Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đồng Cá Cẩm Khê

Đồng Cá Cẩm Khê
Ngày đăng: 20/01/2014

Đất ven sông, diện tích đồng chiêm trũng, nhiều đời nay cư dân nông nghiệp Cẩm Khê (Phú Thọ) đã sớm quen với nghề cá. Từ ngư dân chuyên nghề chài lưới đánh bắt trên sông Hồng, sông Bứa, ngòi Lao đến nông dân quanh năm chân lấm tay bùn vừa buông cày bừa, liềm hái đã tất bật nơm, vó, dậm kiếm tôm cá nơi đồng ngập úng chế biến thức mặn ăn dần.

Từ khai thác quảng canh đơn thuần, bà con đã biết ngăn đồng, đào ao nuôi thả cá “chui” do chưa được phép chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Để hôm nay, khi thủy sản đã được xác định là hướng phát triển mũi nhọn của huyện, con cá, con tôm đã có chỗ đứng vững chắc, là điểm tựa thoát nghèo, phát triển ổn định cho nhiều gia đình Cẩm Khê…

Đến giờ khi đã có trong tay 1,6 ha nuôi cá, thả tôm mỗi năm cho thu lãi cả trăm triệu đồng, kinh tế gia đình từ khó khăn, thiếu thốn hàng đầu trong xã nay đã bước đầu ổn định, dư dả nhưng mỗi khi nhắc lại chuyện “đổi lúa sang cá”, ông Đặng Văn Được (xóm Đình, xã Văn Khúc) vẫn không khỏi ngậm ngùi.

Thời điểm cuối thập niên chín mươi của thế kỷ trước, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, cũng như nhiều trai tráng trong xã, anh Đặng Văn Được xây dựng gia đình riêng và được thừa hưởng mấy sào ruộng khoán của hai gia đình làm kế sinh nhai. Sẵn sức khoẻ lại cần cù, chịu khó, nhưng xoay sở cách nào cuộc sống hai vợ chồng với đứa con nhỏ mới chào đời vẫn quẩn quanh thiếu đói.

Ruộng chiêm trũng chỉ cấy được một vụ, còn lại nước ngập trắng đồng. Nghe nhiều nơi họ quây đồng nuôi cá, anh cũng mua lưới về đóng cọc làm thử và… trúng lớn. Tiền bán cá một vụ gấp ba lần trồng lúa cả năm. Phấn khởi anh lên xã xin đấu thầu toàn bộ diện tích đất ruộng ngập úng quanh nhà để nuôi thả cá nhưng bị từ chối thẳng thừng với lý do: Không được phép sử dụng đất ruộng để nuôi cá.

Thuyết phục mãi bằng các dẫn chứng cụ thể nuôi cá hiệu quả hơn hẳn trồng lúa, ông Chủ tịch xã mới chấp nhận cho anh nhận làm với điều kiện: Chỉ quây lưới, không đắp bờ kiên cố để khi cần có thể dỡ bỏ ngay và tuyệt đối không để cá phá lúa của các mảnh ruộng lân cận. Suy tính đắn đo mãi, vợ chồng anh quyết định đem đổi tất cả diện tích ruộng tốt hơn của mình lấy mấy thửa chiêm trũng nằm kề cận diện tích được giao thầu để khoanh vùng 1,6 ha chuyên canh nuôi cá. Thời điểm bấy giờ, 40% diện tích đất lúa của xã Văn Khúc là vùng chiêm trũng, chỉ cấy được một vụ.

Không may mắn được nhận thầu đồng như gia đình anh Được, nhận thấy nguồn lợi từ nuôi thuỷ sản, bà con đã tự ý đào ao thả cá. Chính quyền xã nhắc nhở, người dân chuyển sang đốt đèn đào ao ban đêm. Thấu hiểu nguyện vọng của người dân, chính quyền xã tuy không cho phép nhưng cũng không nỡ ngăn cản mà làm báo cáo phân tích đầy đủ, chi tiết tình hình thực tế trình UBND huyện.

Năm 2000, huyện Cẩm Khê chính thức cho phép chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Chủ trương đúng đắn này cùng các chương trình, dự án phát triển diện tích nuôi trồng thuỷ sản của huyện đã mở hướng, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân thoát nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Năm vừa qua, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của Cẩm Khê là 1.890 ha. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 5.229 tấn, trong đó, sản lượng khai thác tự nhiên là 279 tấn; sản lượng thu hoạch từ nuôi trồng là 4.950 tấn.

Bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết: “Hiệu quả từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản đã được khẳng định qua thực tế nhiều năm. Giá trị kinh tế từ thuỷ sản chiếm 11% toàn ngành nông nghiệp huyện. Theo tính toán của người dân, 1 sào cá cho hiệu quả bằng 1,5 đến 3 sào trồng lúa.

Huyện đã có chủ trương chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực ở mức bình quân 400kg/ người/ năm. Thuỷ sản được chú trọng phát triển theo hướng chuyên canh, tăng hiệu quả, giá trị kinh tế. Vừa rồi, huyện đã triển khai mô hình nuôi cá sạch ở xã Tình Cương, nuôi cá rô phi đơn tính ở Văn Khúc và đang tiếp tục đầu tư mở rộng làng nghề cá Thuỷ Trầm (Tuy Lộc), mô hình một cá một lúa tại đồng Láng Chương…”.

Cái khó của hoạt động nuôi trồng thuỷ sản tại Cẩm Khê hiện giờ là nguồn nước sạch chưa được chủ động; vẫn chưa hình thành các vùng chuyên canh thuỷ sản thương phẩm quy mô lớn. Đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh, giá bán thấp… Giải quyết được vấn đề trên, chắc chắn “đồng cá” Cẩm Khê sẽ thực sự khẳng định, phát huy hiệu quả lớn giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, nâng cao mức sống...


Có thể bạn quan tâm

Không nghe lời khuyến cáo nên Không nghe lời khuyến cáo nên "thiệt đơn, thiệt kép"!

Hàng trăm hộ dân trồng khoai lang Nhật Bản ở huyện Krông Ana (Dak Lak) đang bị thua lỗ nặng do giá thu mua hiện nay đang rớt thê thảm.

20/04/2015
Trẻ hóa vườn điều cho năng suất tăng, giá bán cao Trẻ hóa vườn điều cho năng suất tăng, giá bán cao

“Năng suất đạt hơn 4 tấn/ha, như vậy cây điều có thể giúp nông dân làm giàu rồi…” Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói trong dịp đi thực tế vườn điều đã được trẻ hóa của 2 nông dân Hoàng Trọng Thủy, Hoàng Trọng Thanh ở thôn 10, xã Long Hà (Bù Gia Mập - Bình Phước) vào đầu tháng 4.

20/04/2015
Tuy Ðức (Đắk Nông) điều tiết nước tưới hợp lý cho cây trồng Tuy Ðức (Đắk Nông) điều tiết nước tưới hợp lý cho cây trồng

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, mặc dù năm nay mùa khô kéo dài, các hồ đập mực nước xuống thấp nhưng do địa phương đã nhận định được tình hình, chủ động xây dựng lịch nông vụ và điều tiết nước tưới hợp lý nên toàn bộ diện tích cây trồng đều đảm bảo được nguồn nước.

20/04/2015
Đậu xanh vào mùa thu hoạch Đậu xanh vào mùa thu hoạch

Vụ đậu xanh năm nay, toàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trồng 1.066 ha (tăng 259 ha so năm trước), tập trung ở các xã: Khánh Bình Tây 535 ha, Khánh Hưng 420 ha, Trần Hợi 79 ha, Khánh Bình Tây Bắc 17 ha và Khánh Bình Đông 15 ha. Đến nay, bà con thu hoạch được 30 ha, năng suất ước đạt từ 1,5 - 1,8 tấn/ha.

20/04/2015
Cây gừng ở Mỹ Thanh (Bắc Kạn) Cây gừng ở Mỹ Thanh (Bắc Kạn)

Đến xã Mỹ Thanh (Bạch Thông, Bắc Kạn) chúng tôi được nghe nói về việc trồng gừng ở các thôn Phiêng Kham, Thôm Ưng và thôn Châng, nhờ cây trồng này mà nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Với mô hình trồng gừng trên đất đồi đã mở ra một cách làm mới, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

20/04/2015