Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Kiểm Dịch Thực Vật… Bỏ Ngỏ Đến Bao Giờ?

Kiểm Dịch Thực Vật… Bỏ Ngỏ Đến Bao Giờ?
Ngày đăng: 07/11/2014

Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đưa những giống cây trồng mới vào sản xuất trên các vùng đất khác nhau nhằm phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên có một thực tế đáng quan ngại hiện nay là năng suất cây trồng giảm mạnh sau một thời gian ngắn canh tác, sâu bệnh phát sinh gây hại tràn lan, chất lượng sản phẩm kém, tính cạnh tranh thấp. Nguyên nhân đầu tiên được xác định là do nguồn giống không đảm bảo, chưa qua kiểm dịch thực vật.

Nan giải chuyện chất lượng cây giống

Gia đình bà Phan Thị Bình ở tổ 2, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) hiện đã trồng tái canh được hơn 3 sào cà phê. Cùng với số giống được hỗ trợ theo chương trình tái canh của tỉnh thì bà cũng phải mua thêm giống tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Bà Bình cho biết: “Tôi cũng không chắc chắn giống cà phê mình mua có đảm bảo hay không, chỉ biết tin theo lời giới thiệu của người bán rằng là cà phê con được họ lấy về từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên. Qua gần 3 năm trồng thì tôi thấy cây phát triển bình thường nhưng không biết đến thời kỳ kinh doanh thì đạt năng suất như thế nào”.

Cùng với cà phê thì việc trồng các giống tiêu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc cũng đã và đang để lại cho nhà nông thị xã Gia Nghĩa những hậu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Miền ở thôn Tân Bình, xã Đắk R’moan thì dù đã học tập, ứng dụng các kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhưng vườn tiêu mới bước vào thời kỳ kinh doanh của gia đình hiện đã bị vàng lá, rồi rụng lá hàng loạt trơ cả cuống, thân, một số cây đã chết. Ông cho rằng: “Do nguồn giống đã mang mầm bệnh từ trước bởi ngay từ lúc mới trồng, cây đã chậm phát triển”.

Theo ông  Lê Đình Vương, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Gia Nghĩa thì cây giống trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng hiện là chuyện nan giải cho ngành chức năng và người nông dân trên địa bàn. Hiện nay, do nhu cầu ngày càng tăng cao, các điểm kinh doanh cây giống “mọc” lên khá nhiều nhưng không lấy gì làm đảm bảo về việc kiểm dịch thực vật. Khi cơ quan chức năng đi kiểm tra thì các điểm kinh doanh cây giống đều có vi phạm, nhất là lỗi không chứng minh được nguồn gốc cây giống cây trồng đang kinh doanh.

Việc nông dân không có được nguồn giống đảm bảo cũng xảy ra phổ biến ở huyện Đắk R’lấp, nhất là đối với cây chanh dây. Dù không được tỉnh khuyến cáo trồng nhưng diện tích chanh dây của huyện cũng đang ở mức 350 ha, trong đó có  38 ha trồng mới, chủ yếu nằm ở các xã  Đắk Sin, Hưng Bình, Đắk Wer.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp thừa nhận: “Đúng là ngành Nông nghiệp tỉnh cần nâng cao chất lượng hoạt động việc kiểm dịch thực vật, không thể để bỏ ngỏ mãi. Đối với chanh dây, số lượng cây giống qua kiểm dịch, đảm bảo an toàn dịch bệnh vào địa bàn chỉ đạt một phần rất nhỏ so với thực tế sử dụng giống của người dân.

Đây cũng là điều làm cho địa phương lo lắng bởi nông dân sẽ phải đối diện với các nguy cơ cao về sâu bệnh như đã từng xảy ra những năm 2009, 2010. Lúc đó, hàng loạt diện tích chanh dây của bà con Đắk Sin, Hưng Bình bị các bệnh nám bã trầu, úng rễ và phấn trắng đã gây hại làm cho nhà nông thiệt hại lớn”.

Bỏ ngỏ kiểm dịch đến bao giờ

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì nhiệm vụ kiểm dịch thực vật nội địa của cán bộ kiểm dịch thực vật hiện tại chủ yếu là kiểm tra về giấy tờ, thủ tục và theo dõi, giám sát quá trình gieo trồng để phát hiện những sinh vật lạ gây hại phát sinh.

Mặc dù thời gian qua, lực lượng chuyên môn đã có nhiều cố gắng nhưng thực tế, công tác kiểm dịch thực vật nội địa trên địa bàn còn tồn tại nhiều bất cập. Các chốt kiểm dịch thực vật ở xã Đắk Som (Đắk Glong) và Cai Chanh (Đắk R’lấp) hay các cửa khẩu cũng chỉ là một phần nhỏ khối lượng công việc, trong khi đó, lượng cây giống theo các con đường khác nhau vào tỉnh là rất lớn.

Thêm vào đó, việc phối, kết hợp với các lực lượng liên quan khác như công an, quản lý thị trường trong tỉnh cũng chưa thật sự đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thừa nhận: “ Đúng là hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn chưa kham nổi vấn đề kiểm dịch thực vật. Chính vì thế, nông dân vẫn phải mua nhiều loại giống không có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng chưa cao. Điều này làm nãy sinh những nguy cơ về an toàn dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc đảm năng suất, chất lượng nông sản”.

Tỉnh hiện đang chú trọng vào việc phát triển một nền nông nghiệp chất lượng cao nhằm đem lại những giá trị thu nhập cao trên một đơn vị diện tích, điều này khó có thể đạt được nếu ngay từ khâu kiểm soát nguồn giống không được ngành chức năng quan tâm đúng mức.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi trâu làm nên cơ nghiệp Nuôi trâu làm nên cơ nghiệp

Theo lời giới thiệu của cán bộ Hội Nông dân xã Định An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Thanh Bình (sinh năm 1981) ở ấp 2, An Phước. Vừa làm công nhân tại Nông trường Cao su Trần Văn Lưu vừa chăn nuôi trâu sinh sản, anh Bình trở thành tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, đi lên từ chính nghề nuôi trâu.

16/06/2016
Làng thoát nghèo nhờ nuôi dê Làng thoát nghèo nhờ nuôi dê

Đi ngang qua ven biển Khai Long, địa phận ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), phóng tầm mắt, một bên là bãi Khai Long sôi động với nghề nuôi nghêu, một bên là rừng đước thẳng hàng. Quan sát dưới chân rừng, ấn tượng bởi một hình ảnh thực sự bất ngờ ngay giữa miền biển Đất Mũi: Đó là hàng trăm con dê đang mải mê kiếm ăn. Những hình ảnh đẹp, bình dị này khiến nhiều người nghĩ rằng đang lạc về một chốn thảo nguyên thanh bình chứ không phải đang ở miền biển cực Nam Tổ quốc.

17/06/2016
Mô hình trồng chuối tây thu trăm triệu đồng ở xã Kim Bình Mô hình trồng chuối tây thu trăm triệu đồng ở xã Kim Bình

Chỉ bằng nghề trồng chuối tây, hàng trăm hộ dân ở xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đã có thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ trở lên. Chuối tây ở Kim Bình giờ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng và giá cả ổn định.

22/06/2016
Nuôi gà Phùng thu lãi 500 triệu/ năm Nuôi gà Phùng thu lãi 500 triệu/ năm

Là người tiên phong chăn nuôi giống gà Phùng tại địa phương, mỗi năm gia đình chị Phạm Thị Hoan, xóm Tân Đông, Đồng Văn, Tân Kỳ (Nghệ An) thu lãi hơn gần 500 triệu đồng.

24/06/2016
Thu nhập 400 triệu đồng mỗi năm từ nuôi gà và ếch Thu nhập 400 triệu đồng mỗi năm từ nuôi gà và ếch

Với thu nhập trên 400 triệu đồng lãi ròng mỗi năm, chị Nguyễn Thị Quỳnh ở bản Kẻ May, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) trở thành triệu phú nhờ nuôi ếch, gà giống.

30/06/2016