Khởi Sắc Vùng Ven
Trong 3 năm thực hiện mô hình, dự án, hoạt động dạy nghề, hỗ trợ việc làm giai đoạn 2011-2013, 7 xã ngoại thành của TP Cà Mau có nhiều nông dân được đầu tư các dự án trồng hoa màu, rau an toàn, ruộng lúa bờ hoa, lúa trên đất nuôi tôm, nuôi cá chình, bống tượng,… Có hơn 600 hộ vươn lên khá giàu, hơn 300 hộ thoát nghèo.
Trên cánh đồng 2 ha được đầu tư dự án ruộng lúa bờ hoa và trồng lúa có chất lượng cao, ông Nguyễn Thanh Tâm, ở xã An Xuyên phấn khởi trồng lúa giống 2 vụ/năm và theo bờ bao, từ tháng 5-8 ông trồng 1 vụ bí rợ, từ tháng 9-12 trồng 1 vụ bí đao và đậu bắp.
Với cách làm này, 3 loại hoa màu bí rợ, bí đao, đậu bắp đều cho hoa có màu sắc sặc sỡ, tạo sự cân bằng hệ sinh thái môi trường, giảm được thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất lúa.
Đồng thời với cách làm này, trên cánh đồng trồng lúa có chất lượng cao, ông Tâm còn nuôi nhiều loại cá đồng như trê vàng, cá lóc, cá rô, sặt rằn, thác lác và chúng phát triển rất tốt.
Ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết, bình quân một năm thu nhập từ trồng màu trên bờ bao không dưới 15 triệu đồng, thu nhập cá đồng tự nhiên trên đồng ruộng không dưới 20 triệu đồng và lợi nhuận từ trồng lúa có chất lượng cao không dưới 100 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình ông Tâm ổn định và khá giả, có nhà ở xây dựng khang trang, các con đều được ăn học đàng hoàng.
Chi hội ấp 5, xã Tân Thành có 21 hộ nuôi cá chình, bống tượng còn gặp khó khăn về vốn và được Hội Nông dân tỉnh, thành phố đầu tư thực hiện dự án này. Với nguồn vốn 500 triệu đồng, 21 hộ dân phấn khởi mở rộng quy mô sản xuất từ nuôi cá nhỏ lẻ, manh mún, tập trung lại thành tổ chức đoàn kết hợp tác sản xuất.
Kết quả sau 3 năm thực hiện dự án, chi hội lợi nhuận hơn 1 tỷ 200 triệu đồng, bình quân mỗi hộ trong dự án lợi nhuận hơn 50 triệu đồng và cái được nhiều hơn là bà con mở rộng được diện tích ao nuôi, có vốn tái đầu tư con giống, liên kết nhau cùng phát triển.
Ông Trương Văn Thức, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 5, chia sẻ, những hộ tham gia dự án phát huy tốt tinh thần đoàn kết, học hỏi, chia sẻ, tương trợ nhau trong sản xuất. Tuy vậy, đầu ra của sản phẩm còn bị động, rất cần có sự can thiệp của các ngành chức năng ở thành phố đối với các doanh nghiệp thu mua cá của nông dân trên địa bàn, để nông dân nuôi cá thật sự có lợi nhuận từ công sức vất vả của mình làm ra.
Phấn khởi nhiều nhất phải kể đến là nông dân ở ấp Ông Muộn, nông dân ở ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm được đầu tư dự án khép kín 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm và đưa màu xuống ruộng trồng dưa hấu. Ấp Ông Muộn có diện tích 182 ha trồng lúa bị nhiễm mặn, được tỉnh đầu tư dự án khép kín cho làm 1 vụ lúa - 1 vụ tôm và khá thành công.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng ấp Ông Muộn, cho biết, sau khi được tỉnh đầu tư hệ thống bao đê gồm tuyến sông Láng Bà - Ông Muộn - Bà Cao Di dài hơn 8.500 m, bà con nông dân ở đây rất phấn khởi bắt tay vào thực hiện 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Năng suất lúa trên đất nuôi tôm bình quân không dưới 30 giạ/công và năng suất tôm nuôi không dưới 200 kg/ha.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm Nguyễn Văn Nhàn thông tin, sau dự án khép kín 1 vụ lúa 1 vụ tôm ở ấp Ông Muộn thành công, tỉnh đang tiếp tục triển khai cho xã dự án rau an toàn, còn các dự án đưa màu xuống ruộng ở xã phát triển rất tốt, đặc biệt ở ấp Chánh còn phát triển một năm được 2 vụ dưa hấu là dưa hấu Tết và dưa hấu trái vụ, nông dân có thu nhập rất khả quan.
Từ năm 2011-2013, phường Tân Thành có hơn 500 nông dân được đào tạo nghề ngắn ngày, qua các hình thức như cầm tay chỉ việc và nông dân qua học nghề thật sự có việc làm.
Ông Phan Minh Thuý, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thành, điểm lại, bà con được hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa màu trên bờ bao, trồng dưa hấu không hạt, trồng nấm rơm, tạo dáng cây kiểng, nuôi cá chình, bống tượng, kỹ thuật trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm và nhiều lớp may gia dụng cho lao động nhàn rỗi nông thôn. Các lớp đào tạo ngắn ngày, cầm tay chỉ việc này rất thiết thực với nông dân ở cơ sở, nông dân có thể tiếp thu được, áp dụng có hiệu quả trong sản xuất của mình.
Gia đình ông Mạch Chí Hùng thuộc diện hộ nghèo ở khóm 4, phường 1. Công việc kiếm sống hằng ngày của gia đình ông là làm bì thủ công bán cho các tiệm bún nước lèo ở phường. Năm 2011, gia đình được Hội Nông dân tỉnh, thành phố xét đầu tư cho dự án phát triển kinh tế hộ gia đình 10 triệu đồng, ông Hùng phấn khởi đầu tư ngay vào các thiết bị làm bì chuyên nghiệp, tăng được năng suất từ vài kí-lô-gam tăng lên vài chục kí-lô-gam mỗi ngày. Nhờ đó, gia đình ông Hùng thoát nghèo, nhà ở được sửa chữa khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt, con cái đều được đến trường.
Ông Dương Văn Nhu, Chủ tịch Hội Nông dân phường 1, cho biết, từ năm 2011-2013, hội xây dựng được 8 tổ hùn vốn và huy động số vốn hơn 3 tỷ 200 triệu đồng. Số vốn này được xoay vòng trong hội viên, với lãi suất rất thấp, nhằm giúp cho người góp vốn, người sử dụng vốn đều có lợi, phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình và có điều kiện hỗ trợ công ăn việc làm cho nhiều hộ còn khó khăn ở địa phương.
Đặc biệt là với số hộ nghèo thuộc thành phần lao động thành thị, hội nông dân phường hỗ trợ 17 chiếc xe đẩy chở hàng mướn, 15 chiếc xe bán bánh mì, 3 xe mua phế liệu, 1 chiếc xuồng, 1 bình hơi vá ép xe mô-tô để tạo điều kiện kiếm sống.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau Ngô Minh Chiến đánh giá, qua 3 năm thực hiện mô hình, dự án, hoạt động dạy nghề, hỗ trợ việc làm giai đoạn 2011-2013, kinh tế của nông dân ở TP Cà Mau phát triển đa dạng, nhiều màu sắc.
Hội Nông dân tỉnh rất vui mừng là gần 100% dự án đầu tư cho thành phố đều có hiệu quả, xoá được nhiều hộ nông dân nghèo và hơn 70% lao động nông thôn được đào tạo nghề, có việc làm, góp phần rất quan trọng cùng với tỉnh và cả nước thực hiện thắng lợi tinh thần Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn trong tình hình mới.
Có thể bạn quan tâm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa khô tại kho loại thường hiện ở mức 5.550 - 5.650 đ/kg, loại hạt dài 5750 - 5.850 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu làm gạo 5% tấm hiện ở mức 7.150 - 7.250 đ/kg. Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu hiện khoảng 8.600 - 8.700 đ/kg, gạo 15% tấm 8.100 - 8.200 đ/kg và gạo 25% tấm 7.650 - 7.750 đ/kg.
Theo thông cáo của chính phủ Sri Lanka, việc Nga cho phép Sri Lanka XK thủy sản sang nước này là minh chứng về chất lượng và tiêu chuẩn của sản phẩm thủy sản Sri Lanka cung cấp cho các thị trường quốc tế và cũng cho thấy khả năng đáp ứng các yêu cầu cao trong XK của Sri Lanka.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, các DN nước ta đã XK TĂCN và nguyên liệu TĂCN đạt giá trị 205,482 triệu USD, tăng tới 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là nước NK TĂCN và nguyên liệu từ Việt Nam nhiều nhất, với giá trị 62,268 triệu USD.
Tháng 8/2014, kim ngạch XK thủy sản của Ireland sang Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) tăng 34% so với cùng kỳ. Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với hải sản Ireland. Mức độ đô thị hóa cao và tầng lớp trung lưu làm tăng nhu cầu thủy sản an toàn, và thuỷ sản Ireland đáp ứng được nhu cầu này.
5 doanh nghiệp bán lẻ lớn của Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” tại hội thảo “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm và kinh nghiệm đăng ký ở châu Âu” diễn ra sáng nay (22/7).