Khóm Thắng To!
Với mức giá hiện tại, người trồng khóm có thể thu lợi nhuận từ 35-40 triệu đồng/ha/năm, sau khi đã trừ hết chi phí.
Nhiều hộ nông dân ĐBSCL trồng khóm (dứa) xử lý cho ra trái vụ nghịch đang rất phấn khởi, vì đầu ra thuận lợi và giá bán đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Về các xã vùng ven của TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ, vùng chuyên canh khóm Cầu Đúc (khóm Queen) nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang vào thời điểm này, diện tích khóm đang thu hoạch không còn nhiều.
Do hiện nay đang là vụ nghịch, những hộ thu hoạch khóm ai cũng phấn khởi vì bán được giá cao. Còn những hộ lỡ không xử lý cho ra trái vụ nghịch thì tiếc hùi hụi.
Bà Nguyễn Thị Liên, ở xã Hỏa Tiến, vừa thu hoạch 2 đợt khóm được gần 10.000 trái, cười tươi cho biết: “Năm nào vào vụ nghịch khóm cũng được giá, nhưng không ai ngờ giá khóm lại cao ngất ngưởng như hiện nay.
Năm ngoái bán được giá 6.000 đồng/trái đã là cao lắm rồi, nhưng hiện nay thương lái thu mua tại rẫy tới 7.200 đồng/trái (loại I, từ 1 kg trở lên). Không biết đây đã là mức giá cao nhất chưa vì thị trường đang hút hàng mà nguồn cung không còn nhiều”.
Theo bà Liên, giá khóm mùa thuận (khoảng tháng 3- 4) chỉ ở mức 2.000- 3.000 đồng/trái, nên mấy năm nay gia đình bà đều chọn cách xử lý cho ra trái rải vụ, vừa dễ bán vừa được giá cao.
“Vào giữa tháng 8, gia đình tôi thu được hơn 8.500 trái khóm từ 1,5 ha xử lý vụ nghịch. Thương lái đến thu mua 6.800 đồng/trái, tưởng như vậy đã là cao nhất rồi. Vậy mà đến cuối tháng thu vét thêm đợt 2 được hơn 1.200 trái nữa, giá tăng thêm tới 400 đồng/trái. Bây giờ nhà nào còn khóm bán đều trúng đậm”, bà Liên nói giọng tiếc rẻ.
Theo ông Vu Sủi, mọi năm giá khóm cũng tăng giảm theo mùa nhưng chưa bao giờ đạt mức cao ngất ngưởng như hiện nay. Vì vậy, cứ 1.000 cây khóm cho thu hoạch vào thời điểm này thì người dân cầm chắc lãi từ 4-5 triệu đồng, một mức lãi lý tưởng.
Được biết, toàn xã Hỏa Tiến hiện có khoảng 500 hộ chuyên trồng khóm, với diện tích gần 950 ha. Cây khóm đã được người dân nơi đây trồng mấy chục năm qua. Vì vùng đất này thấp trũng, bị nhiễm phèn rất nặng, những cây trồng khác đều không mang lại hiệu quả, chỉ có cây khóm là thích hợp.
Tại xã nông thôn mới Tân Tiến, nhiều hộ dân cũng chọn cây khóm để trồng. KS Nguyễn Linh Phi, cán bộ tổ kỹ thuật nông nghiệp xã Tân Tiến cho biết, hiện toàn xã có 226 ha chuyên canh khóm. Do đã có kinh nghiệm qua nhiều năm canh tác nên việc xử lý cho khóm ra trái rải vụ không quá khó với bà con. Việc làm này vừa tránh được tình trạng thu hoạch rộ, vừa bán được giá cao hơn so với mùa thuận.
“Giá khóm cao như hiện nay không chỉ giúp tăng thêm thu nhập mà còn tạo điều kiện để các hộ dân phá bỏ các vườn khóm đã bị lão hóa để trồng mới, với cây giống sạch bệnh”, KS Phi nói.
Tại Kiên Giang, nông dân trồng khóm cũng đang có được niềm vui tương tự. Ông Cao Văn Kề, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Gò Quao cho biết, diện tích trồng khóm của huyện hiện nay là 3.200 ha. Phần lớn nông dân đều nắm được kỹ thuật xử lý cho ra trái khóm rải vụ nên thu hoạch gần như quanh năm chứ không chỉ tập trung theo mùa như trước.
Năm nay giá khóm tương đối cao, đặc biệt là khoảng hơn 1 tháng nay tăng rất mạnh. Với mức giá này thì người dân trồng khóm rất phấn khởi, mạnh dạn đầu tư để đạt năng suất cao.
Ông Vu Sủi, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng (xã Hỏa Tiến), đơn vị chuyên thu mua khóm ở địa bàn TP Vị Thanh (Hậu Giang) và Gò Quao (Kiên Giang) cho biết: “Giá khóm tăng cao như hiện nay là do thị trường trong nước cũng như XK đang rất hút hàng. Bình thường, mỗi ngày HTX thu mua được từ 5- 7 tấn trái, cao điểm lên đến 10 tấn nhưng hiện chỉ có thể gom được khoảng 1 tấn là cao”.
Có thể bạn quan tâm
Ông Phạm Tiện (trú thôn 7, xã Hương An, Quế Sơn) bị mù cả 2 mắt nhưng nhiều năm liền được khen tặng là nông dân sản xuất giỏi của địa phương.
Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang) mỗi ngày tiếp nhận hàng chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ trở về, với sản lượng tôm, cá cả trăm tấn. Trái hẳn với tâm trạng háo hức mang thành quả lao động từ biển về, phần lớn những ngư dân mà chúng tôi gặp tại đây đều buồn rười rượi.
Vụ nuôi tôm hùm vừa qua nhờ tôm ít bị bệnh, giá bán lại cao nên nhiều hộ dân ở TX Sông Cầu (Phú Yên) có thu nhập hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng ngư dân “mạnh tay” đầu tư vốn để phát triển lồng bè nuôi tôm một cách tự phát đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại và vỡ quy hoạch vùng nuôi.
Mới đây, tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước), Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Lộc Ninh tổ chức lễ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Hồ tiêu Lộc Ninh" cho 14 nông dân trồng tiêu tiêu biểu.
Đầu năm 2012, có 20 hộ nuôi tôm ở thôn Sơn Hải 1 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) liên kết nhau thành lập Tổ nuôi tôm an toàn bền vững (NTATBV) và đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ tham gia, đồng thời có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.