Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khởi sắc Tiên Hà

Khởi sắc Tiên Hà
Ngày đăng: 22/09/2015

Đầu tư hạ tầng giao thông

Cách đây 10 năm, Tiên Hà là xã nghèo nhất nhì huyện Tiên Phước. Giao thông cách trở, bởi nằm giữa đôi bờ sông Khan nhưng phương tiện qua lại chỉ là những chiếc đò ngang, hoặc vài chiếc cầu tạm người dân tự làm, thường xuyên bị mưa lũ cuốn trôi.

Tuyến đường chính vào trung tâm xã chỉ là con đường đất mưa lầy, nắng bụi. Vì thế việc giao thương hàng hóa hết sức hạn chế, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2005, Tiên Hà được Nhà nước đầu tư thâm nhập nhựa tuyến đường chính về trung tâm xã dài gần 10km. Năm 2010, cầu Tài Thành nối liền đôi bờ sông Khan được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Năm 2012, tuyến đường Tiên Châu - Tiên Hà, rồi tuyến đường Tiên Hà - Bình Sơn (Hiệp Đức) được đầu tư xây dựng tạo nên mạng lưới giao thông giữa Tiên Hà với trung tâm huyện và vùng phụ cận.

Năm 2015, Nhà nước lại tiếp tục hỗ trợ Tiên Hà xây dựng tuyến đường nối từ trung tâm xã đến cầu sông Khan dài gần 5km với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng. chuẩn bị xây mới cơ sở vật chất để chuyển trường THCS Lê Hồng Phong về khu vực trung tâm xã tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại học tập của con em ở các địa phương (Trường THCS Lê Hồng Phong là trường liên xã nằm giáp ranh giữa hai xã Tiên Cẩm và Tiên Hà).

Mô hình tiêu trên 100 choái của anh Nguyễn Phúc Vinh, thôn Phú Vinh ( Tiên Hà).

Ông Phan Tấn Dũng - Chủ tịch UBND xã Tiên Hà cho hay: “Trong 5 năm qua, địa phương được đầu tư gần 100 tỷ đồng vào các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, trường học, xây dựng thiết chế văn hóa... nhờ thế diện mạo Tiên Hà đã có nhiều khởi sắc”.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, hệ thống giao thông liên xã, liên thôn được xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế gia đình.

Và chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân mạnh dạn làm vườn, trồng cây, chăn nuôi bò đàn bằng cách hỗ trợ vay vốn ưu đãi của trên, đồng thời chú trọng phối hợp với các ngành chuyên môn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, giúp họ phát huy nội lực đầu tư phát triển kinh tế.

Nhờ đó, đến nay đàn bò lai của xã chiếm trên 55% tổng đàn, tăng hơn 22% so với năm 2010. Điều đáng mừng là sau khi cầu Tài Thành được xây dựng đã giúp nhân dân phát huy tiềm năng đất đai rộng lớn bên kia sông Khan đưa vào trồng cây keo nguyên liệu tạo nguồn thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, các loại hình thương mại, dịch vụ phát triển phong phú, đa dạng đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ chỗ hơn 50% (năm 2010) xuống dưới 20% (năm 2014).

Hỗ trợ người dân làm giàu

Một trong những người mạnh dạn đầu tư vốn làm giàu từ mảnh đất quê là anh Đoàn Hồng Khuyên ở thôn Phú Vinh. Năm 2007, sau 3 năm đi xuất khẩu lao động anh Khuyên quyết định về quê mở cơ sở sản xuất phù chúc - một loại thực phẩm  ăn chay, đang được thị trường ưa chuộng.

Ngay sau khi sản phẩm được làm ra đem bán, cơ sở của anh được nhiều người biết đến nhờ chất lượng và giá cả phải chăng. Từ chỗ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ ban đầu, anh Khuyên đã mày mò, nghiên cứu phát triển thêm một dây chuyền sản xuất hiện đại được tự động hóa với kinh phí đầu tư gần 600 triệu đồng.

Cơ sở mới vừa giúp anh tiết kiệm được nhân công, nhiên liệu, lại mở rộng được quy mô sản xuất tạo nguồn thu nhập không nhỏ. Bình quân mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất được 1,5 tạ sản phẩm, thu về trên 1,5 triệu đồng tiền lãi và giải quyết được việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương. Anh Khuyên cho biết:

“Thành công bước đầu của gia đình tôi hôm nay bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, còn có sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, đoàn thể từ việc chia sẻ, động viên đến tạo điều kiện về cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn vay. Đáng phấn khởi hơn nữa là Tiên Hà đã có tuyến xe khách Tiên Phước - Đà Nẵng đi ngang qua nên việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi trở nên thuận tiện hơn trước rất nhiều”.

Không riêng gì anh Khuyên, những năm gần đây trên địa bàn xã Tiên Hà ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn khấm khá. Bà Trần Thị Kim Anh - Chủ tịch Hội Nông dân xã giới thiệu cho chúng tôi hàng chục mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã.

Điển hình là mô hình dịch vụ vận tải, san ủi mặt bằng của bà Đoàn Thị Liên ở thôn Tiên Tráng với mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng, mô hình kinh tế vườn, trang trại kết hợp chăn nuôi cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm của ông Đoàn Thanh Yêm ở thôn Tài Thành, mô hình chăn nuôi bò đàn thoát nghèo bền vững của anh Nguyễn Văn Ba ở thôn Phú Vinh…

Là một trong 7 hộ của xã Tiên Hà đăng ký xây dựng mô hình trồng tiêu trên 100 choái theo  Nghị quyết 18/NQ-HĐND của HĐND huyện về khuyến khích phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, anh Nguyễn Phúc Vinh, thôn Phú Vinh đã quy hoạch, xây bờ đá khu vườn thành tầng bậc đẹp mắt và xây dựng hệ thống nước tưới đưa vào trồng mới hơn 100 choái tiêu.

Được đầu tư chăm sóc kỹ nên vườn tiêu phát triển xanh tốt. Anh Vinh cho biết: “Năm 2012, huyện có cơ chế hỗ trợ 50 ngàn đồng/choái tiêu Tiên Phước cho những hộ nông dân nào trồng mới, tôi đưa vào trồng thử hơn chục choái. Thấy tiêu khá phù hợp với đất vườn nhà, phát triển xanh tốt, năm nay tôi quyết định đăng ký mô hình 100 choái và sẽ tiếp tục mở rộng thêm trong những năm tới”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Tấn Dũng - chủ tịch UBND xã, không giấu được niềm vui nói: “Đúng là có đường sá là vùng quê Tiên Hà nhanh chóng đổi thịt thay da. Người dân làm ăn ngày càng khấm khá và xã cũng có được hạ tầng cơ sở khang trang. Tiên Hà bây giờ đã có điều kiện để thoát nghèo”.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi lươn trong bể bạt năng suất khủng Nuôi lươn trong bể bạt năng suất khủng

Trại nuôi lươn của ông Trần Quang Đạo (49 tuổi, ở phường 12, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đem đến sự ngạc nhiên cho những ai đến tham quan mô hình.

04/01/2021
Tỷ phú ớt chuông công nghệ cao Tỷ phú ớt chuông công nghệ cao

Sau cuộc hội thảo về phát triển thực phẩm bền vững, ông Thịnh quyết định đầu tư trồng ớt chuông công nghệ cao và rồi trở thành người có thu nhập hàng tỷ đồng.

05/01/2021
Triển vọng từ mô hình nuôi cá chẽm trong ao tôm bị dịch bệnh Triển vọng từ mô hình nuôi cá chẽm trong ao tôm bị dịch bệnh

Đây là mô hình nuôi cá chẽm đầu tiên tại huyện Triệu Phong, bước đầu có nhiều triển vọng, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

07/01/2021
Nuôi cá leo trong ao đất Nuôi cá leo trong ao đất

Tham quan mô hình nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất tại ao nuôi cá leo của gia đình ông Nguyễn Duy Tuấn, thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn (Quảng Trị).

08/01/2021
Chồn hương dễ nuôi, giá cao Chồn hương dễ nuôi, giá cao

Chồn hương rất thích ăn loại cá tươi sống, chuối chín, trái cây. Càng vận động nhiều, chồn càng khỏe, đẻ nhiều. Người nuôi chồn phải được ngành kiểm lâm

11/01/2021