động.
Nhờ đó, từ những loại nấm ăn có kỹ thuật trồng, chăm sóc đơn giản ban đầu, đến nay, doanh nghiệp của Kiên đã sản xuất được giống nấm, nấm dược liệu, chế biến và bao tiêu sản phẩm nấm cho nông dân.
Bình quân mỗi năm Công ty tiêu thụ trên 1.500 tấn nguyên liệu từ nông nghiệp như rơm, rạ, lõi ngô, mùn cưa…, sản xuất hàng chục tấn nấm ăn các loại, trên 1 triệu bịch giống nấm phục vụ nông dân sản xuất, bao tiêu trên 500 tấn sản phẩm nấm các loại cho người trồng nấm trong và ngoài tỉnh.
Năm 2014, doanh thu của Công ty đạt 9 tỷ đồng.
Không chỉ chú trọng lợi nhuận, Kiên còn tích cực phổ biến và vận động người dân tham gia trồng nấm với mong muốn tạo thêm thu nhập cho bà con.
Khi bà con có nhu cầu trồng nấm, anh phân công cán bộ hướng dẫn kỹ thuật tỉ mỉ, hỗ trợ từ 20 - 50% giá bịch nấm giống, có loại nấm hỗ trợ 100% giống nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn trồng nấm.
Công ty có dịch vụ bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn, tạo thuận lợi cho người sản xuất; nhưng ngược lại, Kiên cũng khuyến khích, thậm chí định hướng thị trường cho hộ dân có nhân lực nên bán lẻ trực tiếp ở các chợ đầu mối sẽ được giá hơn.
Anh bảo, nông dân trồng được cây nấm rất vất vả, vì vậy Công ty luôn tạo điều kiện tốt nhất để người trồng có hiệu quả kinh tế cao, đặt lợi ích của bà con lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Từ hỗ trợ, chuyển giao của Công ty, đến nay đã có gần 50 trang trại, gia trại, hộ dân trong và ngoài tỉnh phát triển trồng nấm các loại, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động nông thôn.
Ông Trần Văn Cảnh (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) cho biết: Trung bình mỗi tháng, tôi thường đặt mua của Công ty TNHH Nam Anh từ 2 - 4 vạn bịch nấm giống linh chi, mộc nhĩ, nấm mỡ… phục vụ cơ sở sản xuất nấm của gia đình.
Nấm giống của Nam Anh sản xuất rất tốt, bảo đảm tỷ lệ sống cao, quả thể sinh trưởng phát triển khỏe.
Nguồn giống ổn định, gia đình tôi yên tâm sản xuất, đến nay đã thu hút gần 30 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
Công nhân đóng gói nguyên liệu vào bịch để cấy nấm.
Với đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, ngay khi làm chủ được kỹ thuật nuôi trồng nấm ăn, Kiên phối hợp với chuyên gia kỹ thuật tìm tòi, đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất các loại nấm dược liệu cao cấp, cho giá trị kinh tế cao như nấm đông trùng hạ thảo, linh chi.
Đến nay, doanh nghiệp của anh là đơn vị duy nhất của tỉnh và là một trong số ít cơ sở trong cả nước lai tạo, sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo trên giá thể hạt gạo, nhộng tằm với thành phần dinh dưỡng, hoạt chất đạt 70% so với đông trùng hạ thảo trong tự nhiên.
Để sản xuất loại nấm dược liệu này, Kiên phải đầu tư phòng nghiên cứu, lắp đặt 6 phòng máy lạnh, nhiều phương tiện, máy móc hiện đại.
Đặc biệt, nấm đông trùng hạ thảo đòi hỏi kỹ thuật ươm trồng, chăm sóc khắt khe, vì vậy, ngoài chuyên gia, vợ chồng anh thường trực tiếp đảm nhận khâu nuôi trồng, chăm sóc.
Đều đặn mỗi ngày, khi ánh đèn các gia đình đã tắt, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, vợ chồng anh vẫn cặm cụi làm việc đến 1, 2 giờ sáng, khi kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lúc chăm sóc từng hộp nấm.
Hiện tại, mỗi tháng doanh nghiệp của anh sản xuất từ 3.000 - 5.000 hộp nấm đông trùng hạ thảo, bán giá 600.000 đồng/hộp tại thị trường trong nước.
Chưa bằng lòng với những gì đã đạt được, Kiên còn ấp ủ ước mơ đưa sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo vươn xa để giới thiệu và khẳng định chất lượng với bạn bè quốc tế.
Anh chia sẻ, đến năm 2016, Công ty sẽ phối hợp với doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ đông trùng hạ thảo ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Nhật Bản với doanh số phấn đấu trên 12 tỷ đồng từ loại dược liệu này.
Những cây nấm nhỏ đã mang lại thành công lớn cho doanh nhân trẻ Nguyễn Xuân Kiên.
Đam mê và không ngừng nỗ lực là kinh nghiệm quý để Kiên "nấm" đạt được ước mơ của mình.
Anh quan niệm, trong sản xuất, kinh doanh, cái "tầm" phải được xây dựng trên nền tảng chữ "tâm" thì mới bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng, bà con nông dân trong tỉnh Ninh Bình đang khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân, chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Dưới cái nắng tháng 5 như đổ lửa, họ như quên đi nỗi vất vả, mệt nhọc bởi niềm vui được mùa.
Đến thời điểm này toàn tỉnh Cà Mau đã xuống giống dứt điểm trà lúa hè thu với hơn 36.600 ha. Tuy nhiên, sự thay đổi bất thường của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Cùng với sự cộng hưởng của nhiều yếu tố khác đã và đang khiến lúa bị ảnh hưởng khá nặng.
Tại huyện Châu Thành, Long An, nơi có hơn 1.000 ha thanh long, người trồng đang kêu trời vì thương lái không đến thu mua. Theo nhiều chủ vườn, các thương lái chỉ chịu mua với giá 9.000 đồng/kg với thanh long ruột đỏ loại 1, tức bằng một phần ba thời điểm cách đây 1 đến 2 tháng.
Nhằm thực hiện tốt quy trình sản xuất giống cây ăn quả hồng không hạt, kiểm soát được chất lượng nguồn giống, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản đã thực hiện hoạt động xây dựng và kiểm soát chất lượng giống cây ăn quả hồng không hạt.
Năm 2012 - 2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Lào Cai đã xây dựng thành công mô hình “Nuôi cá hồi vân thương phẩm trong bể tại xã Dền Sáng, huyện huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai”.