Khôi Phục Chăn Nuôi Phục Vụ Thị Trường Tết
Chỉ còn ba tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Thời điểm hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh Bình Định đang tích cực tái đàn, chăm sóc gia súc, gia cầm (GSGC) phục vụ thị trường Tết. Ðiều đáng mừng với người chăn nuôi là sau thời gian dài giảm giá, hiện giá sản phẩm GSGC đang tăng mạnh trở lại.
Giá GSGC tăng mạnh
Sau một thời gian dài giảm giá, có lúc giá heo hơi chỉ còn ở mức từ 32.000 - 34.000 đồng/kg, khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây giá heo hơi tại các địa phương trong tỉnh đã tăng trở lại, do nhu cầu tiêu dùng tăng, nhất là ở thị trường các tỉnh phía Nam. Hiện thương lái thu mua heo hơi ở mức 40.000 - 43.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, người chăn nuôi đã có lãi từ 7.000- 10.000 đồng/kg. Giá heo giống cũng đã nhích lên theo giá heo hơi, hiện ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg; tăng 20.000 đồng/kg. Đáng chú ý bên cạnh giá heo hơi tăng mạnh là đầu ra khá thuận lợi, khi bà con chăn nuôi gọi bán là thương lái tới tận chuồng mua ngay, không còn cảnh ế ẩm như trước.
Không chỉ giá heo tăng, giá gia cầm, trứng gia cầm cũng đã tăng mạnh. Theo khảo sát của chúng tôi tại các trang trại, gia trại chăn nuôi gà ở Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát…, giá gà công nghiệp lông vàng đang được các thương lái ở phía Bắc vào thu mua ở mức 70.000 - 72.000 đồng/kg; gà ta thả vườn 80.000 - 85.000 đồng/kg; gà ta nuôi trại 50.000 - 55.000 đồng/kg; so với mức giá cách đây khoảng 2 tháng, giá gà đã tăng từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Trứng gà công nghiệp, trứng gà ta cũng tăng từ 200 - 500 đồng/quả; giá trứng gà công nghiệp đang ở mức 2.000- 2.200 đồng/quả; trứng gà ta 3.000 - 3.300 đồng/quả.
Ông Võ Công Khương, chủ một gia trại chăn nuôi gà ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), cho biết: “Các năm trước, thị trường GSGC thường chỉ biến động nhẹ khoảng 2-3 tháng là hồi phục, nhưng năm nay giá giảm sâu và kéo dài khá lâu, người chăn nuôi bị thua lỗ. Hiện nay, giá cả hồi phục trở lại nên việc chăn nuôi đã bắt đầu có lãi. Trang trại của tôi đang nuôi 400 con gà siêu trứng, với giá trứng đang hồi phục ở mức 2.000 - 2.200 đồng/quả, mỗi ngày, tôi có lãi trên 300 ngàn đồng. Tôi đang tiếp tục nuôi đàn gà hậu bị hơn 200 con để thu hoạch trứng vào thời điểm cuối năm”.
Hiện nhiều chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gà trong tỉnh đã nhanh chóng tái đàn để kịp có gà thịt cung cấp cho thị trường Tết. Hầu hết các trang trại, gia trại nuôi gà cách đây 2-3 tháng phải “treo chuồng” do giá sản phẩm thấp hiện cũng đã nhập gà giống để nuôi lứa cuối năm; mỗi trại nuôi trung bình từ 400 - 600 con. Giá các loại thức ăn chăn nuôi hiện khá ổn định cũng làm cho việc khôi phục đàn GSGC được thuận lợi.
Ông Nguyễn Tấn Linh, chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi cấp I ở thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc, cho biết: “Trong năm 2013, các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước đã giữ ổn định giá bán nhằm hỗ trợ một phần khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tái đàn. Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi mang các nhãn hiệu như: CP, Cargill, Con Cò… đang ở mức từ 270-590 ngàn đồng/bao (loại từ 25 - 40 kg/bao). Cụ thể, thức ăn đậm đặc của hãng Cargill dành cho heo thịt hiện ở mức 315 ngàn đồng/bao (30 kg); thức ăn đậm đặc cho heo con từ khi cai sữa đến 15 kg ở mức 430 ngàn đồng/bao (30 kg); thức ăn đậm đặc dành cho vịt đẻ, gà đẻ ở mức 270 - 410 ngàn đồng/bao (loại 25 - 40 kg)…”.
Chủ động phòng chống dịch bệnh
Thị trường GSGC thời điểm cuối năm có chiều hướng hồi phục là điều đáng mừng, giúp người chăn nuôi có nguồn thu nhập bù vào thua lỗ trước đó. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là tình trạng buôn bán, giết mổ GSGC tại các chợ, các địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ, là nguy cơ dịch cúm gia cầm, dịch “heo tai xanh”, lở mồm long móng… có thể tái phát trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thời tiết ở tỉnh ta đang vào mùa mưa lũ, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn GSGC có nguy cơ tái phát cao. Việc chăn nuôi trâu, bò thả rông, nuôi vịt chạy đồng thiếu kiểm soát cũng là nguy cơ có thể làm dịch bệnh tái phát, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi tái đàn.
Để ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn GSGC thời điểm cuối năm, Chi cục Thú y tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống rét lạnh cho đàn GSGC, nhất là cần chú trọng sửa chữa chuồng trại đảm bảo độ ấm cho đàn gia súc, dự trữ thức ăn, tiêm phòng dịch bệnh trong suốt mùa mưa. Các địa phương cần tăng cường quản lý việc nuôi vịt chạy đồng, giám sát chặt chẽ các cơ sở ấp nở gia cầm mới để đề phòng dịch bệnh tái phát.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, đặc biệt là đối với các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm; lở mồm long móng ở trâu, bò; “tai xanh”, dịch tả ở đàn heo…, nhằm phát hiện kịp thời và nhanh chóng dập tắt dịch bệnh. Đến nay, lực lượng thú y đã hoàn thành tiêm phòng đợt 2 cho đàn GSGC với kết quả đạt khá cao. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã thường xuyên phun thuốc tiêu độc, sát trùng chuồng trại, các cơ sở giết mổ tập trung; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh GSGC trong các tháng cuối năm…”.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Tháp Mười phát triển mạnh. Hiện tại, toàn huyện có gần 500 hộ nuôi với trên 14 triệu con, sản lượng mỗi năm gần 5.000 tấn. Do nuôi số lượng nhiều nên có thời điểm giá ếch giảm sâu, người nuôi ếch không có lời, thậm chí lỗ vốn mà vẫn không tìm được thương lái đến mua.
Gắn bó với mô hình nuôi ba ba Nam bộ (cua đinh) trên 10 năm, ông Phan Văn Bá ở ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự đã phát triển mô hình như một trang trại thu nhỏ với 20 bồn và 2 hầm nuôi diện tích 1.400m2, với số lượng gần 200 con giống.
Vừa qua, tại buổi tọa đàm “Những vấn đề đặt ra đối với hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của nước ta trong tình hình mới” (do UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tại TP. Cao Lãnh), thông qua những tham luận, trao đổi, các chuyên gia nhận định các địa phương cần chuẩn bị hành trang vững chắc cho việc vươn mình ra “biển lớn” - hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là tiến tới tái cơ cấu kinh tế.
Hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực tái đàn gia súc, gia cầm (GSGC) nhằm cung ứng cho thị trường cuối năm. Ðiều đáng mừng là sau thời gian dài giảm giá, hiện giá sản phẩm GSGC đang hồi phục.
Thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển và lan nhanh trên vật nuôi. Vì thế, ngành chức năng của huyện Vân Canh đã triển khai nhiều biện pháp giúp nông dân chủ động đối phó với dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) có thể xảy ra trên địa bàn.