Khôi Phục Thủy Sản Sau Lũ
Ảnh hưởng của mưa lũ khiến hơn 1 nghìn ha thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bị thiệt hại. Người dân đang tập trung khôi phục sản xuất để bảo đảm năng suất, sản lượng vụ cá mới.
Nhiều ao nuôi mất trắng
Hơn chục năm qua, cứ sau khi thu hoạch lúa chiêm xuân, gia đình ông Đỗ Văn Lê, thôn Tân Độ, xã Tân Liễu (Yên Dũng) lại nhận thầu hơn 30 ha khu ruộng trũng cấy một vụ không ăn chắc để nuôi cá kết hợp chăn vịt. Những năm thuận lợi, ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Năm nay, ông đầu tư hơn 200 triệu đồng mua giống, thức ăn, tôn cạp bờ bao. Mặc dù gia đình ông Lê đã chủ động dùng lưới mắt nhỏ căng chắn để hạn chế cá thoát ra ngoài, thế nhưng hai cơn bão liên tiếp vừa qua gây mưa lớn, nước dâng cao ngập cả lưới. Toàn bộ khu nuôi cá bị tràn bờ, cá ra hết.
Ông Lê buồn bã cho biết: "Bao công sức gia đình tôi bỏ ra đã trôi theo dòng lũ. Không ngờ năm nay nước lại lớn như vậy. Mọi năm, nước chỉ dâng cao trong thời gian ngắn rồi lại rút rất nhanh, không gây thiệt hại lớn”.
Cũng như gia đình ông Lê, gia đình ông Nguyễn Văn Tập có lứa cá chuẩn bị cho thu hoạch cũng bị nước dồn về cuốn trôi hết, thiệt hại ước tính khoảng 40 triệu đồng. Trên diện tích hơn 5 nghìn m2, đầu tháng 3, ông nuôi thâm canh cá mè, trôi, trắm, chép. Sau hơn 5 tháng nuôi, cá nặng khoảng 2 kg/con. Vậy nhưng, chỉ trong chốc lát, ao cá bị tràn bờ khiến ông trắng tay.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Liễu cho biết: "Bão chồng bão đã khiến toàn bộ 150 ha thủy sản của 67 hộ trên địa bàn xã bị ảnh hưởng. Mặc dù xã đã thường xuyên thông tin về tình hình bão lũ, khuyến cáo nông dân thu hoạch thuỷ sản đến lứa nhưng nhiều người vẫn chủ quan, dẫn đến tổn thất nặng.
Mặt khác, mưa quá lớn đã khiến một số biện pháp của người dân như che chắn, tôn cao bờ bao không có hiệu quả. Để đánh giá chính xác thiệt hại, hiện nay xã cử cán bộ chuyên môn xác minh cụ thể rồi mới báo cáo cấp trên, hỗ trợ một phần cho nông dân”.
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng, toàn huyện có khoảng 200 ha thuỷ sản bị tràn bờ. Tại huyện Hiệp Hoà, mưa lớn cũng làm 223 ha thuỷ sản bị mất trắng, tập trung ở Hoàng Lương (74 ha), Đông Lỗ (30 ha), Hợp Thịnh (17 ha)...
Tập trung chăm sóc cá vụ thu đông
Hiện nay, lũ trên các sông đã xuống, tình trạng ngập úng cơ bản được khắc phục, nhiều nông dân đang khẩn trương khôi phục sản xuất thuỷ sản. Tại những vùng bị thiệt hại lớn như: Tân Liễu, Lão Hộ, Xuân Phú (Yên Dũng), nông dân đang gia cố bờ bao, tiêu độc khử trùng nguồn nước, bảo đảm an toàn dịch bệnh và tiếp tục xuống giống vụ thu đông để có sản phẩm thu hoạch vào cuối năm.
Cùng với các xã của huyện Yên Dũng, làng cá dưới chân núi Ao Giời thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên), thời điểm này người dân đang tất bật bón vôi, chế phẩm sinh học để xử lý nguồn nước ao sau ngập úng. Ông Vũ Văn Mai đang kiểm tra lại hệ thống cống, bờ vây cá cho biết: "Do chủ động chuyển cá lên ao có vị trí cao hơn nên gia đình tôi đã hạn chế được thiệt hại. Hiện tôi đang phòng trừ dịch bệnh, bổ sung thức ăn để cá lớn nhanh, sớm cho thu hoạch”.
Cũng như nhiều hộ dân ở thôn Tĩnh Lộc, gia đình ông Nguyễn Hồng Khánh, thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) đang thuê máy cẩu, ô tô đổ đất, san tôn cao bờ ao nuôi cá ở ven sông Thương đề phòng khi lũ dâng cao. Một số xã ở vùng chiêm trũng của Yên Dũng có diện tích lúa bị ngập không thể hồi phục, chính quyền xã tiếp tục cho nông dân thầu ruộng để thả cá vụ.
Được biết, để khắc phục hậu quả sau bão, Chi cục Thủy sản đã khuyến cáo người nuôi thủy sản có diện tích ao nuôi bị ngập, tràn bờ tập trung kiểm tra và tu bổ sửa chữa lại bờ, cống ao. Kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có biện pháp điều chỉnh phù hợp như: Bón vôi, chế phẩm sinh học để xử lý ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết; thu vớt cành lá cây, rác trên bề mặt tránh gây ô nhiễm nước ao nuôi; sử dụng thức ăn, kéo lưới để kiểm tra lại mật độ, khối lượng đàn cá nuôi trong ao để thả giống bổ sung nếu cần thiết.
Tập trung chọn các giống cỡ lớn (0,1-0,3kg/con), giống cá có tốc độ lớn nhanh (cá chim trắng), giống có khả năng chịu rét tốt, sinh trưởng được trong điều kiện mùa đông (cá chép lai, trắm cỏ) để bảo đảm năng suất, sản lượng cá nuôi trong vụ thu đông.
Đi đôi với các biện pháp trên, đối với vùng nuôi thả thuỷ sản tập trung quy mô lớn nên bố trí một số điểm có vị trí cao, kiên cố để di chuyển cá trong những trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ sản xuất, tránh thiệt hại.
Qua kiểm tra của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) hai cơn bão liên tiếp số 5, số 6 làm 1.200 ha nuôi trồng thuỷ sản trong toàn tỉnh bị thiệt hại, giá trị ước tính hàng chục tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, ở huyện Cư M’Gar, vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều hộ mạnh dạn cưa đốn hàng nghìn ha cà phê vối hết chu kỳ kinh doanh, chọn chồi tái sinh để ghép chẻ nối ngọn bằng các dòng cà phê vô tính chọn lọc mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Gia đình anh Ama Nghé, ở xã Ea Tur là một điển hình với 1 ha cà phê sau khi cưa đốn chọn chồi tái sinh và ghép chẻ nối ngọn đã cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Trong khi giá heo và gia cầm đang trên đà tuột dốc thảm hại thì giá bò ở Bình Định vẫn đứng ở mức cao, đầu ra rất thênh thang. Những hộ chăn nuôi bò ở tỉnh này đang tở mở ăn nên làm ra.
Vùng tây nam Nghệ An mấy ngày qua nắng nóng trên 41oC; khu vực Cửa Rào (Tương Dương); Châu Khê, Cam Lâm (Con Cuông) nhiệt độ ngoài trời lên đến trên 42oC.
Ngày 14-5, PGS.TS Dương Nhựt Long - trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt (Đại học Cần Thơ) - cho biết vừa thu hoạch hai ao tôm càng xanh vốn là ao nuôi cá tra trước đây tại An Giang với kết quả “một lời một”.
Ở Lâm Đồng, “Gạo Cát Tiên” là sản phẩm lúa gạo duy nhất được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền. Đó là loại gạo được sản xuất từ giống lúa OM 4900.