Không xử lý triệt để chất tạo nạc ngành chăn nuôi sẽ chết
Đây là nhận định của các nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp (DN) tại Hội thảo Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi diễn ra sáng ngày 28/10 do Báo Thanh Niên tổ chức.
Các nhà khoa học và quản lý tham gia Hội thảo Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi
Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh - đánh giá, tình trạng sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi đang ở mức báo động đỏ, gây nhức nhối cho cả cộng đồng và chưa được loại trừ, mặc dù gần đây các cơ quan chức năng đang nỗ lực kiểm tra và xử lý.
Ông Thảo dẫn chứng, trong 9 tháng đầu năm 2015, ngành thú y thành phố đã tổ chức kiểm tra 40 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhưng không phát hiện chất tạo nạc, song kiểm tra 14 cơ sở giết mổ có 23/120 lô heo dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist (chiếm hơn 19%) và 95/516 mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm Beta- agonist.
Với 159 mẫu thịt tươi lấy ngẫu nhiên trên thị trường, có 3 mẫu dương tính với chất cấm Beta- agonist và 2 mẫu dương tính với chất Salbutamol.
Các lô heo đưa về thành phố bị dính chất cấm nhiều nhất là Đồng Nai (11 lô), Tiền Giang (4 lô), Long An (4 lô), Bến Tre (2 lô), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 lô) và Vĩnh Long (1 lô).
Ông Thảo bức xúc nói, chỉ có ngành thú y kiểm bắt chất tạo nạc thì không xuể, muốn loại trừ chất độc hại này trong ngành chăn nuôi cần có sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt, cần nêu tên rõ ràng những cơ sở vi phạm lên báo chí và tăng thêm mức xử phạt.
Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch cũng thẳng thắn: tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay rất nghiêm trọng, vấn nạn này nếu không được xử lý triệt để thì ngành chăn nuôi chắc chắn sẽ tự sát.
Nguyên nhân nạn sử dụng chất tạo nạc tràn lan trên thị trường là do người chăn nuôi chạy theo lợi nhuận, quản lý nhà nước ở cơ sở lỏng lẻo, có phần “nể nang”, dẫn đến người chăn nuôi, DN sản xuất thức ăn chăn nuôi vô ý thức, không chấp hành luật pháp.
Chưa hết, chính cách xử phạt đối với chất tạo nạc hiện nay vẫn là hành chính nên không hiệu quả.
Một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng vi phạm chỉ phạt hành chính 80 triệu đồng thì quá ít.
Theo ông Lịch, Nghị định xử phạt trong lĩnh vực chăn nuôi đã có cách đây 20 năm, hình phạt cao nhất cũng là hành chính và bằng tiền.
Muốn xử được chất cấm phải nâng Nghị định lên thành Pháp lệnh hoặc ban hành Luật để xử lý thì may ra đối tượng vi phạm mới chùn tay.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trên cả nước hiện có khoảng 8 triệu hộ chăn nuôi heo, gà; tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phổ biến, phức tạp ở mức báo động.
“Một người sử dụng ma túy chỉ bản thân họ chết nhưng việc dùng chất tạo nạc là đầu độc hàng triệu người lương thiện.
Biết rằng việc loại trừ, kiểm tra xử lý hành vi này là bức thiết nhưng riêng một ngành nông nghiệp thì không thể quản lý hết được mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành”
– ông Dương nhấn mạnh.
Đại diện cho các DN chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Kiều Minh Lực - chuyên gia về di truyền giống Công ty CP Việt Nam - cho biết, để loại trừ chất tạo nạc không khó vì nó thuộc ý thức hệ của người chăn nuôi cùng với một hệ thống quản lý nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng.
Theo ông Lực, để sản xuất thịt heo an toàn, người chăn nuôi phải thực hiện, kiểm soát theo chuỗi 3F (thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi và thành phẩm), trong đó khả năng kiểm soát toàn bộ chuỗi 3F này phụ thuộc vào trình độ sản xuất, công nghệ, quy mô và quản lý sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Theo các chuyên gia ngành đường, nếu áp dụng cơ giới hóa trong canh tác mía theo phương thức của các nước phát triển có thể giúp giảm đến 20% chi phí sản xuất.
Rong nho biển hay còn gọi là rong cầu lục bi nhỏ, rong guộc, có tên khoa học Caulerpa lentillifera, thuộc Bộ rong cầu lục Caulerpales, Ngành rong lục Chlorophyta, phân bố ở vùng biển ấm Thái Bình Dương như Philippines, Java, Micronesia, Bikini,…
Thời gian qua, giá nấm mèo luôn giữ ở mức cao nên nhiều hộ trong và ngoài hợp tác xã mở rộng diện tích trồng nấm bán tết nên nguồn cung trên thị trường khá dồi dào, giá thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 5 - 8 ngàn đồng/kg. Ngoài nấm mèo thì Hợp tác xã Toàn Thắng còn cung cấp cho thị trường khoảng 400 - 500 kg nấm bào ngư tươi/ngày.
Trong 5 năm trở lại đây, cây tiêu đang đi vào đời sống sản xuất người dân Bahnar thuộc các xã phía Nam huyện Mang Yang (Gia Lai). Hầu hết các gia đình đều tận dụng diện tích đất quanh nhà trồng tiêu, trung bình mỗi nhà có vài trăm trụ tiêu.
Vườn ươm mắc ca giống của Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên tại xã Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ) được tưới ẩm bằng hệ thống phun sương tự động.