Khởi nghiệp từ nghề chăn nuôi bò sữa
Do dự án của Hiếu có tính ứng dụng thực tiễn cao và sau khi vượt qua 3 lần kiểm tra thực tế của đại diện Tập đoàn Pernod Ricard năm 2014, Hiếu đã nhận được số tiền là 90 triệu đồng hỗ trợ của tập đoàn để triển khai dự án. Sau khi tốt nghiệp ra trường, Hiếu bắt tay triển khai.
Lý giải về việc chọn bò sữa để khởi nghiệp, Hiếu cho biết: “Quê em giàu lên nhờ chăn nuôi bò sữa, em muốn làm giàu từ chính lợi thế của mảnh đất này.
Hơn nữa, dự án cũng vừa sức với điều kiện kinh tế của gia đình em”.Vì hoàn cảnh gia đình bố ốm phải điều trị hàng tuần nên Hiếu đã quyết định về nhà chăn nuôi và phụ giúp gia đình làm kinh tế.
Với giải thưởng 90 triệu đồng mà thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa sẽ không đủ vì chăn nuôi bò sữa cần vốn nhiều để xây dựng chuồng trại và mua con giống.
Hiểu được ước mơ của con và muốn giúp con thực hiện dự án chăn nuôi của mình, mẹ của Hiếu, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, chia sẻ:
“Ngày đầu khi nghe Hiếu nói về dự án của mình, chúng tôi chưa hoàn toàn tin tưởng nên không dám vay mượn hàng trăm triệu đồng cho con làm.
Nhưng thấy Hiếu quyết tâm, đưa ra cách thức kinh doanh hợp lý cộng với sự hỗ trợ của nhà trường và của tổ chức từ Pháp, gia đình tôi mới mạnh dạn vay 200 triệu đồng giúp con thực hiện ước mơ”.
Có vốn, Hiếu bàn với gia đình và quyết định mua 02 con bò giống trị giá 140 triệu đồng, đầu tư xây dựng chuồng trại khoảng 120 triệu đồng.
Từ 2 con bò giống ban đầu, qua hơn 1 năm chăm sóc nuôi dưỡng, đầu tư mua thêm giống và bò mẹ sinh sản thêm bê con, hiện nay tổng đàn bò của Hiếu lên đến 11 con, trong đó 05 con bò mẹ và 06 con bê con.
Hiếu đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi bò sữa theo kỹ thuật hiện đại: có bảng theo dõi đàn bò hàng ngày, cho bò uống nước tự động, lắp nhiệt kế để đo nhiệt độ trong chuồng, có hệ thống phun sương làm mát vào những ngày nắng nóng cho đàn bò (trên 27oC là cần phải phun sương), có tủ thuốc thú y, máy vắt sữa, máy băm cỏ và đặc biệt là cho bò nghe nhạc giao hưởng 12 tiếng/ngày.
Trên những góc cao của cột chuồng, tự tay Hiếu mắc hệ thống dây điện có hai loa âm thanh loại nhỏ kết nối với máy tính. Từ đây, những bản nhạc giao hưởng lan tỏa đều khắp với âm lượng vừa phải.
Hiếu cho biết: “Từ thực tế áp dụng cho thấy, những bản nhạc giao hưởng giúp bò sinh trưởng, phát triển tốt, bò ăn ngon hơn và kích thích cho nhiều sữa hơn.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu cho bò nghe những bản nhạc du dương sẽ giúp chúng giảm stress và tăng khoảng 3% lượng sữa mỗi ngày. Với giá sữa bán hiện nay 14.200 đồng/lít, dự kiến trong khoảng một năm rưỡi, dự án sẽ thu hồi được vốn”.
Mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình Phạm Văn Hiếu (mặc áo màu xanh)
Việc chăn nuôi bắt buộc phải xa khu dân cư nên ban đầu trang trại của Hiếu cũng gặp phải một số khó khăn nhất định.
Tuy nhiên để khắc phục vấn đề môi trường và xử lý mùi hôi, Hiếu đã xây dựng các bể lọc để lọc, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý mùi hôi và dùng máy để hút phân đi để xử lý riêng nên việc chăn nuôi ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Khi chúng tôi ghé thăm, trang trại của Hiếu rất sạch sẽ, thoáng mát. Khu vắt sữa có đệm lót để cho bò đứng, trước khi vắt sữa vệ sinh sạch sẽ bò để chuẩn bị vắt sữa.
Hiếu tự trồng cỏ được 3.000m2 là giống cỏ voi. Nguồn thức ăn cho bò luôn chủ động, vào thời điểm cỏ nhiều Hiếu băm nhỏ và ủ chua để dự trữ thức ăn cho bò vào mùa khô.
Hàng ngày, Hiếu vừa là ông chủ vừa làm công nhân, tự tay làm tất cả mọi việc từ xay cỏ, cho bò ăn, điều chỉnh âm nhạc, dọn rửa chuồng…
Hiếu cho biết: “Việc chăn nuôi bò sữa cho nghe nhạc đã được áp dụng có hiệu quả tại những trại chăn nuôi bò lớn trong và ngoài tỉnh.
Để chuẩn bị cho việc chăn nuôi bò, suốt thời sinh viên, tôi đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu, kỹ thuật chăn nuôi bò sữa hiện đại, đặc biệt quan tâm và tìm tòi những kiến thức về lợi ích của việc cho bò nghe nhạc”. Đây là dự án chăn nuôi bò sữa theo mô hình mới đầu tiên của người dân tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng.
Hiện tại, địa phương rất khuyến khích và tạo điều kiện để có những mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi cho bà con nông dân. Mô hình đã góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Với tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, Phạm Văn Hiếu đã đạt được những thành công nhất định trong nghề chăn nuôi bò sữa, Hiếu đã góp phần xây dựng hình ảnh thanh niên nông thôn của thời đại mới: xung kích, năng động sáng tạo, khát khao vươn lên làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Có thể bạn quan tâm
Được triển khai từ tháng 8/2012 tại xã Phước Sơn (Ninh Phước - Ninh Thuận) trên diện tích 2,5 ha, mô hình trồng táo xanh theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu mang lại hiệu quả trong việc “sạch hóa” nông sản, là hướng đi phù hợp, tạo chỗ đứng tin cậy trên thị trường.
Mới đây, tại khu vực vườn nhà của gia đình anh Lê Văn Sơn (ngụ ở thôn 10, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) có một cây chuối hiện đã trổ buồng được 186 nải chuối, chiều dài gần 2m, mỗi nải khoảng 15 đến 20 quả (ảnh).
Trong những ngày qua, dịch cúm A/H5N1 bùng phát tại nhiều tỉnh phía Nam. Đặc biệt, khi dịch cúm bùng phát trên đàn yến nuôi ở TP. Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã gây hoang mang cho người dân lẫn các hộ nuôi. Nhiều tỉnh, thành phố đã tăng cường các biện pháp giám sát dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến.
Hàm Yên là huyện có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi trâu bò, đặc biệt là phát triển chăn nuôi trâu ngố. Nhiều năm nay việc phát triển chăn nuôi trâu ở Hàm Yên không chỉ lấy sức kéo, mà còn tạo nên hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình..
Tận dụng cánh đồng trong bờ bao, người dân ở xã Khánh Hòa (Châu Phú), xã Hòa Lạc (Phú Tân - An Giang) đào vuông nuôi cá lóc bố mẹ. Sau thời gian chăm sóc khoảng 4 tháng, cá bố mẹ sinh sản.