Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khu Bảo Vệ Thủy Sản Làm Nơi Trú Ẩn Và Tạo Nguồn Thức Ăn Cho Tôm Cá

Khu Bảo Vệ Thủy Sản Làm Nơi Trú Ẩn Và Tạo Nguồn Thức Ăn Cho Tôm Cá
Ngày đăng: 16/01/2014

Khu bảo vệ thủy sản (BVTS) Cồn Chìm (Vinh Phú) thành lập thí điểm cuối năm 2009, được bà con ngư dân hưởng ứng và đồng thuận cao. Đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập 10 khu BVTS giúp tôm, cá có nơi trú ẩn và tạo nguồn thức ăn cho tôm, cá ở đầm phá.

Tạo sinh kế cho ngư dân

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, cuối năm 2009 đến nay UBND tỉnh thành lập 10 khu BVTS với diện tích hơn 307,7 ha (chiếm gần 1,5% diện tích đầm phá). Các khu BVTS là vùng cấm khai thác thuỷ sản, tôm cá được bảo vệ để sinh sản, sinh trưởng..., sau đó nguồn lợi được phát tán bổ sung ra các vùng đầm phá xung quanh, nơi ngư dân được phép khai thác. Thông qua mô hình này, Nhà nước đạt được mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, cộng đồng ngư dân ở vùng ven biển và đầm phá được hưởng lợi.

Các đối tượng ưu tiên cần phục hồi là các hệ sinh thái vùng cồn, các cây ngập nước ven bờ, các đường bờ lùm bụi tự nhiên, rong…; đồng thời, nghiêm cấm các hành vi khai thác, hủy hoại nguồn lợi thủy sản với việc sử dụng các biện pháp thả rạn nhân tạo làm nơi trú ẩn của tôm cá, phục hồi rong, vệ sinh môi trường hoặc bổ sung nguồn giống thủy sản. Năm 2013, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với chi hội nghề cá, chính quyền các địa phương tổ chức thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các khu BVTS với 20 vạn tôm sú giống.

Chi hội nghề cá Hà Giang (Vinh Hà) tự nguyện đóng góp thả hơn 90.000 con cá kình; chi hội nghề cá Vinh Thanh thả 15.000 con cá kình, nâng cao năng lực cho các chi hội nghề cá tuần tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm hại các khu BVTS. Thời gian qua, chi cục tổ chức 2 lớp tập huấn về các kỹ năng giám sát ngư trường và phối hợp xử lý cho các đội tuần tra của các chi hội nghề cá và công an cấp xã.

Việc cấm hoàn toàn các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trong các khu BVTS tạo điều kiện cho thực vật thủy sinh phát triển tốt, vừa làm nơi trú ẩn an toàn vừa là tạo nguồn thức ăn cho tôm cá, cải thiện môi trường nước. Theo phản ánh từ ngư dân, tại khu Cồn Cát, xã Điền Hải trữ lượng rong mái chèo, rong cỏ ngựa phát triển tốt, tháng 1 đến 2 âm lịch xuất hiện nhiều cua giống; cá ong sản lượng khai thác bình quân tăng 1,5 lần so với năm 2012, thu nhập bình quân khoảng 8-9 triệu đồng/hộ/tháng. Tại khu Cồn Chìm, rong hẹ, cỏ lóng, rau câu phát triển tốt; sản lượng khai thác tăng 1,2 lần so với năm 2012, thu nhập bình quân khoảng 4-6 triệu đồng/tháng/hộ.

Thành lập thêm khu BVTS

Ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội nghề cá Thừa Thiên Huế cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh có 34 chi hội cơ sở được giao quyền khai thác thủy sản với tổng diện tích trên 14.500 ha. Sau khi 10 khu BVTS được thành lập, đời sống của bà con ngư dân vùng đầm phá được cải thiện rõ rệt.

Các chi hội nghề cá đi vào hoạt động ổn định, thành lập và xây dựng kế hoạch tuần tra, tổ chức phối hợp với lực lượng công an, biên phòng tuần tra kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các trường hợp khai thác trái phép, nhiều chi hội đã phát hiện bắt giữ, tịch thu, xử phạt các trường hợp vi phạm. Nhờ những việc làm thiết thực, tình hình khai thác thủy sản trái phép giảm, cộng đồng ngư dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.

Phát biểu tai Hội nghị đánh giá, triển khai hệ thống khu BVTS đầm phá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu đánh giá cao về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thông qua việc xây dựng các khu BVTS là hướng đi đúng. Sau khi thành lập các khu BVTS nguồn lợi thủy sản có nhiều tín hiệu phục hồi tái tạo rõ nét.

Tuy nhiên, diện tích vùng bảo vệ nghiêm ngặt còn ít, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản rà soát quy hoạch các bãi giống, bãi đẻ, tiếp tục thiết lập, xây dựng thêm các khu BVTS mới, phấn đấu đưa tổng diện tích vùng cấm khai thác thủy sản lên 10% diện tích đầm phá. Yêu cầu UBND các huyện, thị xã có đầm phá chỉ đạo công an địa phương phối hơp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác xâm hại dến các khu BVTS và khai thác thủy sản hủy diệt trên đầm phá.

Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm phá một cách tối ưu nhất, hiện có 02 khu BVTS đang được xem xát phê duyệt thành lập vào năm 2014 và Chi cục Khai thác&Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đang khảo sát đề xuất thành lập thêm 5 khu BVTS khác vào những năm tiếp theo.

Năm 5 qua, UBND tỉnh có quyết định thành lập 10 khu BVTS với diện tích hơn 307,7 ha; trong đó, khu BVTS Cồn Chìm (Vinh Phú, Phú Vang); khu BVTS Cồn Cát (Điền Hải, Phong Điền); khu BVTS Doi Chỏi (Phú Diên, Phú Vang); khu BVTS Đập Tây-Chùa Ma (Vinh Giang, Phú Lộc); khu BVTS Vũng Mệ (Quảng Lợi, Quảng Điền); khu BVTS Hòn Núi Quện; khu BVTS Khe Đập Làng (Lộc Bình, Phú Lộc); khu BVTS Mai Doi Bống (Vinh Xuân, Phú Vang); khu BVTS Cồn Sậy (Hương Phong, Hương Trà); khu BVTS Hà Nã (Vinh Hiền, Phú Lộc).


Có thể bạn quan tâm

Tạo Thuận Lợi Để Ngư Dân Vay Vốn Theo Nghị Định 67 Tạo Thuận Lợi Để Ngư Dân Vay Vốn Theo Nghị Định 67

Theo ông Nguyễn Hữu Long – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đến nay đã phê duyệt danh sách đóng mới, nâng cấp tàu cá đã trình UBND tỉnh phê duyệt 82 trường hợp. Huyện Phú Quý có số đăng ký cao nhất với 51 tàu, Phan Thiết 8 tàu, La Gi 22 tàu và Tuy Phong 1 tàu. Trong đó, 71 tàu đóng mới (9 tàu dịch vụ hậu cần và 62 tàu khai thác hải sản xa bờ), nâng cấp, thay mới với tổng kinh phí lên đến 602,51 tỷ đồng.

02/01/2015
Xuất Khẩu Thủy Sản Vượt Gần 1 Tỉ USD So Với Kế Hoạch Xuất Khẩu Thủy Sản Vượt Gần 1 Tỉ USD So Với Kế Hoạch

Trừ mặt hàng cá ngừ giảm 9%, các ngành thủy sản xuất khẩu còn lại đều có sự tăng trưởng. Trong khi cá tra chỉ tăng nhẹ 0,6% so với năm 2013 đạt 1,77 tỉ USD, xuất khẩu tôm lại tăng mạnh tới 28% với kim ngạch 3,9 tỉ USD.

02/01/2015
Thiếu Nguyên Liệu Phục Vụ Các Nhà Máy Chế Biến Hải Sản Thiếu Nguyên Liệu Phục Vụ Các Nhà Máy Chế Biến Hải Sản

Mỗi năm sản lượng khai thác hải sản của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hơn 110.000 tấn. Trong khi đó các Nhà máy chế biến hải sản chỉ cần 1/10 sản lượng này là đủ hoạt động nhưng không được đáp ứng. Nguyên nhân do các cửa biển thường bị bồi lấp, hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá còn hạn chế nên tàu thuyền của ngư dân không về các cảng cá của tỉnh Quảng Ngãi để tiêu thụ sản phẩm.

02/01/2015
Khó Xây Dựng Thương Hiệu Gạo Khó Xây Dựng Thương Hiệu Gạo

Sau khi nghe ý kiến của nhiều nông dân đến tham dự phiên điều trần của Ủy ban Kinh tế về việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh ngày 31-12, ông Cao Đức Phát đã nói như vậy.

02/01/2015
Việt Nam Xuất 7,7 Triệu Tấn Gạo Trong Năm 2014 Việt Nam Xuất 7,7 Triệu Tấn Gạo Trong Năm 2014

Theo kết quả báo cáo tại hội nghị do Bộ Công thương tổ chức ngày 31-12 tổng kết tình hình năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015,Việt Nam đã xuất khẩu khoảng7,5 triệu tấn gạo với giá trung bình đạt 436,92 USD/tấn (khoảng 9 triệu đồng/tấn).

02/01/2015