Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh cả lượng và giá
Doanh nghiệp thủy sản gặp nhiều khó khăn trong năm 2015
Tăng trưởng âm
10 tháng đầu năm 2015, XK của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 16,9 tỷ USD, chiếm 12,6% trong tổng kim ngạch XK, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương mức giảm 1,82 tỷ USD).
Chỉ một số ít mặt hàng trong nhóm này tăng trưởng, còn lại những mặt hàng chủ lực: Thủy sản, cà phê… sụt giảm lớn.
Trong đó, đặc biệt phải kể đến thủy sản.
Con số được VASEP đưa ra cho thấy: Quý III/2015, XK thủy sản tiếp tục có mức tăng trưởng âm 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng đầu năm, XK thủy sản cả nước đạt 4,8 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ.
Tháng 10/2015, tình hình cũng không mấy khả quan, thậm chí giảm sâu hơn so với các tháng trước.
Tổng kim ngạch XK thủy sản tháng 10 đạt khoảng 604 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng chủ lực như: Tôm, cá tra, cá ngừ, bạch tuộc đều có mức giảm lần lượt là 33%, 30%, 11% và 28%.
Cũng trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm mạnh từ 6- 26%, trong đó thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, gần 27%, EU giảm 19% và Nhật Bản giảm 15%.
Giám đốc một doanh nghiệp XK thủy sản tại tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Thị trường tiêu thụ kém, giá bán hạ, áp lực chống bán phá giá và giá thành sản xuất cao đã tác động mạnh đến XK thủy sản.
Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh, Euro và yên Nhật mất giá làm giảm nhu cầu nhập khẩu tại thị trường EU và Nhật Bản, tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường Mỹ, khiến doanh nghiệp XK bị ép giảm giá.
Khó tăng trưởng trong ngắn hạn
Năm 2015, ngành Thủy sản đặt mục tiêu XK đạt kim ngạch 8 tỷ USD.
Tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay, VASEP nhận định trong 2 tháng cuối năm sẽ chỉ tăng nhẹ so với đầu năm và vẫn thấp hơn 20 – 25% so với năm 2014.
Với xu hướng tăng trưởng âm như hiện nay, dự báo tổng XK thủy sản năm 2015 sẽ đạt khoảng 6,6 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2014.
Dự báo, sự khó khăn của XK thủy sản không chỉ diễn ra trong 2 tháng cuối năm mà có thể kéo dài trong năm 2016, thậm chí sang năm 2017.
Do đó, giải pháp đồng bộ về ngắn hạn và lâu dài để giữ ổn định tăng trưởng cho mặt hàng XK chủ lực này cần gấp rút được thực hiện.
VASEP cho rằng, cần xem xét điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này xuống dưới mức trần 7% như hiện nay, tăng hạn mức tín dụng và thời gian cho vay.
Bên cạnh đó, ban hành giải pháp đồng bộ cho việc giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng chủ lực như tôm, bởi so với các nước XK tôm cạnh tranh với Việt Nam, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam hiện đang cao hơn khoảng 20%; quan tâm, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, linh hoạt và điều chỉnh phù hợp về chính sách thuế, thủ tục hải quan, tỷ giá hối đoái.
Cơ quan quản lý cập nhật và thông báo kịp thời cho doanh nghiệp về các quy định, chính sách của Trung Quốc, nhất là vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm XK...
Đến hết tháng 10/2015, kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam ước đạt 5,45 tỷ USD, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, XK tôm đạt khoảng 2,4 tỷ USD, giảm 28%; cá tra 1,3 tỷ USD, giảm 12%...
Có thể bạn quan tâm
Khoảng 9 giờ sáng ngày 21-7, tại tuyến sông Hậu, đoạn khu vực Vịnh Cây Kìm, xã Khánh An (An Phú - An Giang) một con cá tra dầu nặng 86 kg đã dính lưới ngư dân. Con cá tra đã được ngư dân bán lại cho ông Huỳnh Thanh Hồng, Trưởng Công an xã Quốc Thái, với giá 180.000 đồng/kg.
Thời gian gần đây, nghề nuôi bò vỗ béo đã phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi 5 sào ruộng cấy lúa hay bị thiếu nước, năng suất bấp bênh sang trồng bí cao sản Đài Loan, anh Hoàng Văn Dũng ở thôn Hà Am, xã Cao Xá (Tân Yên - Bắc Giang) có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi vụ.
Đến nay, tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Tiên Phú (xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre) đã có khoảng 60 container chôm chôm “bay” ra thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Cũng từ tổ hợp tác này, lần đầu tiên trái chôm chôm của Bến Tre đã tự hào bay xa và hội nhập. Anh Nguyễn Hữu Tâm là người đã ghi công đầu trong việc mở đường cho mặt hàng này xuất khẩu.
Nghề sản xuất nghêu giống mang lại thu nhập cao cho nông dân (Ảnh chụp tại trại nghêu giống ông Trần Văn Vinh – xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang)