Khởi công Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa
Ngày 10-8, tại Thị trấn Thống Nhất (huyện Yên Định), Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức Lễ khởi công Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Tiên Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo Vinamilk, Hiệp hội sữa Việt Nam cùng đông đảo cán bộ, nhân dân trong vùng dự án.
Dự án Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk có tổng vốn đầu tư ban đầu là 1.600 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích 2.500 ha, trong đó có 147 ha để xây dựng trang trại, 1.600 ha để phát triển nguyên liệu thức ăn thô xanh cho đàn bò... Dự án được thiết kế bởi nhà thầu GEA Farm Technologies (Mỹ). Công nghệ chăn nuôi tiên tiến, giúp tối ưu hóa công việc vận hành khi trang trại đi vào hoạt động; đáp ứng các điều kiện của tiêu chuẩn ISO 9001-2008 và tiêu chuẩn GLOBAL GAP. Công việc vệ sinh, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường cũng áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất của thế giới…
Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa sẽ nhập khẩu bò từ Úc và Mỹ với quy mô 16.000 con và có thể tăng lên 24.000 con trong giai đoạn 2. Cung cấp sản lượng sữa bình quân 98.630 kg/ngày, tương đương với hơn 36 triệu lít/năm. Dự kiến, dự án sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành trung ương đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác của Vinamilk đã lựa chọn tỉnh Thanh Hóa để đầu tư dự án quan trọng này, đồng thời biểu dương các ngành, các cấp, đặc biệt là cán bộ, công nhân Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất và nhân dân địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng triển khai dự án.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Dự án Tổ hợp các trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Vinamilk là dự án lớn, có tính đột phá về quy mô, công nghệ, mô hình tổ chức sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 16 ngày 20-4-2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; là dự án tiếp nối của Vinamilk tham gia vào chương trình phát triển bò sữa của tỉnh Thanh Hóa. Việc khởi công dự án là kết quả của quá trình hợp tác lâu dài, hiệu quả giữa tỉnh Thanh Hóa và Vinamilk. Đây là dự án duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chọn khởi công để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đây cũng là một trong những dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam.
Dự án được đầu tư, không những tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng lớn, tạo việc làm trực tiếp và thu nhập ổn định cho nhiều lao động; tăng thu cho ngân sách nhà nước, mà còn đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Dự án còn là kết quả quá trình chuẩn bị và nghiên cứu kỹ lưỡng của nhà đầu tư với sự tham gia của các đơn vị tư vấn thiết kế uy tín nước ngoài như: Đức, Mỹ, Thái Lan, Israel; sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; sự cố gắng, nỗ lực của các ngành, các cấp trong tỉnh và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân địa phương.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng; các huyện: Yên Định, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc và các xã trong vùng dự án phải đồng hành, phối hợp với chủ đầu tư và nhà thầu để giải quyết hoặc đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện dự án. Trước mắt cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề về cấp điện, nước, bảo đảm an ninh, trật tự; thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư và các điều kiện cần thiết khác để chủ đầu tư, các nhà thầu triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, sớm hoàn thành đầu tư, đưa dự án đi vào hoạt động đúng kế hoạch. Đồng chí cũng tin tưởng và đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu thi công, bằng uy tín, kinh nghiệm của mình, đề cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm hoàn thành việc đầu tư dự án an toàn với tiến độ nhanh nhất và chất lượng cao nhất.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh khẳng định, việc Vinamilk đầu tư dự án Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao về Thanh Hóa là bài học tốt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bài học đó là phải thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí tin tưởng dự án sẽ mang lại lợi ích hài hòa cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là nhân dân trong vùng dự án. Thành công của dự án sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa và cả nước.
Tiếp đó, dưới sự chứng kiến của đông đảo nhân dân và các đại biểu, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và Công ty CP sữa Việt Nam đã phát lệnh động thổ, khởi công dự án.
Có thể bạn quan tâm
Được sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ, Trạm Khuyến nông TP. Yên Bái đã triển khai thực hiện dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi giống thỏ Newzealand
Vụ ĐX 2011-2012, Cty CP Giống cây trồng TƯ liên kết với HTXNN- Kinh doanh tổng hợp Đại Quang SX thử 15 ha giống lúa OM 6976 tại cánh đồng thôn Đông Lâm và Hoà Thạch, xã Đại Quang (Đại Lộc, Quảng Nam).
Những ngôi nhà rách nát đã được thay thế bằng nhà vững chãi; sự đói nghèo dần được thay thế bằng màu xanh no ấm, màu xanh của rừng, của những nương lúa...
Vườn cà phê thử nghiệm “ba trong một” của hộ nông dân Nguyễn Xuân Bách tại xã Lộc Tân (Bảo Lâm - Lâm Đồng) cho kết quả khả quan. Thay vì trồng thuần một loại giống cà phê như lâu nay, mô hình 3 lớp cây giống cà phê – giống chín sớm (đúng vụ), giống cho thu hoạch hơi muộn và đặc biệt là giống cho thu hoạch muộn (gần như là trái vụ).
Sản xuất theo quy trình VietGAP hiện là một trong những chương trình trọng điểm của Ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm nhiều đến sức khỏe của mình. Chính vì thế họ đòi hỏi khắt khe những sản phẩm sản xuất ra phải thật sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp và tiện sử dụng...